Gỡ khó cho y tế học đường

GD&TĐ - Y tế học đường là một phần không thể thiếu trong trường học. Sự có mặt của nhân viên y tế sẽ giúp cho nhà trường vững tâm hơn trong việc đảm bảo an toàn cho HS.

Gỡ khó cho y tế học đường

Với các em, ngoài việc được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ còn dự phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh từ môi trường học đường, từ bạn bè và xã hội. Vai trò quan trọng là vậy nhưng cho đến nay, ở nhiều địa phương, vì nhiều lý do mà hoạt động của y tế học đường chưa thực sự như mong muốn.

Hàng loạt bất cập

Quy định trường học có phòng y tế học đường có từ lâu nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên để phòng y tế trong trường học hay giao hết cho trạm y tế trong việc quản lý, chăm sóc sức khỏe HS. Đây là lý do khiến nhiều nơi không xây dựng phòng y tế trong trường học. Còn ở những nơi có phòng y tế, hoạt động nhiều khi không như kỳ vọng do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và cả nhân lực.

Khảo sát của Trường CĐ Y tế Đồng Tháp và Phòng GĐ&ĐT Cao Lãnh (Đồng Tháp) tại các trường THCS trên địa bàn thành phố Cao Lãnh cho thấy: Công tác y tế trường học còn gặp nhiều khó khăn. Về nguồn lực, mạng lưới cán bộ y tế thiếu về số lượng và chất lượng. Nhiều cán bộ y tế trường học chưa đạt chuẩn và chưa được đào tạo thường xuyên. Bên cạnh đó, y tế trường học liên quan đến ngành GD và Y tế. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa 2 ngành trong việc quản lý sức khỏe học đường lại chưa được xác định rõ ràng khi triển khai trong thực tế.

Bác sĩ Trần Anh Khương (Trường CĐ Y tế Đồng Tháp) cho biết: Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhiều bất cập đang tồn tại. Điển hình như quy định cán bộ y tế học đường có trình độ trung cấp y nên khi tuyển nhân viên y tế trường học, nhiều trường đã tuyển điều dưỡng, nữ hộ sinh nên hoạt động không theo “quy trình” nào, từ hồ sơ sổ sách đến lĩnh vực chuyên môn. Nhưng có nhân viên y tế là may, nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng nhân viên y tế là kế toán, thủ quỹ, nhân viên thư viện... kiêm nhiệm, thậm chí nhiều nơi còn “trắng” nhân viên y tế.

Nhân lực vừa thiếu vừa yếu nên hoạt động y tế trường học vì thế cũng ảnh hưởng. Theo bác sĩ Khương, phần lớn phòng y tế học đường chưa đáp ứng yêu cầu so với quy định mà mới chủ yếu tập trung vào công tác vận động tham gia bảo hiểm y tế, sơ cấp cứu các chấn thương thông thường...

Tìm rào cản để tháo gỡ

Với mong muốn hoạt động y tế trường học hiệu quả hơn, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Khương đã khảo sát thực địa tìm rào cản, từ đó đưa ra phương án giải quyết.

Trước thực trạng ấy, sự tồn tại của các bất cập trên trong thời gian dài cho thấy các ngành chức năng chưa giám sát thường xuyên cũng như chưa đầu tư đúng mức, bác sĩ Trần Anh Khương và cộng sự đã vận động chính sách để cơ quan chức năng ban hành một số văn bản liên quan đến việc thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện các quy định về công tác y tế trường học, giám sát hoạt động, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhân viên y tế trường học...

Sau khi hệ thống văn bản hoàn thiện, các trường THCS trên địa bàn thành phố Cao Lãnh cũng xây dựng và hoàn thiện kế hoạch y tế trường học, kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe HS, có bản mô tả chức năng nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học, xây dựng nội quy phòng y tế cũng như trang bị sổ quản lý khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Các nhân viên y tế được đào tạo tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu. Theo bác sĩ Khương, tín hiệu đáng mừng là lãnh đạo nhà trường đã hiểu được vai trò của quan trọng của nhân viên y tế. Ngoài ra, các nhân viên y tế cũng hiểu được nhiệm vụ của mình. Các văn bản hướng dẫn sát thực tế và dễ thực hiện hơn. Còn với hoạt động chuyên môn, hầu hết nhân viên y tế trường học tự tin hoàn thiện sổ sách giấy tờ, quản lý trang thiết bị, thuốc thiết yếu. Đội ngũ này cũng chủ động thực hành các thao tác sơ cấp cứu...

Mặc dù thời gian hỗ trợ các trường học gỡ rối chỉ kéo dài 8 tháng nhưng kết quả thu nhận đáng ghi nhận. Điều này cho thấy, trước những vấn đề khó thực thi, việc xác định rõ rào cản vô cùng quan trọng bởi khi biết rõ điểm yếu sẽ có chiến lược triển khai để gỡ rối và đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, để hoạt động y tế trường học giữ được “phong độ”, bác sĩ Khương cho rằng, về lâu dài cần đưa hoạt động y tế học đường trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các địa phương. Làm rõ các quy chế chế tài xử phạt việc thực thi các chính sách, từ đó mới có sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành trong việc xây dựng chế độ chính sách, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, khen thưởng...

Sự thay đổi trong quan niệm của lãnh đạo nhà trường, chuyên môn của nhân viên đem lại nhiều lợi ích cho HS. Tại hầu hết các trường, bàn ghế, đèn chiếu không đạt chuẩn được thay đổi. Sân chơi, bãi tập được đầu tư. Công tác an toàn thực phẩm tại căng tin được tăng cường giám sát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.