Khẳng định vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong nhà trường ngày càng quan trọng, các Bí thư Đoàn đồng thời đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực trong học tập, nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên, giảng viên trẻ.
ThS Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường ĐH Mở Hà Nội: Khai thông khát vọng cống hiến
Trong cơ sở giáo dục và đào tạo, Đoàn có vai trò quan trọng đối với giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; là “mũi khoan” khai thông “trữ lượng vô tận”, khát vọng cống hiến của thanh niên.
Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đoàn viên và thanh niên ta nói chung tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng đã chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo thanh niên rồi thì tổ chức Đoàn cần đóng vai trò đồng hành với họ.
Điều đó phải được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động cách mạng. Theo đó, các hoạt động cần gần gũi và thiết thực, giúp sinh viên phát triển toàn diện về nhân cách, phẩm chất, sức khỏe và năng lực tư duy sáng tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Thanh niên sinh viên được đánh giá là thành phần ưu tú, nhiều tài năng sáng tạo, có học vấn cao, trí thức tương lai, nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, tổ chức Đoàn càng coi trọng công tác giáo dục, đạo đức, lối sống để sinh viên không vi phạm pháp luật, sa đà vào tệ nạn xã hội.
Đoàn có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục sinh viên, lan tỏa niềm tự hào về lịch sử, truyền thống dân tộc và những giá trị cao đẹp của văn hóa Việt Nam. Ở Trường ĐH Mở Hà Nội, tổ chức Đoàn – Hội luôn xác định đổi mới, sáng tạo nội dung và phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên.
Hằng năm, số sinh viên đạt danh hiệu Sao tháng Giêng, Sinh viên 5 tốt các cấp, cán bộ Đoàn tiêu biểu tăng lên cả chất và lượng. Việc tuyên dương, khen thưởng được làm kịp thời; từ đó nhân rộng điển hình tiên tiến trong trường. Ý thức giáo dục, rèn luyện của sinh viên được đưa vào các tiêu chí để xét học bổng mỗi năm.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Mở Hà Nội luôn suy nghĩ làm sao để thu hút và tập hợp sự quan tâm, tham gia của sinh viên. Để làm được điều đó, hoạt động Đoàn phải thực sự chất lượng, ý nghĩa, thiết thực, gần gũi với lứa tuổi, thị hiếu tuổi trẻ. Theo đó, Đoàn trường liên tục đổi mới và đa dạng hóa hoạt động trên các lĩnh vực như: Văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Từ nhiều năm nay, Đoàn Trường ĐH Mở Hà Nội luôn đồng hành với sinh viên, cán bộ, giảng viên trẻ trong học tập, nghiên cứu khoa học thông qua các hoạt động như: Tổ chức cuộc thi Olympic Tin học – Tiếng Anh không chuyên; hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học; tọa đàm khoa học; mở các lớp dạy học tiếng Anh miễn phí.
ThS Nguyễn Hoàng Phương – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Học viện Phụ nữ Việt Nam: Đoàn phải Biết - Hiểu - Cùng đồng hành với sinh viên, giảng viên
ThS Nguyễn Hoàng Phương chăm sóc cụ già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: NVCC |
Tổ chức Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò quan trọng trong định hướng, tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức cho thanh niên, trong đó có sinh viên. Tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, Ðoàn là tổ chức chính trị, lực lượng giáo dục, đảm bảo quyền lợi trong mọi hoạt động của sinh viên. Đoàn cũng làm nhiệm vụ giáo dục sinh viên về truyền thống yêu nước và là thành viên không thể thiếu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng.
Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh của Học viện Phụ nữ Việt Nam còn là lực lượng giáo dục trực tiếp, lãnh đạo chính trị, tư tưởng tập thể đoàn viên sinh viên, nhân tố cơ bản của quá trình tự giáo dục. Ngoài ra, Ðoàn làm cầu nối giữa chi bộ Ðảng với quần chúng trẻ tuổi thông qua các chương trình hành động thiết thực, vận động sinh viên thực hiện tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức bản thân, phát triển năng lực cá nhân và bồi dưỡng kiến thức kỹ năng để hội nhập quốc tế.
Để các hoạt động đoàn đi vào chiều sâu, lan tỏa tích cực trong học tập, nghiên cứu khoa học với sinh viên và cán bộ, giảng viên trẻ theo tôi cần chú ý đến một số giải pháp: Các phong trào, hoạt động phải hướng đến mục đích phát triển toàn diện cho sinh viên. Muốn vậy, nội tại hoạt động cần thực sự gắn với sinh viên, không dừng lại ở việc làm hình ảnh hoặc phong trào bề nổi. Đứng dưới góc độ sinh viên để nhìn và lựa chọn những hoạt động họ cần chứ không phải do tổ chức Đoàn muốn.
Ngoài ra, sau mỗi đợt tổ chức, phát động phong trào, cần lấy ý kiến đóng góp từ cấp chi đoàn để cải thiện và đổi mới hoạt động sao cho phong phú, gần gũi với sinh viên. Đoàn Thanh niên cần chủ động triển khai những tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến để lan tỏa hình ảnh đẹp và xây dựng môi trường học đường lành mạnh. Đồng thời, thúc đẩy, khuyến khích, động viên và có cơ chế khen thưởng sinh viên có thành tích học tập tốt, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh mô hình sinh viên giúp đỡ nhau trong học tập.
Đối với cán bộ giảng viên trẻ, tổ chức Đoàn Thanh niên cần khai thác thế mạnh, kết nối họ tham gia nhiều hơn các hoạt động chiều sâu như: Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học; hội thảo về phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học; thường xuyên tổ chức đối thoại giữa giảng viên và sinh viên…
Đặc biệt, Đoàn Thanh niên phải thực sự: Biết - Hiểu - Cùng đồng hành với sinh viên, giảng viên. Qua đó, các hoạt động mới thực sự đi vào thực tế, không còn là phong trào bề nổi. Từ đây, mới gây dựng được lòng tin của đoàn viên vào tổ chức Đoàn, xây dựng tổ chức Đoàn với đội ngũ trí thức cao, xung kích, sáng tạo, tiên phong trong mọi lĩnh vực.
Cô Đàm Phương Anh. |
Cô Đàm Phương Anh – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ): Bốn giải pháp để hoạt động đoàn đi vào chiều sâu
Là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên, do thanh niên và vì thanh niên nên Đoàn là nơi trực tiếp giáo dục, rèn luyện, thực hiện quyền làm chủ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên.
Là thành viên trong hội đồng giáo dục nhà trường, Đoàn Thanh niên có nhiều thế mạnh trong tập hợp thanh niên, phối hợp với tổ chức đoàn thể trong nhà trường để triển khai các hoạt động giáo dục học sinh. Tuy nhiên, để hoạt động đoàn ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa sâu rộng, tích cực trong học tập, giảng dạy với học sinh và giáo viên trẻ, thiết nghĩ cần quan tâm tới một số giải pháp.
Thứ nhất, đội ngũ cán bộ đoàn có vai trò quan trọng trong xây dựng các chương trình chất lượng, chiều sâu, tạo nên sức hút cho hoạt động giáo dục của tổ chức Đoàn. Cán bộ Ðoàn trường nên là thầy, cô giáo trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm hoặc học sinh gương mẫu, thành tích học tập tốt, năng nổ, sẵn sàng cống hiến cho tổ chức Ðoàn. Ðồng thời, phải được đào tạo những kỹ năng căn bản trong công tác lãnh đạo, tổ chức các hoạt động của thanh niên.
Thứ hai, Đoàn trường cần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo cho đoàn viên giáo viên, học sinh thói quen thường xuyên trau dồi tri thức, rèn luyện kỹ năng, hoàn thiện nhân cách bản thân theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Trong các giờ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chi đoàn, các buổi sinh hoạt chuyên đề hằng tháng, Đoàn trường chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên thanh niên.
Đồng thời, đổi mới, sáng tạo và kết hợp linh hoạt các hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục như: Tổ chức sân chơi, diễn đàn, hội thi, hoạt động trải nghiệm… Với đoàn viên ưu tú sẽ được ghi nhận, biểu dương và đề nghị Chi bộ, Đảng bộ xem xét kết nạp Đảng. Qua đó tạo động lực cho đoàn viên thanh niên tự hào với truyền thống dân tộc và kiên định với lý tưởng của Đảng.
Thứ ba, Đoàn không thể nói suông, giáo dục giáo điều. Các hoạt động, phong trào phải góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, bổ trợ cho việc học tập, giảng dạy của giáo viên trẻ, học sinh.
Theo đó, cần đưa các phong trào hành động cách mạng thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của tuổi trẻ, có ý nghĩa thiết thực với đời sống xã hội. Các phong trào Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ sáng tạo, Thanh niên xung kích bảo vệ Tổ quốc… là môi trường tích cực để đoàn viên thanh niên rèn luyện, thể hiện tinh thần trách nhiệm bản thân với gia đình, nhà trường và xã hội.
Đối với đoàn viên giáo viên, việc tạo ra không gian để trao đổi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ cần thiết. Mỗi đoàn viên giáo viên tích cực tham gia phong trào “Trí thức trẻ vì giáo dục”, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Thứ tư, các hoạt động của đoàn trong trường học phải gắn với nhiệm vụ chính trị nhà trường là dạy và học, kết hợp chặt chẽ nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Hoạt động của Đoàn trường luôn có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế tình hình của nhà trường theo từng tháng, tuần. Kết quả được đánh giá hằng tuần và thông báo công khai đến từng chi đoàn để rút kinh nghiệm.
ThS Võ Nhật Minh. |
ThS Võ Nhật Minh - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định): Hướng học sinh tới những giá trị tích cực, phẩm chất tốt đẹp
Trong môi trường trường học, Đoàn Thanh niên góp phần hoàn thiện triết lý giáo dục toàn diện, đồng thời định hướng phát triển kỹ năng cho học sinh bằng các hoạt động bổ ích, vừa giúp phát huy tính năng động, sáng tạo trong học sinh, vừa tạo môi trường để các em rèn luyện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, bồi dưỡng tình yêu thương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Với “tính trẻ, năng động” của mình, tổ chức Đoàn Thanh niên là người đồng hành của học sinh, sinh viên trong quá trình bồi dưỡng đạo đức, lối sống, phấn đấu trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, muốn công tác đoàn đi vào chiều sâu, lan tỏa tích cực trong học tập và giảng dạy; trước hết hoạt động đoàn cần chú trọng vào tính thực tiễn, phù hợp nhu cầu của học sinh, giáo viên trẻ. Khi tổ chức các chương trình hành động, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Đoàn, nhà trường và học sinh nhằm xây dựng các hoạt động thích hợp. Bắt nhịp cùng Chương trình GDPT 2018, các hoạt động đoàn cần chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Muốn vậy, cần lấy ý kiến, ý tưởng và nguyện vọng của học sinh, tạo ra các hoạt động thu hút sự quan tâm của và coi các em là nhân vật trung tâm. Trên tinh thần đó, đội ngũ cán bộ Đoàn và các nhà giáo dục đóng vai trò như người định hướng hoạt động này, hướng tới giá trị tích cực, phẩm chất tốt đẹp cho học sinh.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cần phát huy tối đa lợi thế của mình trong quá trình chuyển đổi số hiện nay. Chúng ta cần nhận định, hiện các hoạt động trên không gian mạng quan trọng không thua kém thực tại. Do đó, tổ chức đoàn cần tiên phong tận dụng công nghệ số, mạng xã hội để tổ chức các hoạt động mới mẻ, phù hợp với xã hội; từ đó tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến học sinh.
Những năm gần đây, tổ chức Đoàn từ Trung ương đến cơ sở đều có bước chuyển biến tích cực nên cần phát huy, nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới. Mong rằng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục tiến bước vững chắc, mang lại hoạt động thiết thực, bổ ích, thu hút đông đảo thanh niên, học sinh, sinh viên và giáo viên trẻ tham gia tích cực, góp phần xây dựng thế hệ trẻ năng động, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời đại mới.
“Đoàn trường tổ chức các câu lạc bộ theo nguyện vọng của đoàn viên thanh niên, phù hợp với điều kiện của nhà trường như: Câu lạc bộ truyền thông, nghệ thuật, tiếng Anh… Đây là không gian để đoàn viên thanh niên tích cực thể hiện thế mạnh của mình, đồng thời rèn luyện kỹ năng sống, lan toả tinh thần tích cực tới đoàn viên thanh niên trong và ngoài nhà trường”, cô Đàm Phương Anh – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) cho biết.