Những năm gần đây, cùng với hoạt động xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục trở thành chủ trương đúng đắn, được nhà trường, xã hội đón nhận, tạo diện mạo, vị thế mới, sự chuyển biến tích cực, rõ nét, mang lại lợi ích thiết thực cho HS. Các cấp quản lý giáo dục, nhà trường được tiếp cận với mô hình hiện đại, tiên tiến.
Qua tự đánh giá, đánh giá ngoài, nhiều trường thấy được hiện trạng chất lượng, điểm mạnh, điểm yếu và xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sát thực, hiệu quả hơn. Kiểm định chất lượng giáo dục từng bước làm thay đổi cách nhìn nhận về công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường năng lực quản lý nhà trường và quản lý dạy - học. Có thể nói, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành, đặc biệt ở những trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia và đạt kiểm định chất lượng giáo dục.
Một dấu mốc đáng nhớ với công tác này là việc Bộ GD&ĐT ban hành các Thông tư tích hợp quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và công văn hướng dẫn tự đánh giá, đánh giá ngoài trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông trong năm học 2018 - 2019. Việc thống nhất một bộ tiêu chuẩn, quy trình đánh giá đã tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục thực hiện cùng một lúc hai hoạt động, góp phần làm giảm các thủ tục hành chính trong công tác quản lý; giảm công sức, thời gian, chi phí khi triển khai thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Với sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT và nỗ lực của các địa phương cả nước, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là trong 5 - 6 năm gần đây. Nếu năm 2014, cả nước chỉ có 4.206 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (9,75%) được đánh giá ngoài; con số này tính đến 20/7/2020 tăng gần 6 lần, với 24.984 trường, chiếm tỉ lệ 58,70% tổng số trường trên cả nước. Cũng tính đến thời điểm trên, có 96% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên hoàn thành tự đánh giá. Hoạt động tự đánh giá, đánh giá ngoài có tác động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, tư tưởng ngại khó, ngại tiếp cận với vấn đề mới vẫn là rào cản với hoạt động kiểm định chất lượng. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường đã được tập huấn, nhưng chưa nắm chắc quy trình, kỹ thuật tự đánh giá, vì vậy việc triển khai hoạt động này chưa đạt như kỳ vọng. Có trường chưa thấy được quyền lợi của mình nên không thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy trình hoặc thực hiện một cách hình thức. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia chưa thành nhu cầu tự thân tại không ít cơ sở giáo dục...
Bởi vậy, việc nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, về xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường là việc cần làm tốt hơn nữa. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của người đứng đầu. Thực tế cho thấy, nếu người đứng đầu nhà trường quan tâm, trực tiếp triển khai hoạt động tự đánh giá - khâu đầu tiên, quan trọng của quy trình kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia - theo đúng quy trình, chất lượng báo cáo tự đánh giá rất tốt. Nhà trường xác định được đúng hiện trạng, điểm mạnh, điểm yếu, từ đó xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng theo từng tiêu chí phù hợp, khả thi để từng bước góp phần bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục các hoạt động trong nhà trường.