Tuy Lý Vương phủ - Vườn thơ bí ẩn

Tuy Lý Vương phủ - Vườn thơ bí ẩn

Nơi đây làm nên thương hiệu miền đất “phủ đệ” mà GS Trần Quốc Vượng gọi là “thành phố thơ”.

Một tài năng thơ ca

Ông hoàng Tuy Lý Vương là con trai thứ 11 của vua Minh Mạng, tên gọi Nguyễn Phúc Miên Trinh. Ông làm thơ thật hay, nên sau này vua Tự Đức (cháu ruột) mới làm hai câu tuyệt bút được ghi vào sử sách, để ca ngợi: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/ thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”.

Vương tước của ông được ghi rõ trên cổng phủ mà người đời gọi là “Phủ Tuy Lý”. Với dân gian vì tôn trọng ông nên gọi (kỵ húy) là “Phủ ba cửa”. Thời Nguyễn, theo luật lệ “hoàng triều”, chỉ những bậc hoàng thân quốc thích được vua phong tước “vương” mới xây cổng ngõ phủ đệ có 3 cửa. 

Cửa lớn chính giữa chỉ mở ra ba ngày Tết Nguyên đán. Dành riêng cho chủ nhân đi (vương gia) hoặc tiếp đón nhà vua đến thăm hỏi. Hai cửa nhỏ phụ hai bên mở hàng ngày cho gia nhân, khách vãng lai ra vào.

Tuy Lý Vương phủ - Vườn thơ bí ẩn ảnh 1
Ngôi nhà cổ làm theo kiểu nhà kép, hai mái được nối với nhau. Trên dải cổ diêm và các bờ nóc, bờ quyết trang trí bằng mảnh sành sứ.

Sinh thời ông có tính cách nghiêm trang, hiền hậu nên các vua Nguyễn phân công trông coi Tôn Học Đường, là trường học dành riêng cho con em trong hoàng tộc, vài người sau này trở thành nhà vua. 

Năm 1865, ông được cử kiêm nhiệm chức Hữu Tôn Chánh, chức vụ cao cấp nhất trong Tôn Nhơn phủ - cơ quan quản lý toàn thể hoàng tộc.

Mộc bản thơ khắc gỗ

Tuy Lý Vương phủ - Vườn thơ bí ẩn ảnh 2
Nhà thờ có không gian thanh thoát lạ thường, phảng phất trầm hương u tịch. 

Khuôn viên vương phủ rộng 2.000 mét vuông. Ngôi nhà rường trước được xây dựng vào năm 1866 để thờ mẹ, nhà phía sau thờ ông hoàng. Đi qua sân gạch, khách sẽ thấy ngôi nhà “Tuy Lý Vương Từ”, hiện thờ ông. 

Ngôi nhà ba gian hai chái này làm theo kiểu nhà kép, hai mái được nối với nhau. Trên dải cổ diêm và các bờ nóc, bờ quyết trang trí bằng mảnh sành sứ với nhiều đề tài cổ điển là hình ảnh: Long, lân, quy, phụng. 

Trong nội thất, ngoài các bàn thờ và khám thờ, còn nhiều đồ tự khí, và các hình ảnh của vương gia. Trong số hiện vật quý báu, đáng chú ý nhất là ba cái tủ kính đựng các tác phẩm và 150 mộc bản bằng gỗ thị, khắc in thơ văn của ông.

Sau khi ông mất năm 1897, Tuy Lý Vương phủ là một trong những phủ đệ nổi tiếng nhất ở Huế, được biết nhiều không hẳn do là nhà của một vương gia quyền quý, mà vì danh tiếng một “nhà thơ” kết bạn tri kỷ, tri âm với Cao Bá Quát, Lê Văn Siêu. 

May mắn cho ông, vua Tự Đức kính mến chú ruột nên không nghe theo đám quyền thần bắt tội thông đồng với họ Cao phản loạn.

Tuy Lý Vương phủ - Vườn thơ bí ẩn ảnh 3
Nhà thờ có không gian thanh thoát lạ thường, phảng phất trầm hương u tịch. 

Hiện nay, phủ Tuy Lý Vương nằm ở số 140 đường Nguyễn Sinh Cung, Vỹ Dạ, thành phố Huế. Du khách đến viếng Tuy Lý Vương phủ - ngôi vườn “nên thơ” của vị vương gia cảm thấy như đang đi vào một cõi không gian thanh thoát lạ thường, phảng phất trầm hương u tịch. Phôi pha vàng son lộng lẫy, tuy nhiên vẫn toát lên sự uy nghiêm, trầm mặc.

Được biết danh hiệu ông hoàng thơ Tuy Lý Vương đã được đặt tên đường ở thành phố Huế. Phủ Tuy Lý Vương Từ tàng ẩn giá trị cao về lịch sử, văn học nghệ thuật, nên cũng được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1991.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ