Phải thay đổi quan hệ với người học
Giải pháp, nội dung đầu tiên được nhóm nghiên cứu đưa ra là GV, cha, mẹ phải thay đổi quan hệ với người học, coi trọng việc gần gũi, tạo ra sự kết nối cảm xúc tích cực với trẻ, được trẻ tin cậy, chia sẻ. Việc chú trọng thực hành kỷ luật tích cực trong lớp học, trường học và gia đình để phòng ngừa sớm các hành vi bạo lực rất quan trọng. Kỷ luật tích cực tập trung vào tăng cường các hành vi tích cực và dạy trẻ có trách nhiệm với chính hành vi của mình, thay vì quản lý các em thông qua nỗi sợ.
Nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm đa dạng với HS làm trung tâm trong nói không với BLHĐ. Quy trình trải nghiệm theo 4 bước của D.Kolb, trong đó bước 1, 2 là xem video và phân tích video hoặc kể chuyện, xem phim, diễn kịch... Kết hợp với lồng ghép nội dung về GD giá trị sống, kỹ năng sống vào chương trình, nội dung và các hoạt động GD khác.
Đối với GV chủ nhiệm (GVCN), nhóm nghiên cứu lưu ý cần tăng cường nhận thức đúng đắn, thái độ tôn trọng, đề cao, ghi nhận với GV và công tác chủ nhiệm trong trường học. Lựa chọn nhà giáo có uy tín, kinh nghiệm vào vị trí GVCN. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức và kỹ năng làm công tác chủ nhiệm trong bối cảnh mới; hướng dẫn GVCN thực hành kết nối cảm xúc tích cực với HS và cha mẹ HS, cũng như thực hiện kỷ luật tích cực trong lớp học. Điều chỉnh quy định về nhiệm vụ giao cho đội ngũ này, sao cho giảm việc hành chính, họp hành, làm hồ sơ, sổ sách… để họ có nhiều thời gian gần gũi, giám sát, hỗ trợ HS. Có chế độ đãi ngộ, quy định khen thưởng, xử phạt phù hợp, tạo động lực cho đội ngũ GVCN.
Nhóm nghiên cứu dẫn mô hình Kiva trong phòng trừ BLHĐ của Phần Lan và cho rằng mô hình này là bài học tốt cho nhiều nước tham khảo, trong đó có Việt Nam. Hiệu quả của mô hình này chính là xây dựng được văn hóa nói không với BLHĐ trong xã hội thông qua một chương trình tổng thể phòng trừ BLHĐ với các cấp từ Trung ương đến từng cá nhân trong nhà trường, gia đình và cộng đồng. Thu hút và phân định trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, chương trình đặt người học là “trung tâm của phòng trừ BLHĐ”, từng nhà trường tăng cường hệ thống nhân viên, GD hỗ trợ tư vấn cho người học.
Bên cạnh hòm thư hay kênh thông tin tin cậy để HS chia sẻ, thông báo về hành vi BLHĐ; bố trí nhân lực để hỗ trợ tư vấn hiệu quả, nhanh chóng trong giải quyết các vấn đề khó khăn cho người học, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, nhà trường cần xây dựng các quy định phòng chống BLHĐ và BLHĐ trên cơ sở giới với những quy định rõ ràng cho GV, HS. Trong đó có những nguyên tắc cơ bản của sự chấp nhận những khác biệt và không chấp nhận sự phân biệt đối xử, bạo lực. Những nội dung này được lồng ghép vào trong nội quy chung của nhà trường và toàn thể cán bộ, GV, nhân viên nhà trường, cha mẹ HS, HS được phổ biến từ đầu năm học.
Phát triển những tài liệu khuyến nghị về phòng chống BLHĐ và BLHĐ trên cơ sở giới dưới hình thức sách, truyện, các tờ rơi ở trong thư viện nhà trường hoặc ở những nơi mà GV và HS dễ tiếp cận nhất. Khuyến khích các tổ chức Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên trong nhà trường tổ chức hoạt động về những chủ đề liên quan đến phòng chống BLHĐ và BLHĐ trên cơ sở giới để HS có cơ hội nâng cao nhận thức, có thái độ đúng đắn đối với vấn đề này.
Xây dựng các mối quan hệ tích cực trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt, phát triển kĩ năng phòng chống bạo lực. Thiết lập, duy trì thông qua nhiều kênh liên lạc khác nhau, mối liên hệ hợp tác chặt chẽ với cha mẹ HS, cộng đồng địa phương và công an khu vực để bảo vệ, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho HS, GV trong nhà trường cũng như các khu vực xung quanh trường.
Đạ dạng hình thức GD phòng chống bạo lực học đường |
Xây dựng, thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành
Đưa ra các giải pháp trung hạn, nhóm nghiên cứu cho rằng cần xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, hiệu quả; đặc biệt giữa Bộ GD&ĐT với UBND các tỉnh/thành phố, các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương. Xây dựng, thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả bao gồm: Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Hội Phụ nữ, Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH và các tổ chức quốc tế có quan tâm đến vấn đề này như UNESCO, UNFPA, UNICEF, UN Women, Plan... Xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế phối hợp này trong ngành GD-ĐT.
Cùng với đó, hướng dẫn xây dựng kế hoạch ở từng nhà trường, địa phương và hướng dẫn tổ chức thực hiện, đánh giá việc thực hiện chương trình hành động phòng, chống BLHĐ trong các cơ sở GDMN, GDPT và GDTX giai đoạn 2017 – 2021, theo Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT. Rà soát, điều chỉnh chính sách có liên quan đến xây dựng và đảm bảo các điều kiện để xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở GD; thống nhất các quy định pháp luật có liên quan đến BLHĐ.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, cần có các nội dung chuyên biệt trong đào tạo GVCN; chương trình đào tạo hiệu trưởng trong các trường sư phạm để đào tạo các CBQL trường học, các GV tương lai; đặc biệt chú trọng đến kĩ năng nhận biết, xử lý các vấn đề liên quan đến BLHĐ và BLHĐ trên cơ sở giới.
Đồng thời, cần có các chương trình bồi dưỡng online, offline cho CBQL, GV và nhân viên nhà trường, cha mẹ HS về các vấn đề liên quan đến BLHĐ và BLHĐ trên cơ sở giới; các vấn đề về giới, bình đẳng giới, đa dạng giới bao gồm LGBTIQ và SOGIE, cũng như các phương pháp dạy học có nhạy cảm giới. Vận hành, đánh giá khách quan tính hiệu quả các phòng tư vấn cho GV, nhân viên, HS, cha mẹ HS. Đặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông xã hội về xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện trong nhà trường, kết nối hữu cơ với trong môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện trong từng gia đình và cộng đồng.