Thực tế, vấn đề văn hóa chất lượng đã được nhắc đến từ lâu, song dường như nhiều trường ĐH cố tình “phớt lờ” hoặc cho nó là điều viển vông, xa rời, không thực tế. Để rồi sau một vài sự vụ xảy ra, nhà trường mới nhận ra rằng, mình mới là người xa rời thực tế. Sai phạm xảy ra ở Trường ĐH Đông Đô trong thời gian vừa qua là một minh chứng sống động. Với cách làm “chộp giật”, thậm chí là sai luật đã khiến hiệu trưởng và một số cá nhân liên quan vướng vào lao lý. Thương hiệu nhà trường bỗng chốc “tiêu tan”.
Hay như một số trường tuyển sinh theo kiểu “phá đáy” khiến dư luận có những phản ứng gay gắt. Điều mà nhiều người quan ngại là, với kiểu “chiêu sinh” như vậy có thể gây ra những hệ lụy khôn lường, mà hậu quả nhãn tiền chính là uy tín, thương hiệu của các trường đó. Sau đó sẽ là chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương và đất nước. Nói cách khác, nếu các trường tuyển sinh theo kiểu bất chấp thì sớm hay muộn cũng sẽ nhận “trái đắng”.
Tuy nhiên, vấn đề nêu trên không phải là bản chất mà chỉ là một vài hiện tượng để chúng ta suy ngẫm về văn hóa chất lượng. Công bằng mà nói, văn hóa chất lượng đã và đang được hình thành trong các cơ sở GDĐH. Đại đa số các cơ sở GDĐH đã hình thành bộ phận tổ chức bảo đảm chất lượng. Chúng ta đã có 251/268 cơ sở GDĐH, trong đó có 218 trường ĐH, 33 trường cao đẳng hoàn thành đánh giá và đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GD. Có 6 cơ sở GD đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế.
Chúng ta cũng có 144 chương trình đào tạo trong số hàng nghìn chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Trong đó có 16 chương trình đạt tiêu chuẩn chương trình kiểm định chất lượng trong nước, còn lại đạt tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế.
Song vấn đề văn hóa chất lượng không chỉ là câu chuyện của kiểm định chất lượng, hay những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước, mà nó còn là ý thức của mỗi cá nhân, đơn vị.
Đó còn là trách nhiệm đối với sự phát triển của nhà trường và trách nhiệm giải trình trước xã hội. Nói cách khác, văn hóa chất lượng phải được biểu hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong từng hành động, thái độ làm việc của cá nhân, tập thể trong các cơ sở GDĐH.
Nói như PGS.TS Phạm Trọng Quát – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, văn hóa chất lượng có nhiều biểu hiện khác nhau. Ở cấp độ cá nhân, văn hóa chất lượng được biểu hiện qua việc hoàn thành công việc có chất lượng cao, đúng thời hạn, đảm bảo đủ số lượng sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu, đáp ứng kỹ năng làm việc nhóm, đoàn kết, dân chủ…
Ở cấp độ đơn vị, văn hóa chất lượng biểu hiện qua việc xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng như: Xây dựng được chiến lược tốt về đảm bảo chất lượng của đơn vị, xây dựng bộ phận thường trực về đảm bảo chất lượng làm việc có hiệu quả… Nói cách khác, đó là những chỉ báo để đánh giá việc xây dựng và thực hiện văn hóa chất lượng trong đơn vị.