Văn hóa nhà trường: Động lực cùng phấn đấu

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, xây dựng văn hóa học đường từ các mối quan hệ trong nhà trường sẽ góp phần quan trọng tạo động lực cho cán bộ, nhà giáo làm việc và học sinh học tập.

Cô, trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: TG
Cô, trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: TG

Rộng hơn là góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo.

Chương trình đào tạo ẩn

NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - cho rằng: Môi trường văn hóa học đường tích cực khi học sinh được coi là mục đích giáo dục chứ không phải là vấn đề cần giải quyết. Để tạo ra các giá trị bền vững, việc xây dựng văn hóa nhà trường cần được thực hiện một cách có chủ đích.

Chủ đích ở đây cần xuất phát từ những người đứng đầu nhà trường, từ ban giám hiệu và tiếp tục được phát triển chia sẻ vai trò lãnh đạo tới tất cả thành viên chủ chốt. Một khi quy trình đó được thực hiện, mỗi người đều nỗ lực một cách có chủ đích để góp phần tạo ra môi trường văn hóa thì hành trình xây dựng văn hóa nhà trường mới thực sự bắt đầu.

Cho rằng, giáo dục nước ta đang ở khúc ngoặt của sự đổi mới, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh: Gần 30 năm qua, đổi mới giáo dục nước ta được thực hiện từng phần và không tránh khỏi sự chắp vá. Giờ đây, với việc đổi mới căn bản, toàn diện theo Nghị quyết 29, giáo dục nước ta đổi mới theo cách tiếp cận tổng thể, toàn hệ thống.

Phẩm chất và năng lực của người học không chỉ sinh ra từ chương trình giáo dục, không tự lớn lên cùng với những bài giảng của thầy, cô giáo và tuyệt nhiên không thể đứng vững trong một môi trường dạy – học bị thao túng bởi các giá trị phi giáo dục. “Kinh nghiệm thành công của các nhà trường trên thế giới chỉ ra rằng, phẩm chất và năng lực của người học chỉ có thể nảy sinh, bám rễ và lớn lên trong môi trường văn hóa học đường tích cực” - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi.

Ở góc nhìn khác, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ: Văn hóa nhà trường được coi là chương trình đào tạo ẩn. Chương trình này góp phần tạo dựng nên các mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, nhà trường với cộng đồng cha mẹ học sinh và hình thành nên đặc điểm, tính cách của người học.

Cũng như chương trình đào tạo chính thức, nhà trường xác định những nhân tố văn hóa và dạy lại cho các thế hệ học trò. Chương trình đào tạo ẩn được giảng dạy thông qua nhà trường, hoạt động của nhà trường, chứ không phải thông qua giáo viên chịu trách nhiệm giảng dạy văn hóa. Nó là tất cả những gì thâm nhập vào người học, nhưng có thể là những gì không bao giờ được giảng dạy trên lớp.

Theo đó, chương trình đào tạo ẩn được tạo nên bởi sự kết hợp của tất cả lực lượng trong và ngoài nhà trường. Nó bao gồm yếu tố vật chất và tinh thần của nhà trường hàng ngày, hàng giờ tác động đến mỗi học sinh, thầy, cô giáo. Nó hình thành nên định hướng cuộc sống, thái độ đối với việc học tập cho người học.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) tham gia ngày hội STEM. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) tham gia ngày hội STEM. Ảnh: TG

Kỷ luật nhất quán

Từ thực tế của trường, NGND Nguyễn Thị Hiền chia sẻ kinh nghiệm: Một trong những yếu tố quan trọng là đặt kỷ luật nhất quán. Việc đặt ra nội quy trường học không phải lúc nào cũng được 100% thành viên thực hiện và tuân thủ. Khi các quy tắc không được tuân theo, kỷ luật phải được thực hiện.

Tuy nhiên, mở rộng phạm vi các phương pháp kỷ luật có thể khuyến khích một nền văn hóa học đường tích cực. Thay vì liên tục “dập lửa”, hãy áp dụng một cách tiếp cận kỷ luật chủ động, tích cực hơn. Việc phạt một học sinh sau khi có hành vi xấu chưa chắc đã tốt. Nhưng việc giao cho học sinh đó một nhiệm vụ giúp sửa chữa sai lầm sẽ dạy học sinh những gì nên làm thay cho hành động, hành vi sai trái đó.

NGND Nguyễn Thị Hiền viện dẫn: Hãy tưởng tượng một học sinh làm tổn thương học sinh khác, hình thức kỷ luật có thể bao gồm việc phải viết một lá thư xin lỗi bạn bị tổn thương. Sau đó được giao nhiệm vụ làm “giám sát hành lang” để cùng tìm những học sinh gây rắc rối cho những bạn khác. Quá trình làm “giám sát hành lang” sẽ giúp học sinh nhận ra nhiều hành vi không tốt của người khác mà trước đây mình từng mắc phải và tự sửa chữa những sai lầm. Điều này khuyến khích các em chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Kỷ luật cần thấm nhuần tới tất cả học sinh trong trường và được áp dụng nhất quán. Giáo viên và học sinh cùng tuân thủ các quy tắc kỷ luật, không có ngoại lệ. Khi tất cả học sinh được đối xử bình đẳng và hành vi xấu được xử lý theo cách giống nhau trong các lớp học khác nhau giúp loại bỏ cảm giác không tin tưởng giữa các học sinh, giữa học sinh và giáo viên.

Văn hóa học đường góp phần tạo động lực cho giáo viên, học sinh trong giảng dạy và học tập. Ảnh: TG
Văn hóa học đường góp phần tạo động lực cho giáo viên, học sinh trong giảng dạy và học tập. Ảnh: TG

Động lực cho giáo viên và học sinh

Nhấn mạnh, văn hóa nhà trường tạo nên động lực làm việc cho cán bộ, giáo viên, động lực học tập cho học sinh, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc trao đổi: Động lực làm việc của mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhu cầu, bao gồm nhu cầu vật chất và tinh thần. Vật chất được xem là những nhân tố kìm hãm, không làm cho con người thỏa mãn. Nhưng nhân tố tinh thần là nhóm nhu cầu bậc cao.

Con người được thừa nhận, tôn trọng, sáng tạo, thể hiện bản thân đem lại sự thỏa mãn cho con người. Đó chính là những giá trị văn hóa của một tổ chức, nhà trường. Mục đích của hoạt động giảng dạy trong nhà trường là trau dồi tri thức và rèn luyện các thế hệ học trò. Chính vì thế, nghề dạy học đòi hỏi tính khoa học, nghệ thuật và sáng tạo cao.

Với tính chất nghề nghiệp lao động trí óc và ảnh hưởng tới nhiều số phận học trò, đòi hỏi mỗi giáo viên phải là mẫu mực đối với học trò trong công việc và cuộc sống. Điều này chỉ có thể đảm bảo khi bản thân giáo viên có tính định hướng rõ ràng, say mê và tình yêu nghề nghiệp. Tức là, người giáo viên có động lực mạnh mẽ trong làm việc. Văn hóa nhà trường tích cực sẽ tạo ra động lực đó. Đến lượt học trò lại được học tập, rèn luyện với các thầy, cô mẫu mực như vậy; đó chính là hình mẫu cho học sinh học tập, noi theo.

Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: TG
Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: TG

Cần có cách tổ chức thực hiện toàn hệ thống

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến khuyến nghị: Cùng với tư duy toàn hệ thống, cần có cách tổ chức đồng bộ. Đó là việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục theo hướng tiếp cận văn hóa học đường.

Hiểu như vậy thì nhiệm vụ đầu tiên và xuyên suốt của nhà trường trong việc tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục là, xây dựng văn hóa học đường. Đáng mừng là trong Chỉ thị năm học 2021 – 2022 của Bộ GD&ĐT, việc xây dựng văn hóa học đường được quy định như một nhiệm vụ trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Việc triển khai nhiệm vụ này cần được quán triệt trong toàn ngành. Không chỉ về mặt nhận thức vị trí và tầm quan trọng của văn hóa học đường, mà chủ yếu là việc tổ chức thực hiện, từ những vấn đề cốt lõi như: Xác định hệ giá trị cần đưa vào trong nhà trường, các chuẩn văn hóa học đường cho đến việc giám sát và đánh giá.

Tuy nhiên, từ việc nhận dạng các cơ hội và thách thức nêu trên, rõ ràng việc xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, phức tạp khi mà các yếu tố bên ngoài cả tích cực và tiêu cực đang đan xen nhau tác động đến nhà trường. Trong sự đan xen đó, nếu các cơ hội không được phát huy một cách chủ động và có ý thức thì cơ hội mãi mãi là cơ hội, còn thách thức sẽ không chỉ còn là thách thức, mà trở thành nguy cơ.

Nghĩa là, nếu việc xây dựng văn hóa học đường không nhận được sự quan tâm thỏa đáng ở cấp hệ thống thì các yếu tố tác động tiêu cực bên ngoài, đặc biệt là các phi giá trị trong gia đình, xã hội và mạng Internet sẽ dần lấn lướt và gây ô nhiễm, tạo nên hiệu ứng không mong muốn là sự lên ngôi của văn hóa tiêu cực trong nhà trường.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, văn hóa nhà trường giúp mỗi người thấy rõ mục đích, ý nghĩa và bản chất công việc mình làm; tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên và học sinh, giữa cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Từ đó, tạo ra môi trường dạy học thân thiện, tin cậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ