Xung khắc với Liên Hợp Quốc

GD&TĐ - Quốc hội Israel vừa thông qua hai bộ luật liên quan đến hoạt động của một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc về cứu trợ người Palestine ở khu vực Cận Đông.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Quốc hội Israel vừa thông qua hai bộ luật liên quan đến hoạt động của một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) về cứu trợ người Palestine ở khu vực Cận Đông. Tổ chức này được Đại hội đồng LHQ thành lập năm 1949 với tên gọi chính thức là United Nations Relief and Works Agency for Palestine Refugees in the Near East (UNRWA). Sứ mệnh của UNRWA là trợ giúp người Palestine bị đuổi ra khỏi phạm vi lãnh thổ Israel sau khi nhà nước này được thành lập.

Ở Dải Gaza và khu Bờ Tây sông Jordan, UNRWA thành lập và vận hành các trường học và bệnh viện, thực thi nhiều sứ mệnh nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp. Hai bộ luật mới của Israel cấm UNRWA hoạt động trên lãnh thổ nước này và có mối quan hệ với các cơ quan công quyền của Israel.

Vấn đề ở chỗ, Israel kiểm soát tất cả các cửa khẩu ra vào Dải Gaza và khu Bờ Tây, nên nếu không hiện diện trên lãnh thổ Israel và có quan hệ làm việc với các cơ quan công quyền ở Israel thì UNRWA không thể thực thi được sứ mệnh lịch sử được LHQ giao phó.

Người dân ở Dải Gaza đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, bị đe doạ thiếu đói và an toàn. Hai bộ luật nói trên của Israel nhằm vào UNRWA nhưng người Palestine ở Dải Gaza và khu vực Bờ Tây phải gánh chịu hậu quả trước hết, nhiều và tệ hại nhất.

Cho dù, biện minh bằng lập luận UNRWA đã để một số phần tử khủng bố xâm nhập và hoạt động chống lại nước này mà không đưa ra được bằng chứng xác thực rõ ràng, hành động mới của Israel là bộ phận của cả một quá trình họ xung khắc với LHQ.

Mối bất hoà dai dẳng giữa Israel và LHQ nhiều thập kỷ nay và giờ đạt tới đỉnh điểm mới. Trước khi cấm UNRWA hoạt động, Israel đã cấm cửa Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, và đã vài lần không kích nhằm vào lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ ở Lebanon.

Rất nhiều quốc gia thành viên LHQ, trong đó có khối Phương Tây ở châu Âu vốn luôn là những đồng minh chiến lược của Israel nhiều lần thể hiện thái độ lên án và phản đối hành động của Israel, nhìn nhận đấy là hành vi bất chấp và vi phạm luật pháp quốc tế. Bộ trưởng ngoại giao Anh David Lammy đã đề nghị LHQ có biện pháp trừng phạt các chính trị gia Israel.

Israel duy trì quan điểm như thế đối với LHQ và luật pháp quốc tế bởi dựa vào ưu thế quân sự hiện có ở khu vực Trung Đông và trong mọi trường hợp đều vẫn luôn có thể tin vào sự chống lưng của Mỹ, hay nói cho đúng hơn là luôn có thể chắc chắn được rằng Mỹ không thể và không dám buông bỏ Israel, không để cho LHQ trừng phạt và càng không để cho Israel bị trục xuất ra khỏi LHQ.

Israel từ khi lập quốc đến nay đã luôn rất thành công trong việc biến Mỹ và các đồng minh Phương Tây trở thành con tin trong mối quan hệ với LHQ và trong việc Israel tuân thủ hay không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Cuộc chiến tranh hiện tại với Hamas và Hezbollah cũng như cuộc đối địch với Iran không gây ra cuộc xung khắc giữa Israel và LHQ mà đẩy nó lên đỉnh điểm quyết liệt mới. LHQ giờ phải tìm kiếm giải pháp và chính sách mới để người Palestine ở Dải Gaza và khu Bờ Tây được tiếp tục cứu trợ, để luật pháp quốc tế được tôn trọng và thực thi, để chiến tranh và xung khắc sớm chấm dứt ở khu vực Trung Đông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các cô giáo tại Trung tâm Giáo dục đặc biệt Khánh Tâm hướng dẫn hoạt động thu hút, lôi cuốn các bạn nhỏ khám phá sau giờ học can thiệp.

Chuyện ở lớp học đặc biệt

GD&TĐ - Không giống như những bạn bè đồng trang lứa, các em tại lớp giáo dục đặc biệt cần đến sự quan tâm và hỗ trợ tỉ mỉ để phát triển toàn diện.

Chính sách nghiêm ngặt ảnh hưởng đến du học sinh tại Australia.

Thị thực du học Australia giảm gần 40%

GD&TĐ - Số lượng thị thực du học tại Australia được chấp thuận đã giảm 38% trong một năm qua do các chính sách di trú nghiêm ngặt nhằm hạn chế nhập cư.