Giảm chi phí sản xuất
Nhằm hạn chế chi phí canh tác, giúp đỡ chị em khó khăn vươn lên trong cuộc sống Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) triển khai mô hình “Vần đổi công gây quỹ giúp đỡ phụ nữ khó khăn”.
Hoạt động này đã có từ lâu, nhưng chỉ manh mún ở một vài thôn, làng. Thời gian đầu một số chị em, bà con thân quen hỗ trợ, giúp nhau làm công việc nương rẫy. Nhận thấy hoạt động thiết thực, ý nghĩa năm 2020, Hội LHPN xã Đăk Nông triển khai thành lập mô hình “Vần đổi công gây quỹ giúp đỡ phụ nữ khó khăn” để lan tỏa thành phong trào.
Mỗi ngày, chị em phụ nữ tập trung làm công việc nương rẫy của một nhà. Sau khi hoàn thành sẽ chuyển sang nhà khác, cứ thế xoay vòng giúp nhau giải quyết các công việc nặng nhọc cần nhiều công lao động.
Theo đó, các chị em thường tập trung làm giúp đỡ qua lại lẫn nhau như cắt cỏ, làm cỏ, bón phân, thu hoạch lúa, sắn, bắp, các loại hoa màu... Để chủ động trong công việc, mọi người lên kế hoạch việc nào nên làm trước, việc nào làm sau nên vần đổi công diễn ra thuận lợi. Nhờ vậy mà công việc hoàn thành kịp thời gian, thời vụ, giúp giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng cao thu nhập.
Chị Y Sông – Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Nông cho biết, mô hình “Vần đổi công gây quỹ giúp phụ nữ khó khăn” không chỉ đơn thuần xoay vòng giải quyết việc nương rẫy của các thành viên. Mô hình thiết thực này còn gây nguồn quỹ và đóng góp ngày công lao động để giúp đỡ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, những cảnh đời bất hạnh trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống.
Từ ngày thành lập, trên địa bàn xã Đăk Nông có 7/9 thôn triển khai thực hiện mô hình “Vần đổi công gây quỹ giúp phụ nữ khó khăn”. Mỗi chi hội có từ khoảng 8 – 10 nhóm vần đổi công, với tổng số hơn 250 thành viên tham gia. Qua đó, duy trì được lực lượng lao động, đảm bảo năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.
Riêng năm 2023, nhóm vần đổi công đã gây được quỹ với tổng số tiền 98 triệu đồng, số tiền này được sung vào quỹ của các chi hội dùng để tổ chức tặng quà vào các dịp lễ, tết cho hội viên phụ nữ nghèo, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Giúp đỡ chị em khó khăn
Mô hình “Vần đổi công gây quỹ giúp đỡ phụ nữ khó khăn” hỗ trợ nhiều mảnh đời bất hạnh vươn lên trong cuộc sống. |
Chị Y Hiêl – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Chả Nội (xã Đăk Nông) tâm sự, để gây được quỹ, các nhóm vần đổi công thống nhất sau khi giải quyết xong công việc nương rẫy của các thành viên sẽ dành một ngày công lao động giúp đỡ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó nhóm có thể nhận làm thuê công việc của bà con trong và ngoài thôn cần. Sau đó trích nửa tiền công gây quỹ tặng lại cho gia đình hội viên khó khăn.
Chị Y Hiêl cho hay, trong những năm qua mô hình đã hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho chị em phụ nữ. Như trường hợp của chị Y Loan, năm 2023 không may bị tai nạn giao thông, đến nay phải nằm liệt giường. Để giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn, các nhóm vần đổi công của thôn thường xuyên đến nhà hỗ trợ công việc, như: cấy lúa, gặt lúa, làm cỏ vườn mì, nhổ mì...
Bên cạnh việc giúp đỡ ngày công lao động, các nhóm cũng ủng hộ số tiền 3 triệu đồng vào dịp Tết 2024 để gia đình đủ đầy hơn trong năm mới.
Từ ngày triển khai, mô hình “Vần đổi công gây quỹ giúp đỡ phụ nữ khó khăn” đã đem lại nhiều lợi ích tích cực. Mô hình không chỉ giúp người dân hỗ trợ nhau ngày công lao động, mà còn giúp các hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất và áp dụng các khoa học kĩ thuật tiên tiến.
Không những vậy, mô hình này cũng góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Cũng qua đó, nhiều phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo dai dẳng và ngày càng thu hút được chị em tham gia tổ chức hội.
Theo chị Y Sông, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các chị em hội viên, phụ nữ duy trì, phát huy hoạt động các nhóm vần đổi công. Từ đó, lan tỏa mạnh mẽ mô hình trong cộng đồng, đem lại hiệu quả bền vững. Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào, như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng gia đình hạnh phúc và phụ nữ tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.