Vạch trần các thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua bán người

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 30/7 tại Sơn La, Bộ Quốc phòng đã tổ chức tọa đàm 'Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người'. Đây là hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7).

Bộ đội Biên phòng nỗ lực với 'cuộc chiến' phòng, chống tội phạm mua bán người
Bộ đội Biên phòng nỗ lực với 'cuộc chiến' phòng, chống tội phạm mua bán người

Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp

Tại tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: Những năm qua, hoạt động của tội phạm mua bán người ở Việt Nam nói chung, ở khu vực biên giới nói riêng diễn biến phức tạp. Thành phần đối tượng phạm tội đa dạng. Cùng đó có sự câu kết, móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước, hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi...

Gần đây, nổi lên hoạt động của các đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài câu kết với đối tượng ở trong nước, sử dụng “chiêu bài” quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ lương cao”; sau đó đưa ra nước ngoài, bị ép buộc làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến hoặc lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu ở mức cao sẽ bị đánh đập, giam giữ; số lao động này muốn trở về Việt Nam thì bị bắt ký giấy vay nợ, đòi tiền chuộc….

Tình hình mua bán người trong nước cũng diễn biến phức tạp, nổi lên là hoạt động lừa gạt, cưỡng bức lao động trên biển tại các tỉnh tuyến biển phía Nam, nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu và mua bán người để ép hoạt động mại dâm trong các cơ sở giải trí trá hình…

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu tại tọa đàm.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu tại tọa đàm.

Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng cho hay: Hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Sơn La tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các trường hợp vắng mặt ở địa bàn, các trường hợp được phối hợp giải cứu có chiều hướng gia tăng, với nhiều lứa tuổi từ 15 -30 tuổi ở xã bản vùng sâu, vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La (có trường hợp đang là học sinh, sinh viên);

Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp... chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài…

Mặt khác, do dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới để hạn chế lây lan dịch bệnh vì thế, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn. Do đó các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân lên sát biên giới để bán ra nước ngoài với mục đích bóc lột sức lao động, mại dâm...

Gần đây, phát hiện nhiều trường hợp nạn nhân đi làm thuê tại các tỉnh miền xuôi, tuy nhiên bị lừa bán qua biên giới để bóc lột sức lao động…

Hà Giang là một trong những địa phương có hoạt động tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp nhất trên tuyến biên giới phía Bắc. Đại tá Hoàng Anh Đức, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Giang cho biết các đối tượng ở 2 bên biên giới câu kết với nhau hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Chúng lợi dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, WeChat…) hoặc thông qua các mối quan hệ xã hội để tiếp cận, làm quen, hứa hẹn đưa nạn nhân sang bên kia biên giới làm thuê với thu nhập cao hoặc lấy chồng giàu có… nhưng thực chất là lừa nạn nhân để bán.

“Đa phần các nạn nhân của vụ án mua bán người sau khi bị các đối tượng đưa ra nước ngoài mới biết mình bị lừa bán. Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ các dân tộc thiểu số (Mông), độ tuổi từ 16 -30 tuổi, có trình độ nhận thức còn hạn chế dễ bị các đối tượng lừa gạt, dụ dỗ...”, Đại tá Hoàng Anh Đức chỉ ra.

Nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề tội phạm mua bán người.

Nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề tội phạm mua bán người.

Quyết liệt phòng, chống

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động tội phạm mua bán người, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương vào cuộc quyết liệt trong phòng, chống mua bán người; các nội dung, giải pháp rất toàn diện, khả thi đã được quy định trong Chương trình Phòng chống mua bán người từng giai đoạn của Chính phủ, nhất là giai đoạn 2021 - 2025.

Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn - Phó Chính ủy Quân khu 2 cho hay Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 luôn xác định công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, tiến hành nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo 1389 được thành lập từ cấp Quân khu đến các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. Ban chỉ đạo 1389 các cấp cũng thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị biện pháp đấu tranh, phòng ngừa vi phạm kỷ luật, pháp luật có hiệu quả.

Bộ Tư lệnh Quân khu 2 thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, văn bản hướng dẫn của trên về nội dung chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, Luật Phòng, chống mua bán người…

Thượng tá Bàn Văn Chanh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Sơn La cho biết BĐBP tỉnh Sơn La đã và đang thực hiện tốt một số nội dung quan trọng như: Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và các tổ chức xã hội tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống mua bán người cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là tại các khu vực trọng điểm xảy ra mua bán người; lồng ghép nội dung thực hiện chương trình phòng chống mua bán người vào các cuộc vận động tại các xã, bản biên giới.

Phối hợp với Phòng GD&ĐT các huyện, các trường học đóng chân trên địa bàn xã biên giới tổ chức tuyên truyền, mở các cuộc thi tìm hiểu về phòng chống mua bán người nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh nhất là học sinh nữ người dân tộc thiểu số…

Phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện biên giới xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đẩy mạnh các chương trình, phong trào, cuộc vận động giúp nhân dân, tạo công ăn việc làm ổn định cho quần chúng nhân dân khu vực biên giới…

Cùng đó làm tốt công tác trao đổi tin tức tình hình, phối hợp giữa các lực lượng chức năng; quản lý, chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về lưu trú, massage, karaoke... dễ nảy sinh hoạt động MBN trên địa bàn khu vực biên giới…

Nhiều phụ nữ, học sinh dân tộc thiểu số trở thành đối tượng của tội phạm mua bán người (Ảnh minh họa).

Nhiều phụ nữ, học sinh dân tộc thiểu số trở thành đối tượng của tội phạm mua bán người (Ảnh minh họa).

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP khẳng định, công tác phòng chống mua bán người đã được nâng cao, cả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 77 vụ/42 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận 118 nạn nhân. Riêng 7/2022, các đơn vị đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 15 vụ/8 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận 33 nạn nhân.

Điển hình: Chuyên án GL622/BĐBP Gia Lai triệt phá đường dây mua bán người giải cứu 7 nạn. Chuyên án HP722/BĐBP Hải Phòng triệt phá đường dây mua bán người nhằm bóc lột tình dục trong các cơ sở giải trí trá hình; kịp thời giải cứu 2 nạn nhân đang bị các đối tượng trên đường đưa đi nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng…

Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện cũng cho rằng kết công tác phòng chống mua bán người quả vẫn chưa tương xứng với tình hình bởi một số nguyên nhân như: Pháp luật Việt Nam chưa tương thích với luật pháp quốc tế về khái niệm “Mua bán người”, xác định độ tuổi nạn nhân là trẻ em và các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Việc phát hiện và triệt phá tận gốc các đường dây mua bán người gặp khó khăn do đối tượng, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội cả trong và ngoài nước, các đối tượng cầm đầu thường không lộ diện chủ yếu dùng điện thoại, mạng xã hội để chỉ đạo, điều hành. Đối tượng đưa dẫn chủ yếu là dân bản địa, rất thông thạo địa bàn, nắm được quy luật hoạt động của lực lượng chức năng, có kinh nghiệm lợi dụng địa hình hiểm trở để đưa nạn nhân qua biên giới.

Về công tác điều tra tội phạm và giải cứu nạn nhân người Việt Nam ở nước ngoài cũng gặp trở ngại nhất định do quy định pháp luật của nước sở tại; một số nạn nhân bị khai khống tuổi, làm giả hồ sơ.

Việt Nam nằm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nên chịu tác động lớn từ vấn nạn này. Cùng đó, nước ta có cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu tìm kiếm việc làm ngày càng tăng trong khi nhận thức của một bộ phận người dân khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế nên dễ trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người.

Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”.

Ở Việt Nam, tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ