Những rào cản
Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông đã khẳng định giáo dục STEM là một hướng đang được quan tâm phát triển trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời nhấn mạnh vai trò thúc đẩy giáo dục STEM trong nhà trường của các môn Toán, Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên.
Trước Thông tư số 32, tại quận Kiến An (Hải Phòng), triển khai giáo dục STEM được thực hiện hướng theo cả chiều rộng và chiều sâu, kết hợp giữa đưa giáo dục STEM và chương trình giảng dạy cũng như tổ chức các câu lạc bộ. Từ thực tế triển khai nội dung này tại các trường học trên địa bàn, bà Bùi Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng GD&ĐT quận Kiến An (Hải Phòng) – nhận thấy một số khó khăn. Theo đó, dù Chương trình giáo dục phổ thông mới đã tạo điều kiện thuận lợi hơn để có thể triển khai giáo dục STEM; tuy nhiên, với khung chương trình đề ra, giáo viên vẫn gặp khó khăn trong tổ chức các nội dung, chủ đề sao cho vừa bảo đảm yêu cầu của khung chương trình, vừa phát huy sức sáng tạo của học sinh.
Do đó, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Trưởng phòng GD&ĐT quận Kiến An cho rằng, cần có hướng dẫn về những chủ đề STEM trong các môn/lĩnh vực học tập để tạo thuận lợi cho giáo viên tổ chức dạy học. Đi kèm với việc “chương trình hóa” giáo dục STEM cũng cần có các chính sách, chế độ, quy định kèm theo. Vì, khi chưa có các quy định, chính sách cụ thể sẽ khiến quá trình triển khai giáo dục STEM chưa có chỗ đứng vững chắc mà mới chỉ dừng lại ở hình thức, phong trào.
Một khó khăn khác là trình độ giáo viên. Phần lớn giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn, do đó sẽ gặp khó khăn nếu triển khai dạy học theo hướng liên ngành như giáo dục STEM. Bên cạnh đó, đa số giáo viên còn ngại học hỏi, ngại chia sẻ với đồng nghiệp, nên chưa có sự phối hợp tốt giữa giáo viên các bộ môn trong dạy học STEM.
“Việc kiểm tra đánh giá nếu chậm đổi mới sẽ là rào cản lớn nhất ngăn cản sự triển khai STEM trong trường phổ thông, vì STEM đánh giá thông qua sản phẩm, quá trình. Ngoài ra, sĩ số lớp học quá đông cũng gây khó khăn cho tổ chức hoạt động, cản trở việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Việc không có phòng học STEM hoặc phòng thực hành để học sinh có nơi làm việc nhóm, nghiên cứu, thí nghiệm cũng là một khó khăn. Với các nội dung học tập chuyên sâu hơn như khoa học máy tính, robotic, lập trình thì cần đầu tư kinh phí lớn hơn, nên đây cũng là rào cản” - bà Bùi Thị Tuyết Mai chia sẻ thêm.
Bà Tuyết Mai đề nghị, Bộ GD&ĐT cho phép đưa chương trình giáo dục STEM trở thành một bộ nội dung chính thức trong chương trình mới tiểu học, THCS, THPT; triển khai thí điểm chương trình giáo dục STEM từ năm 2019; tư vấn và triển khai các hoạt động về giáo dục STEM như ngày hội Robothon cấp thành phố, toàn quốc, quốc tế, hội trại STEM, CNTT… Cùng với đó, xây dựng trung tâm STEM làm mô hình mẫu chuẩn để giới thiệu và đào tạo các chương trình giáo dục STEM, tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM cho giáo viên và học sinh. Đặc biệt, cần bố trí ngân sách để triển khai giáo dục STEM ở các địa phương.
Điều kiện “cần” và “đủ”
Đến nay, địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã có 11/11 trường THCS tổ chức câu lạc bộ STEM miễn phí với 278 học sinh và 46 giáo viên, nhân viên tham gia. Trung bình cứ mỗi trường tiểu học trên địa bàn quận có 2 câu lạc bộ STEM. Việc triển khai dạy STEM đã phủ 100% trường mầm non. 30 góc STEM đóng vai trò quan trọng nổi bật trong thư viện các trường phổ thông ở Bắc Từ Liêm. Quận này cũng đã tổ chức 19 ngày hội STEM cấp trường; 30 hội thảo, tập huấn được tổ chức; mỗi khối lớp của từng trường có trên 10 chủ đề STEM, mỗi học kì có trên 300 sản phẩm và tổ chức tối thiểu 2 lượt trải nghiệm các cơ sở khoa học; nhiều giải lập trung quốc gia, quốc tế cho học sinh tiểu học…
Tham gia nhiều hội thảo, diễn đàn khác tại các trường ĐH, viện nghiên cứu, đặc biệt là Ngày hội STEM quốc gia năm 2018 và 2019, các nhà quản lý, giáo viên, học sinh quận Bắc Từ Liêm đã đi vào một hành trình STEM tương đối trọn vẹn. Rất nhiều sự vỡ lẽ và những kinh nghiệm được ghi nhớ lại, là bài học quý báu cho chặng đường thực học, thực làm, đúng nghĩa tinh thần dạy học STEM trên địa bàn quận ở những năm tiếp theo.
Những con số đó chưa lớn, nhưng không phải tự nhiên có. Đó là sự gặp gỡ của rất nhiều yếu tố, là thành quả của quá trình tìm hiểm, tiếp cận thông tin, kết nối, tập dượt, chia sẻ để khái niệm STEM từ xa lạ trở nên quen thuộc; dạy học STEM từ ý tưởng trở thành thực tế trong các hoạt động dạy và học của thầy và trò trong các nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) – cho rằng, để các môn học gắn với STEM đạt hiệu quả, rất cần những chính sách cụ thể hơn về giáo dục STEM; sự vào cuộc của các tổ chức khoa học, nghề nghiệp và vai trò chuyên môn của các nhà khoa học liên quan đến ngành nghề STEM. Đó là yếu tố quan trọng mà các trường phổ thông cần có để biến dạy học STEM từ một thách thức trở thành cơ hội, đạt được các mục tiêu trong sự nghiệp giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Muốn làm STEM, điều kiện tiên quyết là: Có mong muốn và quyết tâm thực hiện những nội dung, phương pháp, mô hình giáo dục khoa học và phù hợp, đem lại lợi ích chính đáng cho giáo viên và học sinh. Khi các điều kiện cần đã có, nhưng STEM chắc hẳn vẫn còn là khái niệm trên giấy nếu không có điều kiện đủ: Những người khai lối, mở đường, giúp biến lý thuyết thành thực tế; đồng hành cùng các thầy cô, nhà trường trong từng bước đi ban đầu đầy khó khăn.
Nhấn mạnh điều này, bà Nguyễn Thị Thúy cho biết: Tháng 10/2016, Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức 2 hội thảo về giáo dục STEM cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán. Khái niệm STEM, hệ sinh thái STEM, việc triển khai giáo dục STEM trong chương trình môn học, tổ chức câu lạc bộ STEM trong nhà trường, ứng dụng STEM trong đời sống, từ STEM tới cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học… lần đầu được tiếp cận thông qua bài giảng của các chuyên gia.
Sau hội thảo, câu lạc bộ nghiên cứu khoa học miễn phí dành cho học sinh đã được thành lập tại tất cả các trường THCS. Nội dung sinh hoạt câu lạc bộ được các chuyên gia hỗ trợ, cung cấp, hướng dẫn. Tháng 11/2016, 3 trường THCS của Bắc Từ Liêm cùng 5 trường THCS khác tại Hà Nội được đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford và Học viện Sáng tạo S3 tài trợ 1 chương trình phổ biến giáo dục STEM.
Ở cả 3 trường trên, cha mẹ học sinh đã nhập cuộc và hỗ trợ hoạt động của thầy trò cả thời gian và vật lực. 3 trường cũng là nhóm trưởng, định hướng và tập huấn lại cho các câu lạc bộ STEM còn lại trong quận. Học tập và chia sẻ - các câu lạc bộ STEM hoạt động theo tinh thần STEM ngay từ những ngày đầu. Cùng vận hành các câu lạc bộ, từng trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận đã tổ chức tập huấn dạy học STEM cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên.