Thói quen không phải tự nhiên mà có
Chị Nguyễn Thị Dung (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: Trước khi cho con về quê, chị đã phải dặn dò con kỹ càng: Gặp người lớn mặc dù không quen nhưng con vẫn phải đon đả chào hỏi, phải chia sẻ đồ chơi với những bạn nhỏ xung quanh… Nhưng dường như con chị không mấy để tâm.
Đợt nghỉ vừa rồi, vì đã lâu mới thấy đông đủ cả nhà chị về chơi thăm ông bà nội, nên hàng xóm kéo đến khá đông để chia vui. Anh chị luôn hồ hởi tươi cười trò chuyện với bà con xóm giềng, nhưng chỉ cô con gái năm nay học lớp 7 của anh chị vẫn giữ bộ mặt chẳng mấy thân thiện. Phải nhắc mấy lần cô con gái mới cất tiếng chào, nhưng xem ra khá gượng ép. Mẹ giục ra chơi với các anh chị họ, cô bé tỏ vẻ không thích thú, với lý do sợ dây bẩn ra quần áo.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình (Trung tâm Clever Land) cho biết bà cũng thường nhận được những lời than phiền của những ông bố, bà mẹ, rằng:
Con cái họ thường chẳng kiên trì với bất cứ thứ gì, chơi trò nào cũng một xíu rồi vứt đi, nói trống không với người lớn… Thậm chí cả ngày trẻ chỉ ham chơi, không bao giờ chịu tập trung khi ngồi học, bao nhiêu quyển sách hay không đọc chỉ đòi xem iPad, điện thoại, phim hoạt hình;
Không có thói quen gọn gàng, đồ vật giăng khắp nhà, bố mẹ thường phải dọn dẹp hộ. Nhiều trẻ đã học cấp hai vậy mà cãi lại bố mẹ như “chém chả”, không chịu nghe lời, bản tính lại hiếu thắng… Theo chuyên gia, nguyên nhân sâu xa là bởi ngay từ nhỏ, người lớn đã không tạo cho trẻ những thói quen và nền nếp.
Cần sự kiên trì khi dạy dỗ
Chuyện trẻ không hoà nhập được với người lạ, với cuộc sống, dường như đang diễn ra khá nhiều trong xã hội hiện nay. Nhiều khi phụ huynh quá chú trọng nâng cao kiến thức phổ thông cho con, song lại quên dành thời gian để giáo dục con lề lối, khuôn phép giao tiếp với mọi người.
Chuyên gia Nguyễn Thị Bình phân tích: Trẻ em cần được dạy văn hóa ứng xử ngay từ khi còn bé để khi lớn lên có thể hòa nhập tốt với xã hội.
Giai đoạn trẻ bắt đầu biết phản ứng và học cách giao tiếp thông qua cử chỉ, giọng nói hay các biểu hiện bộc lộ rõ trên nét mặt, chẳng hạn như mỉm cười, gật đầu đồng ý hay lắc đầu phản đối, chính là lúc bố mẹ nên “huấn luyện” kỹ năng ứng xử, tạo thành thói quen cho con.
Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả quãng đời còn lại của trẻ. Trong cách giáo dục, chúng ta phải rất coi trọng đến văn hóa gia đình, mà trước hết cần phải dạy trẻ biết tôn trọng ông bà, cha mẹ, người thân. Để trẻ hình thành được văn hóa ứng xử trong giao tiếp, người lớn cần phải làm gương cho con cái.
Bà Bình còn đưa ra những khuyến cáo: Có bao giờ trong đầu người lớn chúng ta nghĩ là gặp trẻ con thì nên chào chúng, thậm chí phải cúi thấp người cho vừa tầm nhìn vì chúng còn thấp bé? Nếu không thì tại sao chúng lại phải lịch sự chào chúng ta nhỉ?
Lịch sự ngấm trong con người nên dù bé hay lớn đều cần chú ý cả. Người lớn chúng ta có tạo cho mình ý thức tích cực từ cách nói chuyện đến các hành động đẹp mà làm gương cho con, hay phần lớn giống như một thói quen?
Có bao giờ chúng ta yêu quý sách hơn là cầm điện thoại trượt, iPad lướt web... nếu chúng ta có thì chắc hẳn là con cũng có. Vì thế hãy cố gắng tạo lập thói quen bản thân mình yêu quý sách vở mới mong con trẻ cũng thế.
“Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên với trẻ, quan hệ ruột thịt là nhân tố có sức cảm hóa giúp trẻ tự hấp thụ những giá trị gia đình một cách tự nhiên nhất.
Bởi vậy, mỗi gia đình rất cần có những quy tắc, lối sống chuẩn mực để hình thành nhân cách cho trẻ ngay từ nhỏ” - Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Bình bày tỏ.