Ở bất cứ đâu, trên xe khách hay trong công viên, ngoài chợ hay trong nhà… chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh ai đó cầm điện thoại lướt Facebook. Trong hầu hết các cuộc trò chuyện ngoài quán xá, dù chỉ có hai người nhưng nhiều khi không ai nói chuyện với ai – vì họ đang dõi theo một điều gì đó trên mạng xã hội.
Trong gia đình cũng vậy, có khi mỗi người một cái điện thoại. Vợ chồng ít nói chuyện với nhau, con cái không chia sẻ gì với bố mẹ. Bữa cơm gia đình thành ra “mạnh ai nấy ăn”, tình thân có đấy nhưng đang bận “lướt mạng” nên mọi thứ gia phong… để sau.
Đó là một thực tế mà mỗi người có thể dễ dàng nhận ra. Và từ đó câu chuyện tầng văn hóa của mỗi người trên mạng xã hội ra đời xoay quanh vấn đề văn hoá mạng.
Theo thống kê của Digital (số liệu tính tới thời điểm tháng 1/2021) số lượng người sử dụng mạng xã hội tại nước ta là 72 triệu (tăng hơn 7 triệu người trong vòng một năm) tương đương 73,7% tổng dân số. Trong đó, phần lớn người sử dụng hiện nay là người trẻ, với độ tuổi dao động từ 15 - 25 tuổi.
Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2022, các thông tin tiêu cực trên không gian mạng có chiều hướng tăng. Trong đó, tỉ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam chiếm 3,6%.
Cơ quan chức năng cũng rà soát, xử lý hơn 30 kênh, nhóm có nội dung độc hại đối với trẻ em. Trong đó, có những kênh có số lượng thành viên là trẻ em rất lớn, như: TimmyTV với gần 768 nghìn thành viên, Team2K9 có hơn 821 nghìn thành viên.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, dù nhiều nhóm – kênh độc hại bị xử lý nhưng hàng ngày và thậm chí hàng giờ, vô số các thông tin độc hại khác ra đời. Trên Facebook, TikTok, YouTube… liên tục xuất hiện các video dàn dựng mang tính bạo lực, mê tín dị đoan. Cảnh nóng người lớn, hay “chủ nghĩa phô thân” cũng xuất hiện nhan nhản khắp các hội nhóm.
Có một điều lạ là các thông tin phổ biến tri thức, lan tỏa nét đẹp văn hoá, ứng xử nhân văn… ít khi được quan tâm, chia sẻ. Ngược lại, những thông tin xấu độc – “rác” mạng xã hội lại thu hút đông đảo người xem.
Hiện tượng này đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước và các bậc phụ huynh về việc xây dựng văn hóa mạng và mạng văn hoá. Văn hóa ứng xử đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhận thức con người. Cha mẹ cần giáo dục cho con cái cách ứng xử văn minh, lịch sự. Đặc biệt, nên hướng dẫn con cái tránh tiếp cận thông tin không phù hợp.
Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu đó thì chưa đủ. Văn hóa cần được hình thành và lớn mạnh từ nền tảng văn hóa của gia đình. Con cái không thể ứng xử cách thông minh với mạng xã hội, khi cha mẹ cũng mù quáng trong đó.
Bởi vậy, nên rạch ròi thời gian sử dụng mạng xã hội trong không gian gia đình – để con cái thấy được giá trị văn hóa trong gia đình. Từ đó, ý thức được giá trị văn hóa khi sử dụng mạng xã hội.
Văn hóa gia đình có tác động rất lớn đến việc con cái ứng xử trên mạng xã hội. Vì vậy, việc sử dụng mạng xã hội sao cho có văn hóa – nên là tiêu chí hàng đầu mà các bậc cha mẹ phải quan tâm.