Vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong "cơn bão" bạo lực học đường

Khi chúng ta tìm được ngôn ngữ hay còn gọi là “bắt sóng” được suy nghĩ của học trò sẽ dễ dàng hơn trong việc làm bạn đồng hành cùng các em. 

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong "cơn bão" bạo lực học đường

Mấy ngày gần đây, dư luận lại dậy sóng bởi vụ việc một em nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị các bạn cùng lớp lột quần áo, đánh hội đồng hay nữ sinh ở Nghệ An bị bắt quỳ xin lỗi bạn học…

Nhiều người đề cập tới trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lí giáo dục học sinh. Thậm chí, có người còn đề nghị đuổi cô giáo chủ nhiệm ấy ra khỏi ngành giáo dục.

Đứng trên góc độ một giáo viên từng làm chủ nhiệm lớp hơn nửa đời người, tôi thấy phản ứng ấy của dư luận là hoàn toàn có lý, không hề thái quá như một số người đánh giá. Vậy, giáo viên chủ nhiệm có vai trò như thế nào trong việc ngăn chặn “cơn bão bạo lực học đường”?.

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong cơn bão bạo lực học đường - 1
Hình ảnh trong clip được tung lên mạng xã hội với nội dung nữ sinh ở Nghệ An bị các bạn học bắt quỳ xin lỗi, sau đó tát vào mặt do tung tin đồn sai sự thật về bạn mình. (ảnh minh họa)

Từ thực tế của bản thân, tôi xin chia sẻ một số ý kiến để các anh chị em đồng nghiệp có thể hiểu và biết đâu học hỏi được thêm những cách xử lý khủng hoảng học đường ngay khi còn là mầm mống.

Giáo viên chủ nhiệm phải có tâm

Tôi cho rằng, là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lí học sinh, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên nhắc nhở, giáo dục học sinh trong lớp về tinh thần đoàn kết; cùng phối hợp với đoàn thanh niên và giáo viên bộ môn trong việc quản lí, giáo dục học sinh (thông qua các hoạt động ngoại khóa và các giờ học giáo dục đạo đúc, pháp luật cho học sinh.)

Để mắt thường xuyên và khoanh vùng những học sinh có cá tính mạnh, có hoàn cảnh đặc biệt để từ đó có cách thấu hiểu và chia sẻ riêng với các em. Khi chúng ta tìm được ngôn ngữ hay còn gọi là “bắt sóng” được suy nghĩ của học trò sẽ dễ dàng hơn trong việc làm bạn đồng hành cùng các em.

Ngoài ra, còn phải tìm được đội ngũ “chim lợn” (cách gọi của học sinh về những bạn hay cung cấp thông tin của lớp tới cô giáo). Là nguồn thông tin rất nhanh và rất dễ hiểu các hiện tượng, các ý định của nhóm các học sinh cá tính đang ngầm thực hiện sau lưng các thầy cô giáo. Tôi cho rằng việc làm này chính là sự kết nối từ nhiều phía.

Đồng thời, các thông tin từ phía quần chúng cũng rất quan trọng (đa phần là phụ huynh học sinh trong lớp) Vì nhiều em sau các buổi học hay kể với bố mẹ những chuyện xảy ra thường ngày ở trường lớp, khi người giáo viên chủ nhiệm kết nối được mạng lưới thông tin nhạy bén và nhanh này thì các ý định gây bão của học trò khó có thể “lọt lưới”.

Việc nắm bắt được thông tin kịp thời về học sinh lớp chủ nhiệm sẽ giúp giáo viên kịp thời ngăn chặn những vụ ẩu đả đáng tiếc xảy ra. Những điều này không khó để chúng ta gây dựng, các mối quan hệ này giúp ích rất nhiều cho giáo viên chủ nhiệm lớp cân bằng được các hành vi của học sinh.

Chỉ cần người giáo viên chủ nhiệm có tâm, dành thời gian cho học trò của mình, xuất phát từ nhu cầu muốn thấu hiểu, lắng nghe và làm bạn thay vì làm người “bề trên” thì việc để học trò tôn trọng là điều dễ dàng. Quả thực là những người “vác tù và tận tụy”.

Giáo viên chủ nhiệm cần làm gì khi có bão bạo lực học đường

Theo tôi, việc làm đầu tiên là giáo viên chủ nhiệm cần thông báo ngay cho những phụ huynh học sinh có con là thủ phạm và nạn nhân của vụ việc. Đồng thời phải báo cáo với lãnh đạo Nhà trường để xin ý kiến chỉ đạo.

Ngay sau đó cần gặp mặt cả phụ huynh và học sinh, yêu cầu học sinh viết tường trình, có xác nhận của nhân chứng. Việc này phải tiến hành ngay lật tức, không được kéo dài quá một ngày, vì điều đó rất dễ xảy ra tình trạng kéo hội đồng để trả thù bạn và những hành vi xấu xảy ra của cả thủ phạm và nạn nhân.

Tiếp tục, chúng ta cần tiến hành kiểm điểm học sinh tại lớp, tại trường... tùy mức độ học sinh vi phạm mà có thể đưa ra hội đồng kỉ luật nhà trường xử lý theo đúng quy định.

Việc xử lý nghiêm học sinh vi phạm bao giờ cũng có tác dụng răn đe với những học sinh khác. Tuy nhiên, với những học sinh có cá tính đặc biệt, đôi khi sự mềm dẻo của giáo viên chủ nhiệm lại có sức mạnh cảm hóa.

Tôi còn nhớ, hai em Đỗ Văn T và Lê Vũ Ngọc A là học sinh khóa 2012 -2015 do tôi chủ nhiệm đã từng sang tận lớp bên cạnh để đánh một bạn nam khác cùng trường. Sau khi nhận được thông tin cấp báo từ một học trò cũ, là anh họ của em học sinh bị đánh, tôi đã thông báo với phụ huynh của hai em học sinh lớp mình chủ nhiệm.

Và ngay tối hôm ấy, tôi cùng với các phụ hunh và hai em học sinh mắc lỗi tới tận nhà em học sinh bị đánh để xin lỗi. Vì ngăn chặn được kịp thời nên sự việc đã không bị đẩy đi quá xa. Tôi cho rằng chính sự dàn xếp mềm dẻo và kịp thời đó đã giúp học sinh của mình hiểu được mức độ nghiêm trọng của việc đánh bạn và răn đe các bạn khác.

Đến hiện tại thì tin mừng là bạn học sinh Ngọc A bây giờ đã là sinh viên năm thứ tư của Học viện Cảnh sát Nhân dân. Cô trò gặp lại, em đã tâm sự : “Hồi ấy may mà có cô. Nếu không sẽ không biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu”

Từ câu chuyện để thấy được rằng, ngăn chặn bạo lực học đường, đừng để nó xảy ra rồi mới xử lý. Đó là trách nhiệm của cộng đồng, trong đó có vai trò quan trọng của giáo viên chủ nhiệm, người luôn được coi là linh hồn của lớp, người được phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình. Làm chủ nhiệm là cả một nghệ thuật – ý kiến ấy quả không sai!

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.