Vẫn còn coi nhẹ y tế học đường

GD&TĐ - Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của y tế học đường trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ học sinh. Tuy nhiên, công tác này hiện còn một số bất cập cần các ban ngành hữu quan chung tay tháo gỡ.

Kiểm tra công tác YTTH tại trường học. Ảnh: IT
Kiểm tra công tác YTTH tại trường học. Ảnh: IT

Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với TS - Bác sĩ Bùi Hữu Toàn, chuyên viên chính Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) về thực trạng và giải pháp giúp y tế học đường ngày càng phát triển.

Không phát triển tương xứng với... dịch bệnh

- Ông đánh giá thế nào về thực trạng thiếu nhân viên y tế trong các trường học hiện nay?

- Nhân lực làm công tác y tế trường học (YTTH) trong nhà trường hiện còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo năm 2020 của Bộ Y tế, chỉ 68,8% trường học có cán bộ phụ trách công tác YTTH, trong đó có chuyên môn về Y chỉ chiếm 25%, còn lại là kiêm nhiệm. 

Hiện nay, đa số đội ngũ cán bộ làm công tác y tế trường học tại các trường do ngành Giáo dục quản lý. Một số tỉnh chuyển toàn bộ hoặc một phần nhân viên y tế tại trường học sang ngành Y tế (Sơn La, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Long An, Bình Thuận, Hải Phòng, Bắc Ninh…). Một số địa phương đã khắc phục tình trạng thiếu cán bộ y tế trong trường học bằng việc cử cán bộ của trạm y tế xã/phường kiêm nhiệm thêm công tác chăm sóc sức khỏe HS tại trường học.

Tuy nhiên do nhân lực trạm y tế xã/phường rất ít (mỗi trạm có 3 - 6 biên chế), kiêm nhiều công tác chuyên môn. Mặt khác, công tác y tế trong trường học có nhiều đặc thù đòi hỏi nhân viên phải dành nhiều thời gian làm việc tại trường, do đó không đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT.

Tiến sĩ - Bác sĩ Bùi Hữu Toàn.
Tiến sĩ - Bác sĩ Bùi Hữu Toàn.

- Dịch bệnh ngày một nhiều, bệnh học đường không ngừng tăng nhưng hệ thống YTTH không phát triển tương xứng. Đâu là nguyên nhân?

- Trong nhiều năm qua, ngành Y tế và Giáo dục phối hợp thực hiện tốt công tác YTTH nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục toàn diện cho HS. Đội ngũ cán bộ chuyên trách YTTH các cấp của ngành Y tế và Giáo dục ngày càng kiện toàn, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho các em. 

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa ngành Y tế, Giáo dục và các ban ngành liên quan trong công tác chăm sóc sức khỏe cho HS còn chưa chặt chẽ tại một số địa phương. Nhiều nơi thiếu sự chỉ đạo từ UBND các cấp, một số trường không có Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh (CSSKHS). Một số trường có Ban CSSKHS nhưng chưa đúng thành phần theo quy định, còn mang tính hình thức, chưa phát huy được vai trò trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cho các em. Phần lớn cán bộ chuyên trách công tác y tế trường học là kiêm nhiệm, trình độ không đồng đều. Với nhân lực mỏng và thiếu như vậy sẽ không thể đảm đương hết công việc.

Do điều kiện kinh tế, xã hội thay đổi, tỷ lệ bệnh tật lứa tuổi học đường ngày càng tăng cao như tật khúc xạ, bệnh răng miệng, thừa cân, béo phì, rối loạn tâm thần học đường, bạo lực học đường. 

Theo tôi, nếu công tác y tế trường học được thực hiện tốt sẽ góp phần chăm sóc sức khỏe HS và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhân viên y tế trường học giữ vai trò chủ chốt trong việc tham mưu cho ban giám hiệu chuẩn bị tốt công tác phòng chống dịch, bảo đảm trường học an toàn, giúp phụ huynh và HS yên tâm.

Bất cập từ chính sách

- Văn bản, chính sách liên quan hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em, HS được ban hành từ lâu, liệu có phù hợp thực tiễn?

- Đã có nhiều văn bản, chính sách liên quan đến quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em, HS được ban hành. Đây là cơ sở để các địa phương, cơ sở giáo dục từng bước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện điều kiện cần thiết trong các trường học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác CSSKHS. 

Tuy nhiên, cho đến nay một số văn bản về lĩnh vực y tế trường học, tiêu chuẩn, quy định về vệ sinh trường học hiện hành không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Đa số các tỉnh, địa phương thiếu kinh phí cho hoạt động chăm sóc sức khỏe cho các em; thiếu sự chỉ đạo thống nhất của các ban ngành như y tế, giáo dục, BHXH, tài chính. 

Ngoài ra, nguồn kinh phí cho các trường chủ yếu dựa vào kinh phí trích từ BHYT HS. Nguồn từ ngân sách, kinh phí từ tài trợ, đóng góp còn khiêm tốn, không đáng kể. Công tác kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ/chuyên khoa cho HS còn nhiều khó khăn, bất cập về kinh phí. Một số nơi khám còn qua loa, chiếu lệ, chất lượng khám chưa cao, việc khám chuyên sâu chưa thực hiện được nhiều nên hạn chế trong việc phân loại bệnh, tật cho HS. 

Bên cạnh đó, các hoạt động kiểm tra vệ sinh môi trường lớp học chưa được thực hiện đầy đủ và thường xuyên, do đó chưa kịp thời khuyến nghị được biện pháp can thiệp hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của môi trường tới sức khỏe trẻ em.

Tương tự, công tác tư vấn sức khỏe cho HS ở một số nơi còn nhiều hạn chế do sự thiếu hụt về đội ngũ cán bộ YTTH cũng như chuyên môn, năng lực của cán bộ YTTH còn hạn chế. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống bệnh tật học đường, các hành vi nguy cơ sức khỏe còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức.

Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế kiểm tra, hướng dẫn công tác YTTH tại trường học.
Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế kiểm tra, hướng dẫn công tác YTTH tại trường học.

- Vai trò của YTTH đã rõ nhưng chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư xứng tầm. Theo ông những bất cập nào cần điều chỉnh?

- Để công tác YTTH ngày càng phát huy vai trò, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cần phối hợp với các bộ/ngành liên quan rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, HS phù hợp với điều kiện kinh tế  - xã hội hiện tại (đang xây dựng Thông tư Hướng dẫn công tác y tế  YTTH trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp).

Tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa ngành Y tế và Giáo dục, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, cụ thể nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, HS, đặc biệt là sự phối hợp giữa trạm y tế xã/phường và trường học. Đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh tật học đường, đặc biệt là phòng tránh các yếu tố nguy cơ. Tăng cường công tác tư vấn sức khỏe cho HS, nhất là với các nội dung mới như vấn đề sức khỏe tâm thần, phòng chống bạo lực học đường... Thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác y tế học đường, phòng chống dịch trong trường học (Bộ GD&ĐT đang xây dựng Đề án y tế trường học gắn với y tế cơ sở).

Chúng ta cần kêu gọi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác CSSKHS, phòng chống dịch bệnh trong nhà trường. Tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn lực thoả đáng cho công tác YTTH  thông qua ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án và nguồn kinh phí trích từ BHYT HS nhằm nâng cấp, cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh môi trường, điều kiện học tập, trang thiết bị và thuốc thiết yếu nhằm phòng chống các bệnh tật học đường.

Đặc biệt, cần củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ YTTH. Nhân viên YTTH cần đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, năng lực để chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên, nhân viên trong trường học. Cán bộ YTTH cần được đào tạo, tập huấn chuyên môn hàng năm với các nội dung thiết thực.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.