Có rất nhiều từ trong tiếng Việt mà một trong hai yếu tố cấu tạo nên nó là những từ cổ hoặc từ đã bị mờ nghĩa trong quá trình biến đổi làm cho ta khó hiểu rồi suy diễn lung tung, không thể giải thích nghĩa của nó một cách rõ ràng được. Chẳng hạn như các từ: dưa hấu, mơ màng, bão bùng, ít ỏi, a dua, bù nhìn… Sáu từ vừa nêu chúng ta thấy trong mỗi từ có ít nhất một yếu tố mà nghĩa của nó khó xác định cụ thể được, nếu chúng ta không truy tìm nguồn gốc.
- Hấu có nguồn gốc là hú, có nghĩa là màu đỏ - dưa hấu là dưa có ruột đỏ.
- Màng có nguồn gốc là mang có nghĩa là bận tâm, lo lắng, bận rộn - mơ màng là trạng thái vì lo lắng việc gì đó mà không ngủ sâu được.
- Bùng có nguồn gốc là bồng, có nghĩa là cát bụi bị thổi tung lên - bão bùng là gió lớn kèm theo mưa làm tung lên mọi thứ.
- Ỏi (tiếng Mường) có nghĩa là ít - ít ỏi có nghĩa là ít, rất ít
- A dua (tiếng Hán), a là nương tựa, dua là du, có nghĩa là nịnh hót - a dua là nịnh hót bợ đỡ.
- Bù nhìn có nguồn gốc từ tiếng Hán và qua quá trình biến đổi âm, nay khó nhận ra. Bù - mù - mùn là môn (cửa), nhìn - nhin - nhân (người). Bù nhìn là môn nhân, có nghĩa ban đầu chỉ là tượng người gác cửa, sau các tượng này được nhân rộng và đem ra đồng để xua đuổi chim thú lại bị hiểu là kẻ không nhìn thấy gì (âm tính). Chẳng hạn bài thơ “Thằng bù nhìn” tương truyền của Lê Thánh Tông:
Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ
Vốn lòng vì nước há vì dưa
Xét soi trước mặt đôi vừng ngọc
Vùng vẫy trên tay một lá cờ
Dẹp giống chim muông xa phải lánh
Dể quân cày cuốc gọi không thưa
Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa
Có những trường hợp, vì không rõ nghĩa của các yếu tố tham gia cấu tạo từ đặc biệt, nhất là trường hợp các từ có nguồn gốc ngoại lai nên cho rằng đó là dạng từ đơn nhiều âm tiết và hiểu nó một cách chung chung.
Ví dụ, trong “Giáo trình Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt”, tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng các từ vằn thắn, hầm bà làng, A di đà… là từ đơn có nhiều âm tiết. Nhưng nếu xét về mặt từ nguyên thì không hẳn vậy. Vì nếu là từ đơn có nhiều âm tiết, ta tách rời các âm tiết đó ra thì nó hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả. Ở đây, ta thử xét:
- Vằn thắn hay còn gọi là hoành thánh. Tiếng Quảng Đông vằn là vân (mây), thắn là thôn (nuốt), vậy vằn thắn là nuốt mây - một món ăn do Vua Càn Long đặt cho mỹ danh này.
- Hầm bà làng cũng là một từ trong phương ngữ Quảng Đông. Hầm - hàm, có nghĩa là bao gồm; bà làng vốn lại là một từ mà người Quảng Đông vay mượn từ tiếng Mã Lai là barang, có nghĩa là đồ vật. Hầm bà làng là mọi thứ đồ vật, sau mới có nghĩa là tất cả, hết thảy.
- A di đà xuất phát từ tiếng Phạn. A là không, di đà là sáng suốt, sống lâu. A di đà là vị Phật sống lâu, sáng suốt không lường hết được.
Đây vốn là các từ vay mượn từ tiếng Hán nhưng không Việt hóa thành âm Hán-Việt mà đọc một cách nguyên xi. Ví dụ như: dò cháu quảy (dò: dầu, cháu: chiên, quảy: quỷ - con quỷ chiên dầu, tên một loại bánh có liên quan đến đôi vợ chồng tên ác ôn Tần Cối). Há cảo (há - hà: con tôm, cảo - giáo: bánh bột - tên một bánh bột hấp nhưn thịt tôm). Lục tàu sá (lục: xanh, tàu: đậu, sá (sa): cát - chè đậu xanh đánh). Hồ bao (hồ: tiền lấy xâu của đám đánh bạc, bao: túi - túi đựng tiền).
Bên cạnh đó là các từ địa danh của mỗi vùng miền cũng cần tìm hiểu kỹ, không nên suy diễn tùy tiện. Trong “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, tác giả Chu Xuân Diên cho rằng địa danh Huế là do từ Hóa (Hóa Châu) đọc chệch mà thành. Nhưng thực tế từ Huế lại có nguồn gốc từ tiếng Chăm là Hue, có nghĩa là mùi hương. Cũng như Đà Nẵng xuất phát từ ndaknang có nghĩa là nguồn (nguồn trong nguồn nước), Phan Rang xuất phát từ Parang - Panduranga, Phan Thiết là từ Hamu Malithit, Nha Trang là từ Aia Trang - có nghĩa là nước trong mà ra…
Cũng chính từ việc chưa nắm được nguồn gốc ý nghĩa của từ một cách chính xác nên dễ dẫn tới việc hiểu nhầm là lẽ đương nhiên. Vấn đề này ta thường thấy trong việc cắt nghĩa các thành ngữ, tục ngữ như: ăn vóc học hay, trăm hay không bằng tay quen, bắt cá hai tay, già kén kẹn hom, mũi vạy lái chịu đòn, xấc bấc xang bang, sạch nước cản, đầu cua tai nheo…
- Vóc bắt nguồn từ úc, có nghĩa là thơm ngon. Ăn vóc học hay là ăn ngon học giỏi. Ý nói cha mẹ nuôi nấng cho ăn ngon thì phải cố gắng học cho giỏi để cho thật xứng đáng.
- Trăm ở đây không có nghĩa là 10 x 10 mà bắt nguồn từ chiêm, có nghĩa là nói nhiều. Trăm hay không bằng tay quen là nói nhiều lý thuyết suông dù hay đến đâu cũng không bằng thực hành cho giỏi.
- Cá ở đây là cá độ chứ không có nghĩa là con cá. Bắt cá hai tay là một thành ngữ xuất phát từ môn đá gà, có nghĩa là bên con nào cũng bắt và cá, nếu ăn thì ăn nhiều mà thua thì thua ít. Ngày nay lại hiểu là hai tay bắt hai con cá, tham lam nên sẩy hết không được gì.
- Già kén kẹn hom, thành ngữ này có nguồn gốc từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Nếu để quá lứa thì kén già, mà kén già thì kẹn hom, tức là kén bị dính cứng vào hom nan tre, khó gỡ ra. Ý nói để trôi qua thời cơ thì mọi việc sẽ trở nên khó khăn.
- Mũi vạy lái chịu đòn, thành ngữ này xuất phát từ nghề đi sông nước. Nếu người giữ mũi mà để lệch dòng nước thì người sau lái phải dùng cây đòn chống chịu, mất nhiều sức lực. Ngày nay đọc thành mũi dại lái chịu đòn và hiểu là người đứng mũi làm chuyện dại dột thì người lái phải chịu ăn đòn.
- Xấc bấc xang bang đúng ra phải là thất quốc tha bang, có nghĩa là mất nước phải đi ở nhờ nước khác. Nay hiểu là tình cảnh khó khăn phải chạy vạy.
- Sạch nước cản, thành ngữ này xuất phát từ môn chơi cờ. Sạch ở đây không có nghĩa là sạch sẽ mà sạch tức là sành, rành. Sạch nước cản là chỉ chuyên biết cản bước tấn công của đối phương, chứ chưa phải là tay cao thủ.
- Tai là mang, nheo là cá nheo. Đầu cua tai nheo là đầu cua mà mang cá nheo, tức là dị hợm không giống ai cả.
Qua một số ví dụ nêu trên cho thấy, tham cứu từ nguyên là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Nhất là người làm công việc giảng dạy chữ nghĩa. Nó giúp chúng ta hiểu sâu, hiểu cặn kẽ nghĩa của từ, từ đó có cơ sở để phân tích một cách đúng đắn các vấn đề liên quan. Nó góp phần tạo nên sự hứng thú cho học sinh trong việc học hiểu và biết cách dùng từ ngữ, đó cũng là một cách giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.