Sống cân bằng trong gia đình nhiều thế hệ: Trao truyền giá trị văn hóa gia đình

GD&TĐ - Sống trong gia đình nhiều thế hệ, trẻ có cơ hội được giao tiếp, cảm nhận tình yêu của các thành viên. Tuy nhiên, sự bất đồng quan điểm về nuôi, dạy trẻ đôi khi gây căng thẳng.

Gia đình hạt nhân đang trở thành xu hướng. Ảnh minh họa.
Gia đình hạt nhân đang trở thành xu hướng. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, các cha mẹ hãy tìm cách cân bằng các ý kiến, kinh nghiệm nuôi dạy trẻ từ ông bà. Sự trợ giúp tuyệt vời từ ông bà trong lĩnh vực này là điều không thể phủ nhận.

Sự nỗ lực từ mỗi thành viên

Hiện nay, không ít gia đình trẻ muốn sống riêng, với lý do được tự do, thoải mái. Song, để có một mái ấm riêng, không phải là điều đơn giản. Chính vì vậy, việc gia đình nhiều thế hệ, đặc biệt là ông bà, con, cháu cùng sống chung là điều khá phổ biến. Nhiều người chia sẻ, sống chung với ông bà, cha mẹ, con cháu sẽ có nhiều cái lợi.

Khi ở chung, vợ chồng trẻ sẽ bớt được một khoản chi phí khá lớn về tiền nhà, điện, nước… Chưa kể, ông bà phụ lo cơm nước, việc nhà. Ông bà cũng là người giúp các con chăm sóc cháu, đưa - đón trẻ đi, chăm sóc cháu vào buổi tối hoặc ngày nghỉ khi cả hai vợ chồng bận việc đột xuất, đặc biệt là lúc trẻ đau ốm… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, gia đình ba thế hệ cũng thường gặp phiền toái bởi bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề.

Chị Thủy Tiên - phụ huynh tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) - tâm sự: “Gia đình tôi sống cùng ông bà, bố mẹ. Tuy nhiên, sau khi sinh con, mọi thứ trong gia đình như đảo lộn. Bởi, ông bà và bố mẹ thường xuyên góp ý với chúng tôi trong vấn đề nuôi dạy trẻ. Tuy nhiên, đôi lúc, điều đó khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có mâu thuẫn”.

Sau một thời gian chung sống, vợ chồng chị Tiên quyết định dọn ra ở riêng. Nữ phụ huynh này cho biết, không nhất thiết phải sống chung, trẻ vẫn có thể thường xuyên về thăm cụ và ông bà.

Mô hình gia đình hạt nhân đang là xu hướng phát triển của xã hội. Song, không phải vì thế mà mô hình gia đình truyền thống “Tam, tứ đại đồng đường” mất đi. Trên thực tế, nhiều gia đình đa thế hệ vẫn có thể sống hạnh phúc, hòa thuận. Các thành viên trong gia đình đoàn kết, quan tâm, chăm sóc nhau. Đồng thời, góp phần lưu giữ những nét đẹp của gia đình truyền thống.

Anh Trung Việt - một phụ huynh tại Cầu Giấy (Hà Nội) - chia sẻ, gia đình anh có ba thế hệ chung sống. Song, các thành viên vẫn luôn hòa thuận nhờ “bí quyết” giữ nền nếp, hạnh phúc gia đình.

“Việc duy trì sự hòa thuận, nền nếp trong gia đình nhiều thế hệ không đơn giản. Đương nhiên, nhiều lúc không tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn. Vì thế, bố mẹ tôi luôn lắng nghe, chia sẻ, phân tích đúng sai để cùng các con, cháu giải quyết vấn đề một cách hợp lý”, anh Việt cho biết.

Trẻ sẽ có cơ hội phát triển nhiều kỹ năng sống khi ở cùng ông bà. Ảnh minh họa.

Trẻ sẽ có cơ hội phát triển nhiều kỹ năng sống khi ở cùng ông bà. Ảnh minh họa.

Cũng theo nam phụ huynh này, bố mẹ anh không phân biệt dâu, rể, trai, gái. Ông bà luôn coi con dâu, con rể như con ruột của mình. Bên cạnh đó, để các thành viên luôn gắn bó, vào ngày nghỉ, gia đình anh Việt thường xuyên tổ chức họp mặt, quây quần bên mâm cơm để tâm sự, chia sẻ những khó khăn. Hằng ngày, do bận đi làm nên việc chăm sóc, đưa đón con đi học và nội trợ đều do bố mẹ anh Việt phụ trách. Trong khi đó, ông bà giao việc lo toan kinh tế, đối nội, đối ngoại cho vợ chồng anh.

Không chỉ là gia đình “tứ đại đồng đường” sống hòa thuận, hạnh phúc, gia đình chị Thu Hoài tại Từ Liêm (Hà Nội) còn khiến nhiều người ngưỡng mộ nhờ có truyền thống hiếu học. Vợ chồng chị Hoài - từng là du học sinh - điều hành công ty gia đình. Hai con của chị Hoài cũng thường xuyên là học sinh giỏi và đoạt nhiều giải thưởng trong trường. Mặc dù là người có lối sống hiện đại, song vợ chồng chị Hoài quyết định sống chung với ông bà, bố mẹ để tình cảm gia đình thêm gắn bó.

“Trong cuộc sống hiện đại, gia đình “tứ đại đồng đường” không còn là mô hình lý tưởng. Song, đối với vợ chồng tôi, nếu có thể giữ gìn, đó vẫn là điều vô cùng đáng quý. Bởi, các thành viên trong gia đình đa thế hệ có điều kiện giúp đỡ nhau về cả vật chất và tinh thần. Trong khi đó, chúng tôi cũng muốn bù đắp vì đã xa nhà suốt nhiều năm để du học”, nữ phụ huynh tâm sự.

Bố mẹ chồng chị Hoài thường xuyên ở nhà giúp con cháu một số công việc trong gia đình. Chị Hoài chia sẻ, bố mẹ chồng chị cảm thấy vui và an tâm hơn khi thường xuyên nhìn thấy con, cháu. Trong khi đó, hai con chị luôn “quấn” ông bà và cụ. Ngoài giờ học, con chị Hoài thường xuyên được ông bà chia sẻ kiến thức những kinh nghiệm sống.

“Việc sống chung với ông bà giúp hai con tôi phát triển hoàn thiện, sống tình cảm hơn. Cũng nhờ sống trong gia đình nhiều thế hệ, trẻ biết yêu thương, quan tâm chăm sóc những người lớn tuổi khi ốm đau”, chị Hoài cho biết. Để rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ, bố mẹ chồng chị Hoài cũng tiếp nhận những cái mới, cái hay của giới trẻ và cùng tham gia một số hoạt động. Ngược lại, vợ chồng chị Hoài và các con cũng học hỏi nếp sống, nếp nghĩ truyền thống.

Trẻ sẽ biết cách quan tâm người lớn tuổi khi sống trong gia đình nhiều thế hệ. Ảnh minh họa.

Trẻ sẽ biết cách quan tâm người lớn tuổi khi sống trong gia đình nhiều thế hệ. Ảnh minh họa.

Sự trợ giúp tuyệt vời

Việc bất đồng quan điểm được cho là khó tránh khỏi trong những gia đình nhiều thế hệ, đặc biệt là mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu trong việc nuôi dạy trẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, không ít mẹ chồng - nàng dâu thường xuyên tham gia vào cuộc chiến “giằng co” giữa nuôi con, cháu kiểu “Tây” và “ta”.

“Mẹ chồng thì “tôi nuôi mấy đứa kiểu này có sao đâu” hoặc “trứng khôn hơn vịt, tôi nuôi chồng cô được như ngày nay đấy”. Hoặc “chăm kiểu như thế thì nó còi cọc à” và dỗi con dâu “đấy cô giỏi thì tự mà chăm con cô”. Con dâu thì “mẹ đừng làm như thế vì người Nhật họ...”, hoặc “thôi mẹ để con làm vì người Mỹ họ...”. Hoặc “thời mẹ khác, bây giờ khác””, nữ chuyên gia dẫn chứng.

Trong những tình huống như vậy, chắc chắn, cả mẹ chồng và nàng dâu đều cảm thấy khó chịu, áp lực. Đặc biệt, con dâu sẽ cho rằng, bản thân không thể nuôi trẻ theo ý. Theo chuyên gia Phạm Hiền, trong trường hợp này, các nàng dâu hãy nghĩ rằng, chúng ta mới chỉ đọc, mới nghe cách dạy, cách nuôi con. Do đó, nếu áp dụng, có nghĩa là chúng ta đang tập, trải nghiệm. Đồng thời, chúng ta chưa biết phương pháp đó đúng hay sai.

Trong khi đó, mẹ chồng là người đã trải qua việc nuôi dạy trẻ. Mặc dù, các phương pháp của thế hệ trước có thể không giống những gì chúng ta biết, nhưng vốn dĩ về cơ bản vẫn vậy. Do đó, thay vì phủ nhận ý kiến của thế hệ trước một cách “máy móc”, cần cố gắng chắt lọc và kết hợp các phương pháp.

“Xã hội hiện đại thì tất cả mọi suy nghĩ đến cách vận hành cũng hiện đại hơn. Vì vậy, thay bằng việc mẹ cứ hoài niệm những cách cũ, có thể phát triển nó lên để phù hợp trong sự cân bằng”, bà Phạm Hiền gợi ý.

Trong khi đó, bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - chia sẻ, trẻ sẽ thật sự hạnh phúc khi có ông bà ở bên. Bởi, bà giống như một người mẹ thứ 2 của trẻ.

“Trên đời này, tình cảm gia đình luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, lớn lao và dạt dào nhất. Đó có thể là sự chở che trong trầm lặng mà mạnh mẽ của cha, là những dịu dàng, ân cần quan tâm của mẹ và còn là vô vàn bao dung, cưng chiều từ một người vô cùng quyền lực mà chúng ta vẫn hay gọi bằng hai chữ thân thương: “Bà ngoại””, bà Phan Hồ Điệp cho biết.

Theo nữ giảng viên này, chắc chắn, câu cửa miệng mà ai cũng từng nghe khi sống cùng bà là “Nó giống hệt mẹ nó ngày bé”. Đặc biệt, khi cha mẹ mắng trẻ, bà sẽ là người bênh và cho rằng, hành động đó là sai và gây tổn thương trẻ. Thậm chí, các ông bà còn cho rằng, mọi phương pháp bố mẹ trẻ áp dụng đều không hợp lý. Bởi, ông bà chỉ cần yêu thương và ôm cháu là đủ.

Khi sống chung, có lẽ, ông bà thường là người xót cháu hơn cả bố mẹ, đặc biệt là khi trẻ bị ốm, đau, hay ngã.

“Ban đêm, nếu biết có bà, hễ con khóc, bạn sẽ vờ như không nghe thấy và bà sẽ dậy ôm cháu để nựng nịu, thì thầm “khẽ thôi cho mẹ hư còn ngủ”. Có bà, bạn đi làm về sẽ thong thả tạt ngang tạt dọc vì về đến nhà, bà đã lo cơm nước, con cái”, nữ giảng viên chia sẻ. Đặc biệt, mỗi khi trẻ khóc, ông bà thường có những câu “kinh điển” như: “Ôi thương quá, mẹ không biết dỗ?”. Bởi, đối với ông bà, những khái niệm như “tự nín”, “tự lập”, “chờ đợi” đều là... vô nghĩa. Trong mắt ông bà, các cháu mãi mãi là những đứa trẻ không bao giờ lớn và luôn cần được ôm ấp, chiều chuộng.

“Nhiều khi những mâu thuẫn thế hệ trong việc nuôi dạy con khiến các bà mẹ căng thẳng, khó xử, bối rối. Tuy nhiên, không thể phủ nhận có những điều ấm áp, những sự trợ giúp tuyệt vời từ những người mẹ mang tên bà ngoại”, bà Phan Hồ Điệp chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ