“Điểm vênh” trong đào tạo và tuyển dụng nhân viên y tế học đường

GD&TĐ - Theo yêu cầu vị trí việc làm, nhân viên y tế học đường buộc phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, tức là tối thiểu phải là y sĩ đa khoa.

Hầu hết, nhân viên y tế trường học ở Đà Nẵng đều được đào tạo chuyên ngành điều dưỡng.
Hầu hết, nhân viên y tế trường học ở Đà Nẵng đều được đào tạo chuyên ngành điều dưỡng.

Trong khi đó, theo Nghị định 161, các trường hợp được đào tạo điều dưỡng cho vị trí nhân viên y tế đều buộc phải chấm dứt hợp đồng. Trên thực tế, số người tốt nghiệp y sĩ đa khoa rất ít và các cơ sở đào tạo y tế đã ngừng đào tạo mã ngành này. 

Thiếu nguồn tuyển

Trong 568 chỉ tiêu của kỳ thi tuyển dụng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập của Quảng Ngãi, có 150 vị trí nhân viên y tế học đường (YTHĐ). Tuy nhiên, số lượng hồ sơ ứng tuyển đạt yêu cầu về trình độ đào tạo cho vị trí YTHĐ  rất ít. Như TP Quảng Ngãi, chỉ có 13 hồ sơ đủ điều kiện dự thi so với 24 chỉ tiêu tuyển dụng. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi. 

Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng không thể bảo vệ được đề xuất tuyển điều dưỡng cho vị trí nhân viên YTHĐ khi xây dựng đề án tuyển dụng gửi sang Sở Nội vụ. Ông Ngô Văn Nhân – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Hầu hết, nhân viên YTHĐ tại trường học hiện nay đều được đào tạo điều dưỡng. Sắp tới, những người này sẽ phải ngưng hợp đồng. Họ cũng sẽ không thể  tham dự kỳ thi tuyển dụng viên chức do không đáp ứng về trình độ đào tạo. Sở Nội vụ yêu cầu vị trí nhân viên YTHĐ phải là y sĩ đa khoa trong khi trên thực tế, nguồn tuyển này rất ít, thậm chí là không có để tuyển. 

Ông Tô Kỳ Nam – Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi) cho hay: Phần lớn trường đào tạo nhân lực ngành sức khỏe đều dừng tuyển sinh ngành y sĩ đa khoa. Năm 2015, theo quy định của Bộ Y tế, từ năm 2021, viên chức ngành y phải có trình độ từ cao đẳng trở lên. Từ năm 2025, chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y sẽ bị hủy bỏ. Trong khi đó, y sĩ đa khoa là đào tạo trình độ trung cấp. Y sĩ đa khoa vốn là ngành đào tạo truyền thống của các trường CĐ y tế nhưng gần như đã dừng đào tạo từ nhiều năm qua.

Còn theo TS.BS Lê Viết Nho – Trưởng khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng, thực tế, gần như không còn y sĩ đa khoa nữa vì các trường đã dừng đào tạo. Chỉ có một số y sĩ được đào tạo trước đây muốn chuyển đổi việc làm có thể tham gia tuyển dụng. 

Đào tạo có địa chỉ

Ông Ngô Văn Nhân thông tin: Theo mô tả chức danh, vị trí việc làm, YTHĐ cần y sĩ đa khoa vì thực hiện khám chữa bệnh, xử lý ban đầu những bệnh cơ bản. Trong khi đó, điều dưỡng chỉ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh, phối hợp với y, bác sĩ thực hiện các y lệnh. TS.BS Lê Viết Nho thì cho rằng: Giữa yêu cầu tuyển dụng và thực tế đào tạo đã có điểm vênh cần phải điều chỉnh. Nếu tuyển dụng không đủ so với chỉ tiêu, các trường sẽ phải hợp đồng điều dưỡng cho vị trí nhân viên YTHĐ. 

Ông Tô Kỳ Nam chia sẻ: Mã ngành đào tạo y sĩ đa khoa của trường vẫn còn nhưng do người học không thể học chuyên tu lên bác sĩ vì các trường ĐH y gần như không còn đào tạo hình thức này, trong khi yêu cầu về nhân lực của Bộ Y tế sẽ phải có trình độ từ cao đẳng trở lên. Khác với điều dưỡng, y sĩ đa khoa không có bậc cao đẳng. Không có đầu ra nên người học không mặn mà, các trường vì vậy cũng dừng đào tạo mã ngành này.

Cũng theo ông Nam, không chỉ trong trường học cần đến y sĩ đa khoa cho vị trí nhân viên y tế mà các trạm y tế, phòng y tế các cơ quan, doanh nghiệp cũng cần đến y sĩ đa khoa. “Nhu cầu trên thực tế là có, thậm chí với số lượng lớn. Để giải quyết tình trạng này, có thể cho phép các trường đào tạo nhân lực ngành chăm sóc sức khỏe mở lại ngành đào tạo y sĩ đa khoa. Các trường và địa phương phải phối hợp với nhau để rà soát, thống kê nhu cầu thực tế để tuyển sinh. Một giải pháp khác là có thể cho phép các trường đào tạo ngành y sĩ trình độ cao đẳng” – ông Nam đề xuất. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.