Thay đổi cần biết
So với CTGDPT hiện hành, CTGDPT mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, trong CT mới có thêm 2 môn học mới: Ngoại ngữ 1, Tin học và Công nghệ.
CTGDPT mới là chương trình học 2 buổi/ngày, do đó số tiết học trong một năm học đều tăng lên. Cụ thể lớp 1 và lớp 2 có: 07 môn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 25 (Chưa tính môn tự chọn). (Chương trình cũ 10 môn và 23 tiết trên tuần). Lớp 3 có: 08 môn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 28 tiết (Chương trình cũ là 10 môn và 24 tiết trên tuần). Lớp 4,5 có: 10 môn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 30 tiết. (Chương trình cũ là 11 môn, và 26 tiết trên tuần )
Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong việc tổ chức thực hiện chương trình; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục HS của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp Tiểu học.
CTGDPT mới hướng đến phát triển phẩm chất năng lực cho HS. Ảnh: Đức Trí |
Cùng tháo gỡ “bài toán” giáo viên
Hiện cả nước có gần 400 ngàn GV TH, tỷ lệ GV biên chế gần 85% nên rất yên tâm công tác và tâm huyết với nghề. Số GV đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn đạt 99,9%, (ĐH và trên ĐH đạt 59,63%). Tỉ lệ GV/lớp, bình quân cả nước đạt 1.42 GV/lớp nên cơ bản đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên số GV đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động khá nhiều. Số GV chưa được xét tuyển biên chế chính thức không yên tâm công tác.
Để tháo gỡ vấn đề đội ngũ GV, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) –Thái Văn Tài cho biết: Về phía Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ về đề xuất định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình mới. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện và Bộ Nội vụ đã có Công văn số 1495/BNV-TCBC về việc yêu cầu UBND các tỉnh thành phố rà soát bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục và y tế để có phương án giao bổ sung trong thời gian tới...
Mặt khác, Thông tư 32 về Ban hành CTGDPT mới, môn Tiếng Anh và Tin học là môn học bắt buộc, vì vậy đây sẽ là căn cứ pháp lí để các địa phương tiến hành tuyển dụng GV theo vị trí việc làm đảm bảo thực hiện CT mới. Như vậy các địa phương cần phải chú ý chỉ đạo các trường TH xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với 2 môn học này, xây dựng vị trí định biên đủ định mức số tiết quy định…
Thực hiện CTGDPT mới cần đảm bảo đội ngũ GV đủ về số lượng và chất lượng . Ảnh: Đức Trí |
Đối với vấn đề bồi dưỡng GV thực hiện CT và SGK mới, ông Thái Văn Tài lưu ý: Các địa phương cần chú ý tổ chức phối hợp thực hiện Kế hoạch tập huấn theo các chương trình, kế hoạch mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.
Cụ thể, với GV cốt cán, mỗi tỉnh có 02 CBQL cấp sở, 01 CBQL cấp phòng GD, mỗi trường TH có 01 GV được cử đi bồ dưỡng thực hiện chương trình. Thời gian thực hiện cấp TW; cấp tỉnh phải thực hiện ngay sau đó.
Với GV giảng dạy lớp 1 khi thực hiện CTGDPT mới: 100% GV giảng dạy lớp 1 năm học 2020-2021 phải được bồi dưỡng để dạy chương trình mới. Cụ thể mỗi lớp 1 phải bồi dưỡng cho ba đối tượng: GV dạy môn chung, GV dạy âm nhạc, GV dạy mỹ thuật. Đối tượng này địa phương phải chủ động thực hiện bồi dưỡng và thực hiện xong trước tháng 12/2019...
Các địa phương xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng GV theo định hướng trên và tham mưu phương án bố trí kinh phí để thực hiện bồi dưỡng cho các đối tượng đúng theo tiến độ.
Trên cơ sở đó, cùng với các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương cần chủ động lên kế hoạch chi tiết, cụ thể để thực hiện được quy định của chương trình mới theo lộ trình như quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội.