Vẫn còn tiếng ca "át tiếng bom rền"

Vẫn còn tiếng ca "át tiếng bom rền"

(GD&TĐ) - Đại tá Đặng Văn Nhiên năm nay đã bước qua tuổi 80. Tròn 40 năm trước, vào thời điểm diễn ra Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, ông là Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn phòng không 361. Ông lặng lẽ lục tìm và đưa chúng tôi xem một danh sách ghi tên tuổi, đơn vị của 25 người mà ông từng cần mẫn kiếm tìm. Trong danh sách ấy, có tới 10 người được đánh dấu đỏ. Ông bảo, đó là những nam, nữ diễn viên quần chúng của Sư đoàn đã hy sinh ngay sau đợt bom B-52 đầu tiên…

Đại tá Đặng Văn Nhiên xúc động lần tìm tên 10 liệt sĩ trong danh sách Đội văn nghệ Sư đoàn 361 - ảnh: Vũ Minh.
Đại tá Đặng Văn Nhiên xúc động lần tìm tên 10 liệt sĩ trong danh sách Đội văn nghệ Sư đoàn 36. (Ảnh: Vũ Minh)

Chuyện xảy ra vào 3 giờ sáng ngày 19-12-1972, Sở chỉ huy cơ bản của Sư đoàn phòng không 361 tại khu vực xã Trung Hòa (Từ Liêm, Hà Nội) trở thành mục tiêu đánh phá của B-52 Mỹ. Do bom địch ném chệch mục tiêu nên khu nhà khách của Sư đoàn đã bị trúng bom.

Tạm trú trong nhà khách lúc đó là Đội văn nghệ Sư đoàn gồm 25 diễn viên quần chúng vừa đi biểu diễn văn nghệ ở các đơn vị về. Loạt bom của quân thù đã làm hy sinh tại chỗ 13 người, trong đó có 10 nam, nữ diễn viên, 1 cán bộ phụ trách nhà khách và cặp vợ chồng kỹ sư thông tin vừa về Sư đoàn nhận nhiệm vụ; 15 chiến sĩ còn lại đều bị thương.

Từ Sở chỉ huy dự bị ở làng Cót (Yên Hòa, Từ Liêm, Hà Nội), Chỉ huy Sư đoàn đã cử Chủ nhiệm Chính trị Đặng Văn Nhiên và một đội quân y đến để giải quyết hậu quả, đồng thời hạ lệnh giải tán ngay các đội văn nghệ, thể thao, tăng gia… để bổ sung quân số về các đơn vị chiến đấu.

Tới nơi, ông Nhiên đã tận mắt chứng kiến một hình ảnh đau thương: Giữa trời tối mịt mùng, rất đông dân quân, tự vệ, người dân địa phương cùng chiến sĩ đơn vị đang cố gắng đào bới, tìm kiếm thi hài các chiến sĩ để tắm rửa, khâm liệm và đưa về hội trường Sư đoàn, số bị thương nhanh chóng được chở đi cứu chữa.

15 giờ chiều hôm ấy, tại Hội trường Sư đoàn 361, hàng trăm người dân xã Trung Hòa cùng đại diện cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đang làm nhiệm vụ trực ban tại Sở chỉ huy đã có mặt dự lễ truy điệu các liệt sĩ. “Đứng trước linh cữu 13 liệt sĩ, tôi thay mặt Sư đoàn đọc điếu văn vĩnh biệt. Mọi người có mặt hôm ấy ai nấy đều xúc động và thể hiện quyết tâm cùng quân dân Thủ đô đập tan cuộc tập kích đường không bằng B-52 của giặc Mỹ”, ông Nhiên xúc động nhớ lại.

Chiếu tối 19-12, ông Nhiên trở về Sở chỉ huy dự bị ở làng Cót để báo cáo tình hình với Bộ tư lệnh rồi chuẩn bị xuống Bệnh xá Sư đoàn thăm anh em thương binh. Trước khi đi, ông được Chính ủy Văn Giang căn dặn: “Đồng chí xuống đó nắm tình hình, nếu ai có thể về đơn vị được thì giải quyết ngay, số còn lại yêu cầu bệnh xá tích cực chữa trị để anh em nhanh hồi phục sức khỏe, sớm trở về vị trí chiến đấu”.

Giao nhiệm vụ xong, Chính ủy Văn Giang vội đi ngay. Còn lại một mình, ông Nhiên cứ đứng bần thần, băn khoăn mãi. “Trong lúc này, đội văn nghệ của Sư đoàn không nên giải tán mà rất cần có mặt tại các trận địa để biểu diễn, động viên bộ đội”. Ông Nhiên lại tìm gặp Chính ủy Sư đoàn để trình bày ý định của mình. Chính ủy Văn Giang im lặng, suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Nếu đồng chí động viên được 15 chiến sĩ văn nghệ hồi phục sức khỏe, tiếp tục đi biểu diễn mà không lấy thêm người ở đơn vị thì tôi đồng ý”. Đi được vài bước, Chính ủy Văn Giang còn quay lại, dặn thêm: “Đồng chí không nên báo cáo Tư lệnh Sư đoàn nữa, để đồng chí ấy còn tập trung chỉ huy chiến đấu…”.

Ngay sau đó, ông Nhiên đã xuống Bệnh xá Sư đoàn gặp Đội trưởng Đội văn nghệ Lê Nguyên Bá và tập trung các thành viên để phổ biến nhiệm vụ cho anh em vừa điều trị, vừa luyện tập các tiết mục đã đạt giải trong Hội diễn Quân chủng, động viên họ tích cực sáng tác khoảng 3 tiết mục mới về chủ đề chiến thắng B-52. Tất cả phấn đấu sau hai ngày luyện tập sẽ xuống cơ sở để biểu diễn, dù vết thương chưa lành.

Chiều 21-12, ông Nhiên cùng một số cán bộ tuyên huấn Sư đoàn xuống bệnh xá duyệt chương trình. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đề ra, Đội văn nghệ còn “vượt chỉ tiêu” với 5 tiết mục sáng tác mới nói về chiến thắng B-52. Ngay đêm hôm đó, ngoài đồng chí Cao Sinh được điều về Ban Tuyên huấn công tác, 14 thành viên đã xuống các đơn vị biểu diễn phục vụ bộ đội. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục khi thấy các diễn viên quần chúng còn đang phải băng đầu, chân, tay… mà vẫn cố gắng cất cao tiếng hát. Đều đặn những ngày sau, Đội văn nghệ lại tới phục vụ từ 2-4 trận địa trong thành phố và khi có lệnh báo động, các chiến sĩ trong Đội lại phân công nhau về các vị trí cùng tham gia chiến đấu.

Kết thúc Chiến dịch, trong một buổi biểu diễn chào mừng lãnh đạo thành phố Hà Nội tới thăm, động viên chiến sĩ đơn vị, một lần nữa Đội văn nghệ Sư đoàn 361 lại gây được cảm tình cho người nghe. Các đồng chí lãnh đạo thành phố đã ngỏ ý mời Đội văn nghệ tới biểu diễn 10 buổi phục vụ quân-dân Thủ đô tại các quận, huyện. Đại tá Đặng Văn Nhiên kể: “Hồi ấy, các chiến sĩ văn nghệ cũng có phần hơi… run, bởi trên băng-rôn và giấy mời tại các điểm biểu diễn đều được địa phương trang trọng ghi là “Đoàn nghệ thuật Phòng không Hà Nội”, nhưng rồi họ đã động viên nhau cố gắng, tự tin mang tới các tiết mục “cây nhà lá vườn” để phục vụ khán giả Thủ đô”.

Bùi Vũ Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ