Truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã sử dụng nhiều phương thức linh hoạt để dẫn tới cái hài, tới tiếng cười của truyện. Cách gây cười của truyện ngắn Nam Bộ khá độc đáo, rất đặc trưng Nam Bộ vì cái hài ở đây đã được “Nam Bộ hóa”, trở nên gần gũi đời thường và “mềm” hơn so với các vùng miền khác.
Điều dễ dàng nhận thấy trước tiên là cách chọn đề tài phong phú, rất đời thường và mang tính thời sự rõ rệt (vì nhu cầu đăng báo lúc bấy giờ).
Các tác giả không tìm những đề tài xa lạ, cao xa mà lấy những đề tài gắn liền với đời sống thường ngày (thói hợm hĩnh của kẻ mới giàu, biểu hiện sự mất gốc, quên nguồn cội, chạy theo đồng tiền, thói trăng hoa, mê gái...).
Đó là phê phán những kẻ giàu mới nổi, mới biết mùi tanh của đồng tiền đã vội học làm sang, phú quý nửa mùa (Chủ nhà phong lưu – Toản).
Cách đặt tựa đề “Chủ nhà phong lưu” cũng gợi lên trí tò mò nơi độc giả. “Phong lưu” có nghĩa là sao? Họ “phong lưu” đến cỡ nào? Chắc hẳn bậc quyền quý cao sang mới có cuộc sống “phong lưu” được? Đọc xong mới ngã ngửa ra rằng: Đây là thứ “phong lưu” học đòi, kệch cỡm chứ đâu phải “phong lưu” thứ thiệt!
Đề tài phong phú, nóng hổi tính thời sự
Đề tài của truyện ngắn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 không kém phần nóng hổi lúc bấy giờ: Những tú tài, cử nhân, tấn sĩ du học ở Tây về nước. Chắc họ choáng ngợp trước nền “văn minh” của “mẫu quốc” nên trở nên tự ti, mặc cảm đối với sự lạc hậu, đói nghèo của quê hương. Những người đó chỉ biết riêng mình, không màng đến trách nhiệm của người con quê hương, đất nước.
Chất trào phúng trong truyện “Đồ hèn mạt” (Thúc Anh) được đẩy lên cao trào khi “tú tài” Cao Quốc Sĩ nhờ ông Lâm Trung Ngôn làm mai mối tìm vợ. Không biết việc học của ông “tú tài Tây” cỡ nào nhưng việc chọn lựa vợ thì phải là nhà giàu, lắm tiền nhiều của mới “xứng đáng” đồng tiền của anh ta bỏ ra đi du học.
Giờ đây, lấy vợ có nghĩa là lấy lại “vốn”, còn sau thì lời vì theo suy nghĩ thời thượng rằng “thời buổi kim tiền này có tiền là xong hết”! Mục đích hôn nhân đúng nghĩa không còn, thay vào đó là mục đích “đào mỏ” của những kẻ hèn mạt...
Đề tài về đồng tiền cũng được các tác giả “chăm chút” vì giữa “thời buổi kim tiền”, đồng tiền đã tác oai tác quái, gây ra những tai họa, những cảnh cười ra nước mắt cho con người.
Đồng tiền đã đổi trắng thay đen, “có tiền mua tiên cũng được” nên đã khiến cho Bạch Công Tử mất vợ và Hắc Công Tử trở thành kẻ phản bạn, cướp vợ bạn (Bạch Công Tử gặp Hắc Công Tử - Mộng Xuân).
Đồng tiền cũng làm cho con người thay tình đổi nghĩa trong truyện “Bà chủ nhà và tên sốp-phơ” (Vũ Văn Đang). Người xưa từng dạy “Đàn ông là nhà, đàn bà là cửa”, một cái nhà dù to lớn đến mấy nhưng cửa nẻo không tốt thì sẽ gặp nhiều rủi ro.
Ở câu chuyện này người chồng lo chí thú làm ăn, còn người vợ thì bài bạc, cặp bồ với tên sốp-phơ đáng tuổi con mình, dẫn tới cửa nhà tan nát...
Đề tài châm biếm những kẻ ham địa vị, ham giàu để tự đưa mình vào việc đã rồi, mua lấy tiếng cười chê cũng có khá nhiều truyện hài.
Chuyện “Cũng vì ham bằng cấp tú tài” (Thanh Nhàn) nằm trong mạch đề tài ấy. Đầu óc nhiễm nặng địa vị, bằng cấp, tiền lương cao đã làm cho gia đình cô Phi Tiễn mắc “quả lừa”. Họ lóa mắt trước những kẻ chỉ có cái vỏ bọc bề ngoài và khi việc đã rồi thì tự mắc cỡ với bản thân mình, cay đắng nhận ra thì đã muộn.
Song song đó, truyện “Giả thiệt là ai” (Trần Quang Nghiệp) đưa độc giả tới một tình huống khá nực cười. Cũng vì ham địa vị “ông này ông nọ” mà anh Lâm Hữu Vọng, tuy chỉ là một công nhân sắp chữ trong tòa báo nhưng tự xưng là chủ bút một tờ báo lớn! Bất ngờ chủ nhà giới thiệu vừa có ông “chủ nhiệm” báo ấy đang nằm nghỉ ở đây.
Tình huống vô cùng khó xử vì anh đã lỡ nhận mình là chủ bút, nếu gặp chủ nhiệm thì “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?”. Rất may là “Ông chủ nhiệm” cũng là một kẻ tự xưng như anh nên cuối cùng “huề cả làng”.
Bên cạnh đó là các đề tài phê phán những kẻ lừa đảo, lợi dụng lòng cả tin của người khác để trục lợi cá nhân (Ai muốn làm giàu – Trần Quang Nghiệp), Gặp người khách quý – Trần Quang Nghiệp); phê phán những kẻ vội quên quá khứ, sống trong ảo tưởng (Ăn mày trúng số - Trần Quang Nghiệp); tình huống éo le, trớ trêu của cuộc đời (Con của ai – Trần Quang Nghiệp).
Tất cả đều là những đề tài gần gũi đời thường nhưng các yếu tố, tình tiết bất ngờ đã tạo nên sức hấp dẫn riêng, sống động riêng của từng câu chuyện.
Cách nhập đề, dẫn truyện mang màu sắc dân gian nhưng hiện đại
Trần Quang Nghiệp - nhà văn Nam Bộ có nhiều tác phẩm giàu chất trào phúng |
Tiếp theo một phương thức quen mà lạ, lạ mà quen là cách nhập đề, dẫn truyện của truyện ngắn Nam Bộ. Có thể nói trong lĩnh vực trào phúng thì tác giả dân gian là bậc đại tài, bậc thầy trong cách nhập đề, dẫn truyện đầy kinh nghiệm.
Kế thừa nghệ thuật dẫn truyện, nhập đề của văn học dân gian, các tác giả truyện ngắn Nam Bộ đã hiện đại hóa, “mềm hóa” cách kể dân gian để phù hợp tính cách và sự tiếp nhận của độc giả Nam Bộ.
Cách nhập đề, dẫn truyện ở đây không rào trước đón sau mà đi ngay vào sự việc cần kể. Lối nhập đề trực diện này như cầu thủ đánh trực diện khu vực trước cầu môn và sút tung lưới đối phương!
Cách nhập đề này dễ hiểu, dễ nhận ra vấn đề và có sức cuốn hút ngay từ đầu. Trong truyện “Giả thiệt là ai?” (Trần Quang Nghiệp), tác giả đi ngay vào giới thiệu nhân vật chính “Anh Lâm Hữu Vọng là một người làm trong một tờ báo ở Sài Gòn”.
Hoặc nhập đề bằng những lời bình phẩm khá sinh động về sự việc; khiến câu chuyện sắp kể ra có tính định hướng ngay từ ban đầu: “Trừ ra mấy ông già răng long tóc bạc, lưng mõi gối dùn chớ mấy anh em trai tơ nhõ nhõ thì không có cái gì là qua con mắt của mấy ảnh được. Con mắt của mấy ảnh dẩu mang kiến đen, dầu mang kiến hay là không mang kiến chi nữa cũng là lợi hại lắm các chị à, cũng là thần tình lắm các cô ơi (...). Thế mà có một lần kia, cặp con mắt của thầy không còn được thần tình lợi hại nữa được.
Các chị muốn biết hảy lắng nghe tôi thuật lại chuyện này” (Gặp người gái đẹp – Trần Quang Nghiệp).
Cách nhập đề, dẫn truyện hết sức tự nhiên, như đang kể về câu chuyện người thật việc thật vừa xảy ra đâu đó quanh ta. Phải chăng sức hấp dẫn của truyện ngắn Nam Bộ bắt đầu từ những điều tưởng chừng đơn giản nhất?
Giọng điệu kể đa dạng, phong phú
Giọng điệu kể (giọng kể) là một trong những phương thức cần thiết của truyện ngắn để tăng sức lôi cuốn người đọc. Giọng điệu ở các truyện ngắn Nam Bộ thời kỳ này khá đa dạng, phong phú, tạo nên sự cuốn hút riêng.
Giọng kể của các tác giả thường giấu nén cảm xúc, thái độ của mình mà để tự thân sự việc bật ra vấn đề. Người kể rất tỉnh, cứ như không và không chen cảm xúc chủ quan vào tình huống truyện và để mạch chuyện dẫn dắt độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Vì vậy, cái cười tự bật ra từ các hành động, cử chỉ, tâm lý, ngôn ngữ của nhân vật.
Tác giả miêu tả sự vật, sự việc một cách khách quan, đóng vai người chứng kiến và chỉ là người ghi chép lại. Khi miêu tả tâm trạng của anh Lâm Hữu Vọng – người đã “lỡ” tự nhận mình là “chủ bút báo Viễn Đông” sắp sửa xáp mặt “ông chủ nhiệm báo Viễn Đông”, tác giả viết; “Bây giờ ngồi trong nhà ấy, trên ghế ấy là ngồi trên chông gai, ngó ông chủ nhiệm và ông chủ nhà là ngó ma ngó quỷ, trong bụng không yên đặng một chút nào; ý anh muốn kiếu mà lui ra nhưng cái xe sữa chưa xong, còn nằm chình ình ở đó mãi” (Giả thiệt là ai? - Trần Quang Nghiệp).
Hoặc câu chuyện mất cái giò vịt tiềm giữa ông chủ và đầu bếp trong truyện “Vịt một cẳng” (P. Hòa).
Qua câu đối đáp, chúng ta thấy những lời chống chế tinh quái, ranh mãnh kiểu “vụng chèo khéo chống” của đầu bếp: “Đầu bếp mở cửa chuồng và chỉ cho mấy ông coi con vịt nào cũng một giò hết (cái nòi vịt khi ngủ thì rút lên một cẳng) ông chủ không tin mới vỗ tay lộp bộp, vịt liền ló cẳng ra mà chạy, ông chủ chỉ cho đầu bếp coi và đầu bếp thưa lại rằng: Phải chi hồi nảy trong việc ông cũng vỗ tay như vậy, ắt con vịt tiềm sẽ ló cẳng kia ra”.
Giọng điệu kể khá kín kẽ, không để lộ mạch truyện, không để độc giả xem phần đầu mà phán đoán kết cục ở phần cuối câu chuyện. Như vậy đâu còn tính hấp dẫn, tính bất ngờ của truyện. Nếu như vậy sẽ không còn gây ra tiếng cười sảng khoái nơi độc giả.
Do đó, dung lượng truyện ngắn (đúng như tên gọi thể loại) thường ngắn gọn, có sức dồn nén cao. Nghệ thuật thắt nút và mở nút đúng, tạo nên sự vỡ òa vào lúc cao trào của câu chuyện.
Dung lượng truyện ngắn Nam Bộ thường không quá một nghìn chữ nên dễ theo dõi, vừa sức đọc, sức tiếp nhận của độc giả (Truyện “Chủ nhà phong lưu” có 534 chữ; truyện “Giả thiệt là ai?” có 694 chữ; truyện “Gặp người gái đẹp” có 874 chữ và một số truyện khác cũng nằm trong khoản này...).
Ngôn ngữ truyện đậm chất Nam Bộ
Một yếu tố quan trọng không thể không khảo sát là ngôn ngữ truyện. Ngôn ngữ truyện là linh hồn sống của truyện. Nếu thiếu yếu tố ngôn ngữ truyện thì văn bản chỉ là bộ xương khô của xác chữ.
Ngôn ngữ truyện ngắn Nam Bộ đậm đà chất Nam Bộ, rất hồn nhiên dân dã và mang ý nghĩa sâu xa. Ngôn ngữ truyện ở đây bao gồm lời kể, lời dẫn của tác giả và các sắc thái, cung bậc của ngôn ngữ nhân vật. Con người Nam Bộ thiệt thà thì ngôn ngữ cũng thiệt thà, có sao nói vậy như trong cuộc sống đời thường.
Cái cười, cái hài nhờ ngôn ngữ truyện chuyển tải, có khi tác giả phải giấu kín tình tiết, chờ dịp đến đỉnh điểm là bùng cháy, thắp sáng tính cách nhân vật.
Ngôn ngữ truyện ngắn Nam Bộ thời kỳ này nhiều lúc mang hơi hướng ngôn ngữ truyện dân gian. Vì sao có hiện tượng như vậy? Bởi các tầng lớp độc giả đương thời ngoài nhu cầu đọc còn có nhu cầu nghe – kể.
Ngôn ngữ truyện ngắn rất bình dân vì đối tượng đa phần là người lao động nên ngôn ngữ thường dễ hiểu, đều gần gũi với độc giả gần xa... Chất trào phúng được nâng lên tầm nghệ thuật mới từ những tiếng cười truyền miệng của con cháu bác Ba Phi.
Rõ ràng đây không là thứ ngôn ngữ “nhà quê” như một số người lầm tưởng. Phải đặt truyện ngắn Nam Bộ vào thời điểm lịch sử, xã hội cụ thể thì mới nhìn nhận, đánh giá thỏa đáng vấn đề.
Việc đưa ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ cuộc sống vào văn học, nâng lên tầm nghệ thuật là một thành công của truyện ngắn Nam Bộ giai đoạn này. Hơn nữa, ngôn ngữ hài đâu dễ dàng mà phải sống, phải dụng công, kết hợp nhiều yếu tố mới tạo ra tiếng cười nơi độc giả.
Chẳng hạn, khi miêu tả thầy Mười Trung sau khi bị “người đẹp” đánh túi bụi:
“Bây giờ thầy mới hiểu tại mình nhận bướng nên người ta mới đánh lầm. Bụng làm dạ chịu, lượm kết xẻn lẻn lên xe kéo mà về, không nói gì được một tiếng. Lên xe cũng còn thở dốc, thầm nghĩ công việc tại mình, cũng ngở là mượn lấy danh thơm của người để hưởng chút phấn hương, chẳng dè lại phải mang nhục giùm thằng cha viết báo. Một lần như vậy, sau khá nên chừa” (Gặp người gái đẹp – Trần Quang Nghiệp).
Bên cạnh đó, cách nói, cách nghĩ của người dân Nam Bộ được các tác giả đưa vào một cách nhuần nhị, tự nhiên: Xung xăng, phì phà, ngồi dốc vích lên, thiệt tình mà thành ra chơi ác, bộ tướng ổng bơ thơ lợt lạt, xề lại (Giả thiệt là ai – Trần Quang Nghiệp); cà rà, mừng cúm, mừng húm, tốn của hao tài, tuổi chất đầy đầu (Gặp người khách quý – Trần Quang Nghiệp); hai ông bà này lại kẻ trâu trắng, người trâu đen; kèn xuôi sáo ngược, lằm rằm, hun lia hun lịa (Đốt lịch – Bình Trọng); văng kết xù đầu, bàu nhàu quần áo, xẻn lẻn, làm bướng nhận càn, bạo gan (Gặp người gái đẹp – Trần Quang Nghiệp)...
Tóm lại, ngôn ngữ truyện ngắn Nam Bộ chất chứa sắc màu Nam Bộ, đầy sắc thái biểu cảm, lột tả khá sâu sắc tính cách nhân vật. Chính yếu tố này đã tạo nên dáng vẻ riêng cho truyện ngắn Nam Bộ và dáng vẻ riêng về chất trào phúng trong truyện ngắn Nam Bộ.
-----------------
Tài liệu tham khảo:
-Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20 - Tập 1 - Cao Xuân Mỹ sưu tầm, Mai Quốc Liên giới thiệu - NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh &Trung tâm nghiên cứu quốc học, 1999.
- Trần Quang Nghiệp, cuộc đời và tác phẩm - TS Cao Xuân Mỹ - Th.S Phạm Thị Phương Linh (sưu tầm, biên soạn) - NXB Văn học, 2012.