Bởi vậy, nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của ông trong việc phát triển bom nguyên tử trong Đại chiến thế chiến Hai.
Lời cảnh báo
Vào những năm 1920, khi sống ở Berlin (Đức), Einstein đã cùng với trợ lý người Hungary, Leo Szilárd, nghiên cứu chế tạo và xin cấp bằng sáng chế cho một chiếc tủ lạnh tiết kiệm năng lượng.
Mặc dù sản phẩm của họ chưa bao giờ được tung ra thị trường, nhưng sự hợp tác này có liên quan đến việc thúc đẩy Einstein, một người theo chủ nghĩa hòa bình, vào cuộc chạy đua chế tạo bom nguyên tử trong Thế chiến thứ Hai.
Năm 1933, thời điểm Adolf Hitler trở thành thủ tướng Đức, Szilárd đã phát hiện phản ứng dây chuyền hạt nhân, quá trình giải phóng năng lượng bị khóa trong nguyên tử để tạo ra những vụ nổ lớn.
Cho đến năm 1939, ông tin rằng các nhà khoa học Đức có thể đang sử dụng những thành tựu khoa học hiện tại để phát triển vũ khí nguyên tử. Ông tìm cách liên lạc với đồng nghiệp một thời của mình - khi đó đã là nhà khoa học nổi tiếng nhất thế giới để nhờ cảnh báo Tổng thống Hoa Kỳ, Franklin Delano Roosevelt, về vấn đề này.
Sau đó, Szilárd cùng với hai nhà vật lý người Hungary tị nạn, Edward Teller và Eugene Wigner đến gặp Einstein ở New York. Khi họ nói với ông về khả năng xảy ra phản ứng dây chuyền hạt nhân, Einstein đã bị sốc trước mối nguy hiểm do thuyết tương đối đặc biệt năm 1905 của ông góp phần.
Szilard và Einstein gặp nhau lần thứ hai ba tuần sau đó, thảo luận về cách liên lạc với Tổng thống Roosevelt và bàn bạc viết một trong những bức thư mang tính lịch sử, có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.
Nội dung thư cảnh báo về những gì có thể xảy ra nếu các nhà khoa học Đức Quốc xã phát triển được bom nguyên tử. “Một phản ứng dây chuyền hạt nhân có thể đạt được trong tương lai gần”, ông viết, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về “loại bom cực mạnh thuộc loại mới” và khuyên Roosevelt nên tài trợ cho một sáng kiến nghiên cứu năng lượng nguyên tử. Đây là văn bản nổi tiếng được biết đến với tên gọi “bức thư Einstein-Szilard” mà nhiều người xem là động lực chính thúc đẩy Hoa Kỳ phát triển bom nguyên tử.
Dự án manhattan
Roosevelt đã nghiêm túc xem xét cảnh báo của các nhà khoa học. Vào ngày 21 tháng 10 năm 1939, hai tháng sau khi nhận được lá thư và chỉ vài ngày sau khi Đức xâm chiếm Ba Lan, Ủy ban cố vấn về uranium do Roosevelt ra quyết định thành lập đã họp lần đầu tiên. Đây là tiền thân của Dự án Manhattan, dự án tối mật của chính phủ đã phát triển bom nguyên tử sau này.
Lúc đó, ủy ban chỉ được cấp 6.000 USD tài trợ, vì vậy Einstein tiếp tục viết thư cho tổng thống, với sự hỗ trợ của Szilárd, người đã chấp bút phần lớn các bức thư. Một lá thư khác thậm chí còn cảnh báo rằng, Szilárd sẽ công bố những phát hiện hạt nhân quan trọng trên một tạp chí khoa học, nếu sáng kiến trên không được tài trợ tốt hơn.
Bằng cách này, Einstein đã giúp hình thành Dự án Manhattan nhưng “sự tham gia thực sự của ông ấy rất nhỏ”. Hồ sơ của FBI về nhà khoa học thẳng thắn - người công khai chỉ trích tệ phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa tư bản và chiến tranh - dài tới hơn 1.800 trang, trong đó có đề cập đến lý lịch cấp tiến của Einstein và đề nghị không tuyển dụng ông tham gia các dự án có tính chất bí mật”.
Albert Einstein và nhà vật lý Leo Szilárd (phải). |
Sự ân hận của nhà khoa học
Thực sự, Einstein chưa bao giờ nhận được giấy phép an ninh để làm việc trong Dự án Manhattan, thậm chí các nhà khoa học trong dự án còn bị cấm tham khảo ý kiến của Einstein vì ông được cho là có nguy cơ tiềm ẩn về an ninh. Tuy nhiên, tên tuổi của ông mãi mãi gắn liền với thứ vũ khí ra đời từ khám phá vĩ đại nhất của ông.
Einstein bị suy sụp bởi tin tức về vụ đánh bom ở Hiroshima - và bị sốc bởi một trang bìa của tạp chí TIME vào năm 1946 thể hiện ông đứng trước một đám mây hình nấm được trang trí bằng phương trình nổi tiếng của ông.
Mặc dù Einstein đã cố gắng cảnh báo thế giới về mối nguy hiểm của việc phổ biến vũ khí hạt nhân trong suốt quãng đời còn lại, nhưng ông vẫn bị dằn vặt về những hậu quả chết người do sáng tạo khoa học của mình.
Năm 1954, một năm trước khi qua đời, Einstein đã đề cập vấn đề này trong một bức thư gửi cho bạn mình, nhà hóa học Linus Pauling. Mặc dù viện dẫn nỗi sợ hãi về việc Đức phát triển bom như một lời biện minh, ông vẫn mô tả bức thư gửi cho TT Roosevelt là “một sai lầm lớn trong đời tôi”.
Là một người theo chủ nghĩa hòa bình, thù ghét chiến tranh, Albert Einstein đã vô cùng hối hận về vai trò của mình trong việc phát triển bom nguyên tử. Sau này, ông bày tỏ: “Nếu biết người Đức không thành công trong việc phát triển bom nguyên tử thì tôi đã chẳng làm gì cả. Sự tham gia của tôi vào việc sản xuất loại vũ khí này chỉ bao gồm một hành động duy nhất: Ký một bức thư gửi Tổng thống Roosevelt”.