Họ không chỉ là những tài năng, tràn đầy nhiệt huyết mà còn là đại diện của sự khoáng đạt trong giới văn đàn. Trong khi “đại thụ” Nguyễn Xuân Sanh trở thành một cụ già thuần Việt, thì Đoàn Tử Huyến hao hao Tây hoá nhưng tràn đầy năng lượng của một tiên ông tóc dài.
Người cuối cùng của Thơ Mới
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920 tại Đà Lạt, nguyên quán Quảng Bình, lúc nhỏ theo học ở Trường Quốc học Quy Nhơn (cũ), sau đó chuyển ra Hà Nội. Giống như nhiều thi sĩ cùng thời đất Bình Định như Yến Lan, Chế Lan Viên… Xuân Sanh ra mắt tác phẩm đầu tay là trường ca “Lạc loài” từ khi mới 15 tuổi, một tác phẩm phá vỡ những chuẩn mực thơ truyền thống.
Dù không có tên trong “Thi nhân Việt Nam”, nhưng thi sĩ Xuân Sanh luôn được coi là người đại diện cuối cùng của phong trào Thơ Mới.
Trên 80 năm cầm bút, Xuân Sanh để lại gia tài thơ ca đồ sộ. Xuân Thu nhã tập là cuốn sách xuất bản đầu tiên của của nhóm năm 1942.
Ngoài tác phẩm văn xuôi Anh hùng Trần Đại Nghĩa (1953), ông là tác giả của nhiều tập thơ: Chiếc bong bóng hồng, Tiếng hát quê ta, Nghe bước xuân về, Quê biển, Đảo dưa đỏ, Đất nước và Lời ca, Một vườn thơ năm châu, thơ văn xuôi Đất thơm...
Không chỉ có vậy, thi sĩ Xuân Sanh còn là dịch giả - cầu nối cho nhiều nhà thơ các nước Ba Lan, Nga, Luxembourg, Pháp, Canada, Israel, Sénégal, Rumani, Bungary, Đức... qua các tập thơ dịch quen thuộc với bạn đọc Việt: Thơ Victor Hugo (1986), Tuyển tập thơ Pháp (ba tập), Toàn tập 11 tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, thi sĩ Xuân Sanh không chỉ là đại diện của phong trào Thơ Mới mà còn là người cách tân Thơ Mới ngay từ khi phong trào này vẫn còn rất mới với thi sĩ Việt Nam.
Nhóm Xuân Thu Nhã Tập (thành lập năm 1939) mà ông là thành viên chính là một nhóm đầy ắp trăn trở tìm hướng phát triển thi ca, cách tân Thơ Mới. Nguyễn Xuân Sanh là người bắc nhịp cầu từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, người khởi động cuộc chạy tiếp sức của thơ Việt vào hiện đại với tác phẩm “Buồn xưa”.
Nhiều thế hệ học sinh hơn nửa thế kỷ trước còn nhớ hai bài thơ của ông được đưa vào chương trình môn tiếng Việt phổ thông là “Nhớ dừa” và “Cô giáo lớp em”.
Lão tiên với gia tài sách
Sinh năm 1950 tại xã Đức Lạc (Đức Thọ - Hà Tĩnh), Đoàn Tử Huyến sớm bộc lộ tài năng dịch thuật với các tác giả tiêu biểu, có tư tưởng cấp tiến.
Sau khi từ Liên Xô về nước, Đoàn Tử Huyến giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi làm biên tập viên cho một nhà xuất bản. Có thời gian ông làm phó tổng biên tập của một tạp chí chuyên về văn học nước ngoài.
Thời gian này, Đoàn Tử Huyến đã tập hợp đội ngũ dịch văn học, rồi tổ chức hội thảo dịch thuật theo chuẩn mực chuyên nghiệp.
Đoàn Tử Huyến nổi tiếng với bản dịch tác phẩm “Nghệ nhân và Margarita” (M.Bulgakov), từng được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng hàng năm, hạng mục dịch thuật.
Ngoài ra còn có nhiều bản dịch được độc giả yêu thích như: Tập tản văn Giọt rừng (Mikhail Prisvin), tiểu thuyết Trái tim chó (Mikhail Bulgacov), truyện dài Đêm sau lễ ra trường (Vladimir Tendriacov), tiểu thuyết Đấng cứu thế (Miguel Otero Silva), tập truyện ngắn Những ô cửa màu xanh, tập truyện ngắn Khóm hoa tử đinh hương.
Sau này ông sáng lập Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản phát hành sách. Đó là không gian sinh hoạt văn hóa, văn học đầu tiên ở Hà Nội cho các nhà văn, nghệ sĩ.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết, 7 tác phẩm này đã được gia đình in lại trong năm 2016, mừng Đoàn Tử Huyến qua cơn bạo bệnh. Với vai trò là người làm xuất bản, ông chuyên làm các bộ sách văn học, văn hóa có giá trị nhưng khó bán. Đoàn Tử Huyến tha thiết và lặng lẽ làm sách chỉ với mục đích cao nhất là truyền bá văn hoá, chứ không vì bất cứ thứ gì khác.
Có lẽ vậy mà Đoàn Tử Huyến có một gia tài sách với số lượng khổng lồ. Ngoài những đầu sách do ông biên dịch, còn một số lượng lớn do bạn bè tặng hoặc ông sưu tầm trong những tháng ngày lang bạt. Có người ước tính, sách của Đoàn Tử Huyến có thể chất cao thành núi, nhưng quan trọng đó toàn là những kinh điển học thuật của thế giới.
Dáng người cao lớn, mắt sáng, mày rậm cùng mái tóc dài bạc trắng đã làm ra vẻ ngoài rất lão tiên của Đoàn Tử Huyến. Ông bôn ba nhiều nơi, kể cả khi hồi phục tai biến với những cuộc gặp gỡ với bạn bè nghệ sĩ khắp cả nước. Giới văn đàn gọi Đoàn Tử Huyến là “tay chơi”, nhưng ông chỉ nhận mình là một người nhiệt huyết với bạn bè.
Chính nhiệt huyết ấy đã đưa ông trở thành một “địa chỉ đỏ” khi các nhà nghiên cứu nước ngoài đến Việt Nam để tìm hiểu văn hoá, phong tục. Đoàn Tử Huyến không chỉ đảm nhận vai trò hoa tiêu mà còn là người thuyết trình văn hoá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.