Vai trò và tác động của chuyển đổi số tới quản trị nhân lực

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, chuyển đổi số đang có vai trò không nhỏ tới quản trị nhân lực cùng nhiều lĩnh vực khác, con người cần tận dụng một cách tối đa điều này.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm cuối chương trình.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm cuối chương trình.

Ngày 22/12, chương trình Hội thảo "Chuyển đổi số với quản trị nhân lực" đã được Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Thương mại phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội. Sự kiện đã thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện một số khoa/trường đại học tham gia. 

PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội phát biểu tại hội thảo. 

PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những tác động mạnh mẽ đến quá trình chuyển đổi phương thức quản lý, kết nối, dẫn đến sự ra đời của loại hình tổ chức mới, các hệ thống sinh thái thông minh, việc gắn kết giữa chuyển đổi số với quản trị nhân lực là một trong những chìa khóa để giúp chúng ta tiến nhanh hơn, gần hơn với mục tiêu hội nhập với một thế giới 4.0. 

Điểm khác biệt và dấu ấn của sự kiện này chính là việc khẳng định tâm thế: Tìm thấy cơ hội trong những thách thức của chuyển đổi số với quản trị nhân lực và đặt ra những định hướng, những kịch bản về quản trị nhân lực của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng 4.0.

Bên cạnh bức tranh tổng quan về quản trị nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số, hội thảo sẽ cùng chia sẻ các quan điểm, tiếp cận liên ngành về các vấn đề chiến lược, chính sách của Nhà nước, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp về chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực; chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam.  

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại dẫn giải, theo báo cáo "Tương lai số của chúng ta" do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào cuối năm 2018, ước tính đến năm 2022, kinh tế số đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu.

Bà Loan cho rằng, thời đại 4.0 đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế đột phá cho các nước, Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Nguồn nhân lực số và chuyển đổi số trong quản trị nhân lực sẽ đóng vai trò cốt lõi cho quá trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo khoa học quốc gia Chuyển đổi số và Quản trị nhân lực” rất có ý nghĩa thực tiễn. Đây là diễn đàn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý lao động, quản trị nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học với tổ chức, doanh nghiệp trong đào tạo, đồng thời đưa ra gợi mở giải pháp khoa học, hàm ý chính sách về quản lý nguồn nhân lực mới thích ứng với quá trình chuyển đổi số. 

Nhiều góp ý có giá trị khoa học

Các đại biểu tham gia hội thảo dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các đại biểu tham gia hội thảo dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe 5 báo cáo tham luận cùng nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên đến từ các trường đại học. Các báo cáo tham luận được rút trích từ 75/120 bài nghiên cứu trong cuốn Kỷ yếu hội thảo. Đây là những kết quả nghiên cứu tâm huyết của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và giảng viên của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, tổ chức, doanh nghiệp.

Các nghiên cứu mang hàm lượng khoa học cao/có giá trị thực tiễn và thể hiện tính đa dạng trong tiếp cận gắn với ba  chủ đề xác định bao gồm: Lý thuyết và thực tiễn về Quản trị nhân lực thích ứng với chuyển đổi số; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; Định hướng, chính sách của Nhà nước, ngành, địa phương thúc đẩy quản lý nguồn nhân lực chuyển đổi số. Các nghiên cứu này đã gợi mở giải pháp khoa học, hàm ý chính sách về quản lý nguồn nhân lực mới thích ứng với quá trình chuyển đổi số.

Cũng tại Hội thảo này, việc sử dụng công nghệ số với ứng dụng kết nối hàng trăm nhà khoa học, các nhà quản lý, giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh ở các địa điểm khác nhau trên cả nước để cùng bàn bạc, trao đổi về những nguyên lý, thực tiễn, giải pháp gắn với chủ đề nghiên cứu. Đây cũng là bằng chứng sống cho chuyển đổi số trong phát triển nguồn nhân lực.

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác lập tầm nhìn: "Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...". Theo đó khẳng định, đổi mới tư duy trong quản lý kinh tế, điều hành tổ chức, quản trị nhân lực... cùng với phát triển nguồn nhân lực số là nền tảng quan trọng, góp phần đảm bảo tiến trình chuyển đổi số nhanh, hiệu quả và bền vững.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.