Không thể phủ nhận bất luận trong thời kỳ văn học nào thì truyện ngắn cũng là thể loại dễ đọc và chiếm được lượng khán giả hâm mộ đông đảo hơn so với các thể loại văn học khác.
Nếu như trước Cách mạng tháng Tám, công chúng thích đọc Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, thì sau Cách mạng tháng Tám, các tác giả truyện ngắn như Võ Huy Tâm, Nguyễn Huy Tưởng, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đình Thi… cũng luôn được công chúng mến mộ; bên cạnh các tác giả trưởng thành trước cách mạng như Kim Lân, Nam Cao, Tô Hoài…
Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn của một số nhà văn Việt Nam tiêu biểu trước Cách mạng tháng Tám, cụ thể các tác giả Nam Cao và Nguyễn Công Hoan.
***
Truyện ngắn là một thể loại văn học có dung lượng vừa phải, không dài như tiểu thuyết và không quá ngắn như truyện cười hay truyện ngụ ngôn. Truyện ngắn hiện đại thường có độ dài vài trang A4. Trong một dung lượng vừa đủ đó, tất cả các yếu tố làm nên nét đặc sắc về giá trị nghệ thuật như: Chi tiết, cốt truyện, nhân vật, tình huống… thì chi tiết là một yếu tố không thể bỏ qua mỗi khi nghiên cứu về một truyện ngắn bất kỳ.
Tựa như một dòng sông muốn trôi về biển cả phải qua nhiều km đường dài, trên chặng đường đó có rong rêu, củi rác, có đá sỏi… và chi tiết cũng vậy, nó làm nên một phần cấu thành của truyện ngắn.
Nói đến chi tiết, không thể không nói đến cốt truyện là hệ thống các sự kiện (biến cố) xảy ra trong đời sống nhân vật. Qua đó bộc lộ tính cách, số phận nhân vật và làm sáng tỏ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Đối với nhà văn, việc tạo nên cốt truyện là yếu tố đầu tiên của quá trình sáng tạo.
Làm nên cốt truyện là các sự kiện. Làm nên sự kiện là các chi tiết. Chi tiết nghệ thuật “đóng vai trò vật liệu xây dựng làm tiền đề cho cốt truyện phát triển thuận lợi và hợp lý”. Đọc truyện ngắn Nam Cao, thấy vai trò chi tiết bộc lộ rõ rệt.
Chí Phèo là tác phẩm tiêu biểu. Truyện ngắn Chí Phèo kể về cuộc đời của nhân vật bị bỏ rơi từ thuở lọt lòng, bị xã hội cự tuyệt quyền làm người. Lớn lên trong nghèo khó, trong sự khinh miệt, coi thường của dân làng, chắc chắn điều thiếu thốn nhất với Chí là tình yêu thương.
Và chi tiết bát cháo hành của Thị Nở là chi tiết đắt giá, nó gói trọn niềm yêu thương, gói trọn vai trò thức tỉnh nhân tính trong con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chính chi tiết bát cháo hành của Thị Nở dành cho Chí Phèo đã thúc đẩy cốt truyện phát triển và mở ra bước ngoặt trong cuộc đời của nhân vật.
Với Chí, từ bé chỉ quen với sự ghẻ lạnh, xa lánh, chưa được đón nhận một cử chỉ yêu thương cho đến khi Chí bị ốm, Thị Nở đã nấu cháo mang sang cho hắn thì đó đích thực là khoảnh khắc quan trọng bậc nhất để Chí lột xác từ “một con quỷ dữ của làng Vũ Đại” để trở thành một con người. Đó là giây phút hạnh phúc duy nhất của một kẻ từ lúc sinh ra đã nếm mùi bất hạnh.
Bát cháo của Thị Nở đã làm hồi sinh nhân tính Chí Phèo. Khi bị cảm, theo dân gian thì bát cháo hành là để giải cảm. Với Chí, lúc đó, bát cháo không chỉ là liều thuốc giải cảm, mà còn là “liều thuốc giải độc, thanh lọc tâm hồn”.
Điều đó là sự thực bởi vì xưa nay, muốn có ăn hắn “phải dọa nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm người ta sợ”. Lần này, hắn không cần hành động cướp giật, hắn lại còn được bàn tay phụ nữ nấu cháo, chăm chút. Bát cháo đã cho Chí hiểu được một điều giản dị mà xúc động: Hóa ra trên đời này người ta có thể cho nhau ăn mà không cần bạo lực, dọa nạt….
Và Chí đã khóc, đây là lần thứ hai trong cuộc đời Chí khóc, lần thứ nhất là tiếng khóc chào đời, tuy nhiên đó là tiếng khóc bản năng, vô thức. Còn khi được Thị Nở chăm chút bằng bát cháo hành thì Chí “thấy mắt hình như ươn ướt”. Chí Phèo cảm động, rưng rưng nước mắt, Chí Phèo khóc vì cảm động, khóc là biểu hiện của nhân tính được khơi dậy.
Với Nam Cao, nước mắt chính là giọt nhân tính, chỉ có những người giàu nhân phẩm, có nhân tính mới biết khóc. Và cũng thật đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong đời Chí thấy cháo hành ăn rất ngon. Ở đây, không còn là vị ngon thuần túy theo nghĩa thực của bát cháo hành, ở đây là vị của tình yêu thương, nó đến thật đúng lúc khi trong con người cạn kiệt tình yêu thương, thậm chí bị gọi là con quỷ dữ, triền miên rượu, triền miên say…
Nam Cao thật sự sâu sắc khi nhìn ra sức mạnh kỳ diệu của tình yêu và sức sống mãnh liệt của nhân tính. Tình yêu là cho quỷ dữ hoàn lương và nhân tính vốn có, bị vùi lấp lâu ngày, tưởng chừng đã bị hủy diệt, nay đã được khơi dậy.
Và thật kỳ diệu khi Thị Nở đã giúp Chí thấy “lòng thành trẻ con... muốn làm nũng với thị như với mẹ”, muốn nũng nịu là cảm giác rất NGƯỜI, rất đáng trân trọng, dù rằng cảm giác ấy không kéo dài được bao lâu. Khao khát được yêu thương là khao khát làm người lương thiện.
Và “ánh sáng cuối đường hầm” lóe lên khi Chí Phèo nghĩ: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Đó chính là khát vọng được hoàn lương với hy vọng Thị Nở làm cầu nối.
Tuy rằng những giây phút hạnh phúc chỉ lóe lên rồi vụt tắt, nhưng hương vị của cháo hành - hương vị của tình yêu thì còn mãi, nó có sức ám ảnh ghê gớm, nó khiến Chí chấm dứt những được chuỗi ngày dài của đời quỷ dữ để có đủ dũng cảm kết liễu kiếp sống của một con quỷ và hồi sinh nhân tính, trở lại thiên lương của một con người.
Như vậy, có thể thấy chỉ bằng một chi tiết nhỏ nhưng đã hàm chứa cả một triết lý sâu sắc của nhà văn Nam Cao về sức cảm hóa kì diệu của tình yêu cùng lời nhắn nhủ con người hãy sống với nhau bằng tình yêu thương.
Đồng thời, qua chi tiết này, Nam Cao cũng thể hiện niềm tin mãnh liệt vào bản chất tốt đẹp của người lao động, cái phần NGƯỜI trong mỗi người lao động không thể bị phá vỡ. Nếu không có chi tiết bát cháo hành của Thị Nở có lẽ truyện ngắn Chí Phèo chỉ đơn thuần là câu chuyện về sự tha hóa, biến chất của con người.
Chính chi tiết này làm tỏa sáng chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao, khẳng định niềm tin bất diệt của ông vào sức sống kỳ diệu của nhân tính và sức mạnh lớn lao của tình yêu thương.
Chi tiết nghệ thuật còn tạo nên cách mở đầu hấp dẫn cho một tác phẩm truyện ngắn. Mở đầu truyện Chí Phèo của Nam Cao là tiếng chửi. Chi tiết tiếng chửi là một dụng công rất lớn của Nam Cao.
Cách chửi của nhân vật khá độc đáo: “Bắt đầu hắn chửi trời... Rồi hắn chửi đời... Chửi ngay tất cả làng Vũ Đại... chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn...”. Thoạt đầu Chí chửi vu vơ, sau đó thu hẹp dần đối tượng và cuối cùng bất ngờ chửi “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn...”.
Hắn chửi mà chính là gây sự và mục đích gây sự là hy vọng được ai đó chửi lại mình, tức là hắn khao khát được giao cảm với mọi người. Nhưng đau đớn thay, chửi từ xa đến gần, chửi từ chung chung đến cụ thể mà chẳng ai đáp lại, dân làng không đáp lại vì không muốn liên lụy, dính dáng (không muốn dây) với con quỷ dữ.
Nhưng không ai đáp lại cũng đồng nghĩa với việc không ai coi hắn là con người. “Chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu”, câu văn thấm đẫm sự xót xa, cay đắng. Tiếng chửi đã thể hiện tâm trạng bi phẫn, bất mãn, một trái tim đau đớn, vật vã, giằng xé, một tâm hồn tuyệt vọng khi bị xã hội khai trừ. Chi tiết này đã hé mở tình trạng bi đát của thân phận Chí Phèo.
***
Mở đầu truyện ngắn Mất cái ví của Nguyễn Công Hoan là chi tiết “ông Tham nhà ta hôm nay bị mất cái ví, trong đựng 40 đồng bạc” và “ông làm dữ lắm” khiến cho đám người ăn kẻ ở trong nhà sợ xanh mắt. Chi tiết này gắn với nhan đề câu chuyện là Mất cái ví, sẽ hướng người đọc vào việc tìm xem ai là người lấy trộm cái ví của ông Tham.
Tuy nhiên, truyện diễn biến theo chiều hướng, qua những kịch tính nhất định, ông Tham loại dần các đối tượng khả nghi, khiến cho ông cậu (Cụ) đang chơi nhà ông Tham phát bực lên vì oan ức, không lẽ thằng cháu dám nghi cho mình.
Rồi vì bực quá, cực chẳng đã Cụ phải lục quần áo, lộn hết các túi áo quần ra cho con cháu xem để khỏi bị nghi ngờ. Tuy nhiên, cách đó vẫn không ổn, qua cách hành xử, nhận thấy ông Tham cứ ám chỉ Cụ khiến Cụ bực quá tự ái bỏ về quê.
Khi đọc câu chuyện này lần đầu, tôi tin chắc nhiều người bất ngờ, bất ngờ vì cách hành xử của ông Tham khiến ông Cụ tự ái. Nhưng còn bất ngờ hơn gấp nhiều lần khi ông cụ bỏ ra về, rồi lặng lẽ ông Tham vứt bẹt cái ví lên mặt bàn trước sự ngạc nhiên của bà Tham. Chúng ta cùng đọc lại đoạn kết truyện:
“Một lát, bà Tham ra dáng ân hận, gắt với chồng:
- Chỉ tại cậu lơ đễnh, đánh mất ví tiền, nên mới sinh ra lắm cái rắc rối.
Ông Tham ung dung tủm tỉm đáp:
- Thì đã làm sao?
- Thế sao cậu lại ngờ cho ông làm vậy?
- Tôi vờ thế chứ ví đây này, có mất đếch đâu!
Vừa nói, ông móc trong túi quần, quẳng cái ví đánh bẹt xuống mặt phản. Bà Tham trố mắt nhìn chồng:
- Rõ khéo nhỉ, thế có phải là ông giận không?
- Mợ không hiểu. Tôi chỉ cốt làm thế để bận sau ông đừng ra chơi nữa. Tốn kém lắm!...”.
Thì ra việc kêu mất cái ví chỉ là cái cớ để ông Tham đuổi Cụ về. Chi tiết thật sự đắt giá, gây bất ngờ lớn cho độc giả; để lại dư âm về một sự xót xa đến khó tả khi nhân tính con người trong hoàn cảnh nhất định có thể bị băng hoại, tha hóa mà nhân vật ông Tham là một ví dụ tiêu biểu.
Nói đến tầm quan trọng của chi tiết, không thể phủ nhận vai trò của chi tiết trong việc xây dựng hình tượng nhân vật. Nhân vật là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tác phẩm tự sự, là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực, gửi gắm tư tưởng, tình cảm, quan niệm của mình về cuộc đời.
Nhân vật thường bộc lộ tính cách qua cử chỉ, ngôn ngữ, vẻ bề ngoài. Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao được miêu tả vẻ ngoài thật ấn tượng, dáng gầy gò, khuôn mặt nhiều nếp nhăn, rõ dáng vẻ người khắc khổ những năm đói kém.
|
Ẩn chứa trong hình hài nhỏ bé là tình yêu lớn lao dành cho con trai, vì con trai mà lão tằn tiện, sống kham khổ. Cho đến một ngày không thể tìm được cả những thứ bình thường như con ốc dưới ruộng, củ chuối trong vườn… thì lão đã tìm đến con đường cùng, lão chết để nhường sự sống cho con.
Tất cả các chi tiết đắt giá làm sống động thêm hình tượng nhân vật. Chi tiết lặp đi lặp lại câu “Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ!” cho thấy sự băn khoăn của một nhân cách. Bình thường, mấy ai hiểu được việc lặp đi lặp lại câu nói ấy, dễ thường người ta sẽ tưởng lão lẩm cẩm. Và chính người sáng suốt như ông giáo cũng có lúc nghĩ vậy.
Ai hay, ẩn sau đó là nỗi niềm băn khoăn rất lớn, là sự giằng xé nội tâm, vừa muốn giữ cậu Vàng bên cạnh, cậu như một kỷ vật để thấy mình được gần gũi với hy vọng ngày trở về đứa con trai yêu quý (vì phẫn chí do không đủ tiền cưới vợ) mà phải đi phu đồn điền.
Mặt khác, lão đã kiệt quệ về kinh tế, không nuôi nổi cậu Vàng nên bán là con đường duy nhất lúc này. Tiếp đó là chi tiết “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước” nói về lòng xót thương, về sự ăn năn khi nỡ “lừa cậu Vàng”, lão ân hận, lão đau khổ ra mặt khi thấy bản thân mình tệ quá, ngần này tuổi còn lừa một con chó, cứ như biết cậu Vàng oán trách mình bán nó đi.
Chi tiết Lão Hạc xin bả chó để mưu sự quyên sinh cũng gây bất ngờ cho nhiều người, trước hết là Binh Tư, kẻ chuyên trộm chó thì nghĩ lão cũng vậy, nghĩ đường cùng thì lão cũng ăn trộm chó như mình. Đâu ngờ, đó là cách duy nhất lão nghĩ ra để “Dọn dẹp quang quẻ con đường đi đến nhà mồ”, không phiền lụy ai, lại dành dụm được ít tiền cho con trai khi hắn trở về sau này, thêm chút “lưng vốn” để cưới vợ và có mảnh vườn làm kế sinh nhai.
Ai đã đọc tác phẩm hẳn đều thương và xót xa trước tình cảnh và cách hành xử của Lão Hạc và đều nhận thấy chi tiết là một trong những yếu tố quan trọng làm nên diện mạo và sức sống cho nhân vật trong truyện ngắn.
Maksim Gorky đã nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Chi tiết nghệ thuật trong mỗi truyện ngắn còn góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm. Có thể cảm nhận rõ rệt điều đó qua tác phẩm Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó của nhà văn Nam Cao.
Ở Một bữa no là cảnh bà cụ đói quá, ăn lấy ăn để, ăn trong sự khinh miệt của nhà giàu mà không biết, để rồi vì no quá bội thực mà chết. Ở tác phẩm Trẻ con không được ăn thịt chó là chi tiết trẻ con chưng hửng khi mẹ dọn mâm mà cha và các bác uống rượu với thịt chó xong, trên mâm chỉ còn toàn xương. Những chi tiết đó cho thấy sự tha hóa của nhân cách khi con người lâm vào bước đường cùng.
Tuy nhiên, trong con mắt ấm áp lương thiện của nhà văn Nam Cao thì những chi tiết đó đáng thương hơn là đáng lên án. Chi tiết đã làm nổi bật chủ đề của các tác phẩm và tư tưởng của nhà văn khi nhìn nhận tình cảnh khốn cùng của cuộc sống.