Vai trò của Đoàn trong trường học: Ươm mầm đảng viên trẻ

GD&TĐ - Dù tuổi đời còn trẻ, các đoàn viên ưu tú đã và đang tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ để sẵn sàng đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Cô Nguyễn Hằng Nga - Chi ủy viên, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) và 3 đoàn viên ưu tú được xem xét hồ sơ kết nạp Đảng.
Cô Nguyễn Hằng Nga - Chi ủy viên, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) và 3 đoàn viên ưu tú được xem xét hồ sơ kết nạp Đảng.

Từ đó, các em có cơ hội cống hiến cho đất nước bằng nhiều hành động thiết thực.

Củng cố lý tưởng

Thầy Nguyễn Kỳ Nam - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cho hay, chủ trương của Thành ủy Hà Nội về công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên (HSSV) rất phù hợp thực tế. Nhà trường luôn chấp hành đầy đủ và phối hợp chặt chẽ với Huyện ủy Hoài Đức rà soát hồ sơ học sinh để cử tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho các đoàn viên ưu tú. Nhà trường đang chuẩn bị trình hồ sơ của 3 em để Huyện ủy phê duyệt, ra quyết định kết nạp Đảng.

Khi biết tin được nhà trường cử tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng do Huyện ủy tổ chức, Đinh Thanh Gia Khánh – học sinh lớp 12A12 Trường THPT Hoài Đức B thấy vinh dự, tự hào. Khánh cho rằng, sau này dù làm ngành nghề gì thì việc tu dưỡng phẩm chất chính trị, giáo dục lý tưởng cách mạng với HSSV là điều cần thiết. Vì thế, được đứng trong hàng ngũ Đảng sẽ giúp HSSV thêm thuận lợi rèn luyện ý chí, sự bền bỉ và tinh thần vượt khó, làm tốt công việc của mình.

“Trong trường, thầy cô dạy chúng em không chỉ kiến thức, cao hơn nữa là những bài học về tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc. Tinh thần đó được hiện thực hóa qua lịch sử hàng nghìn năm dựng và giữ nước của dân tộc. Do đó, mỗi HSSV cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm bản thân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, Khánh tâm sự.

Đề cao chất lượng của đội ngũ đảng viên trẻ, cô Nguyễn Thị Chung – Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) khẳng định, giáo dục tinh thần cách mạng sớm cho đoàn viên thanh niên khi còn là học sinh THPT vô cùng cần thiết. Trẻ hóa đội ngũ đảng viên sẽ phát huy tinh thần sáng tạo, tiên phong. Tuy nhiên, không thể vì thành tích hay chỉ tiêu mà kết nạp cho đủ số lượng. Vì vậy, các trường cần có định hướng từ năm lớp 10 để các đoàn viên thanh niên có thời gian dài phấn đấu, thử thách rèn luyện bản thân đủ chín chắn trước khi kết nạp Đảng.

Tương tự, thầy Nghiêm Xuân Cường – Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đơn vị có số lượng học sinh đã kết nạp Đảng thuộc tốp cao của Thủ đô. Năm học 2022 - 2023, trường kết nạp 16 đoàn viên ưu tú vào Đảng. Những học sinh này hiện sinh hoạt tại các tổ chức Đảng trường đại học.

Theo đánh giá của thầy Cường, quá trình phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp Đảng cho thấy sự thay đổi đáng kể từ các em, nhất là tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong phong trào, hoạt động và học tập. Tất cả có nhận thức đúng đắn về lý tưởng cách mạng, tinh thần cống hiến.

Anh Lê Văn Minh - Phó Bí thư Chi bộ Sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội trao quyết định kết nạp Đảng cho sinh viên ưu tú.

Anh Lê Văn Minh - Phó Bí thư Chi bộ Sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội trao quyết định kết nạp Đảng cho sinh viên ưu tú.

Chọn đúng người

Một yêu cầu đặt ra khi phát triển đảng viên trẻ là chú trọng chất lượng. Cô Nguyễn Hằng Nga – Chi ủy viên, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) chia sẻ, nhà trường đã cử 10 học sinh, gồm 6 em lớp 11 và 4 em lớp 12 tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng từ tháng 8/2023.

Hiện 3 em trong số này hội tụ đủ các điều kiện về phẩm chất chính trị, năng nổ trong hoạt động Đoàn và có kết quả học tập xuất sắc để Chi bộ nhà trường xem xét kết nạp Đảng cuối năm học 2023 - 2024. Đây sẽ là dấu mốc đáng nhớ của nhà trường.

Dù vậy, khi bồi dưỡng để đoàn viên ưu tú được xem xét kết nạp Đảng cũng gặp một số khó khăn. Đa số các em đang học lớp 12, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên việc tham gia lớp nhận thức về Đảng kéo dài (khoảng một tuần) là cả sự cố gắng. Bản thân các em phải đủ quyết tâm, tư tưởng chính trị vững vàng và được động viên từ gia đình.

Nhà trường thường xuyên trao đổi với phụ huynh để tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Ngay từ khi vào lớp 10, thầy cô đã quan sát, phát hiện và định hướng sớm. Mục tiêu cao nhất là chất lượng chứ không chạy theo số lượng.

Tại các trường đại học, công tác phát triển Đảng cũng được triển khai. Anh Lê Văn Minh – Phó Bí thư Chi bộ Sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, đa số trường áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên tự sắp xếp kế hoạch học tập cá nhân, công tác tập hợp vì thế gặp khó khăn so với trước.

Bên cạnh đó, trong và ngoài nhà trường có các hoạt động đa dạng, sinh viên thêm nhiều lựa chọn. Cán bộ phụ trách công tác Đảng trong nhà trường đều kiêm nhiệm, việc phổ biến thông tin về Đảng cùng hoạt động liên quan chưa phong phú dẫn tới việc tiếp nhận thông tin đối với sinh viên còn hạn chế.

Trong quá trình phát triển đảng viên, nhiều đơn vị, cá nhân cùng tham gia như địa phương nơi cư trú, học tập của sinh viên. Việc lấy ý kiến nhận xét của các đơn vị còn khó khăn trong công tác hành chính cũng là rào cản với sinh viên khi kết nạp Đảng.

Do đó, Chi ủy thường xuyên giao nhiệm vụ, theo dõi quá trình phấn đấu để xác định ưu điểm, hạn chế của sinh viên. Từ đó tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm thúc đẩy tinh thần vươn lên, tạo động lực cho sự phát triển bản thân và đóng góp vào tổ chức.

“Tăng cường phối hợp giữa Chi bộ và các tổ chức chính trị xã hội trong nhà trường như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và chủ động trong sinh hoạt Chi bộ, tập hợp thanh niên; tổ chức các chương trình sinh hoạt nhằm mục đích khơi dậy khát vọng cống hiến, thực hiện lẽ sống cao đẹp trong tình hình mới. Áp dụng công nghệ thông tin, số hóa công tác phát triển đảng viên để phổ biến tới đội ngũ đảng viên, đoàn viên thanh niên một cách hiệu quả”, anh Lê Văn Minh nói.

TS Lê Xuân Trung - Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện Tâm lý Giáo dục và Đào tạo (IPET) nêu thực trạng, có những đoàn viên ưu tú, sinh từ tháng 6 - 12 nên khi tiến hành xem xét kết nạp Đảng tại nhà trường trong năm học, các em chưa đủ 18 tuổi cũng là trở ngại.

Do đó, với những em này, dù đã kết thúc thi cử và về sinh hoạt tại địa phương, nhà trường vẫn có thể tiến hành kết nạp Đảng. Sau đó, trường giới thiệu sinh hoạt tại địa phương trong thời gian chưa chuyển sinh hoạt Đảng tại trường đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...