Bên cạnh đó, thông tin về “sự mất an toàn của vắc xin” cũng khiến dư luận thế giới nhiễu loạn.
Cấy “microchip theo dõi”
Những tin tức về các loại vắc-xin có hiệu quả ngừa Covid-19 trên 94% trong giai đoạn 3 thử nghiệm đã dẫn đến một loạt tin đồn chống vắc-xin trên mạng xã hội. Ví dụ tin tức giả về âm mưu dùng vắc-xin để “bí mật cấy microchip vào cơ thể”, để “thiết kế lại mã di truyền” và “vắc-xin không hề an toàn như quảng bá”.
Nhà sáng lập Microsoft, tỉ phú Bill Gates cũng là “nạn nhân” của nhiều tin đồn giả liên quan đến vắc-xin và đại dịch. Có vẻ ông bị tấn công vì công việc từ thiện trong lĩnh vực y tế cộng đồng và phát triển vắc-xin.
Một video ngắn trên TikTok bị mạng xã hội này gán nhãn “tin giả” cho thấy, một phụ nữ đau đớn sau khi được tiêm vắc-xin, bên dưới kèm dòng chữ “CHIP IMPLANTED” (đã được cấy chip) và “Mark of the Beast” (dấu ấn của con thú).
Tin giả được chia sẻ lại nhiều nhất trong tuần giữa tháng 11 (dù đã xuất hiện từ đầu năm) sau khi công ty Pfizer tuyên bố vắc-xin của họ đã thành công, có nội dung đáng sợ: “Đại dịch Coronavirus nằm trong kế hoạch bí mật đưa các microchip truy vết vào cơ thể mà Gates là kẻ chủ mưu”. Không có chứng cứ cho tin giả này và Hội Bill and Melinda Gates Foundation khẳng định với báo chí “tin này hoàn toàn giả”.
Tuy nhiên, bất chấp việc thiếu bằng chứng, cuộc thăm dò cách nay vài tháng của YouGov trên 1.640 người cho thấy có đến 28% người Mỹ tin Gates đứng sau âm mưu này (44% người ủng hộ đảng Cộng hoà tin như thế).
Trên mạng xã hội cũng phát tán một bức ảnh Bill Gates với dòng chữ: “Quá đơn giản! Chúng tôi (Gates) đã sửa đổi DNA của bạn thông qua việc tiêm vắc-xin, cấy vào bạn một con chip và tạo ra một xã hội không dùng tiền mặt khi tất cả tiền được đưa vào con chip. Sau đó, bạn cần làm chính xác những gì bạn được bảo phải làm; nếu không, chúng tôi tắt chip của bạn và bạn sẽ chết đói cho đến khi bạn chịu nghe lời trở lại”. Bức ảnh này cũng được dán nhãn “Tin giả!”.
Bí mật sửa đổi mã di truyền
Nỗi sợ vắc-xin sẽ âm thầm thay đổi DNA của người tiêm là một tin giả khác được phát tán thường xuyên trên Facebook. Mới đây, một phóng viên Nhà trắng làm việc cho trang web thân Trump Newsmax đã cảnh báo với 264.000 người theo mình trên Twitter là “Hãy cảnh giác (beware) với vắc-xin do Pfizer/BioNTech hợp tác phát triển!”.
Cụ thể, Emerald Robinson khẳng định trên một dòng tweet: “Vắc-xin của họ sẽ chiếm hữu DNA của bạn!”. BBC đã hỏi 3 nhà khoa học độc lập về sự chính xác thông tin này và tất cả đều khẳng định: “Cũng như các vắc-xin khác, vắc-xin Coronavirus không thể thay đổi DNA con người. Những người phát tán tin giả không có chút hiểu biết cơ bản nào về di truyền học”.
Giáo sư Jeffrey Almond thuộc Đại học Oxford giải thích: “Vắc-xin chừa một phần vật liệu di truyền của virus (RNA).
Tiêm RNA vào người tuyệt đối không ảnh hưởng bất cứ thứ gì có trong DNA tế bào người” – Phát ngôn viên Pfizer, ông Andrew Widger cũng khẳng định vắc-xin của công ty không gây hệ quả gì cho DNA người mà chỉ “chỉ dẫn cho cơ thể cách tăng cường hệ miễn dịch để đủ sức chống lại virus”.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên chúng ta nghe thông tin sai về vắc-xin Coronavirus sẽ thay đổi DNA mà tin giả này đã lan rộng từ tháng 5 đến nay. Nhưng cũng phải nói, “đóng góp” vào sự “hiểu lầm” và tạo nên tin giả về DNA chính là loại vắc-xin vừa phát triển thành công của Pfizer/BioNTech, dùng công nghệ “messenger” RNA” hay “mRNA”.
Công nghệ này làm việc bằng cách cho cơ thể những chỉ dẫn để sản xuất một loại protein bám vào các spike (gai nhọn) trên bề mặt
Coronavirus. Nhờ đó, hệ miễn dịch mới phát hiện ra virus và sản xuất các kháng thể chống lại nó.
Tweet của Robinson khẳng định: “Công nghệ mRNA phát triển vắc-xin của Pfizer/BioNTech chưa hề được thử nghiệm hay chấp nhận trước đó!”. Nhưng ông ta chỉ đúng “phân nửa”, vì trên thực tế đã có một số nghiên cứu bào chế vắc xin cho người dùng công nghệ mRNA trong vài năm trở lại đây.
Nhiều tin giả về độ an toàn
GS Almond nói: “Tuy nhiên, vắc-xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech là vắc-xin đầu tiên đạt đủ mức hiệu quả để xin cơ quan quản lý dược phẩm chuẩn nhận. Công nghệ mới không đồng nghĩa với việc chúng ta phải sợ nó vì vắc-xin đã trải qua đầy đủ quá trình thử nghiệm mới được cấp phép sử dụng đại trà.
Ngoài ra, việc kiểm tra độ an toàn vẫn tiếp tục sau đó”. Claire Wardle, tác giả của một báo cáo mới về “những bí ẩn” của vắc-xin nói: “Hiện có tình trạng thiếu thông tin về các thắc mắc chung quanh công nghệ còn khá mới mẻ mRNA trong khi người dân cần có thêm thông tin hơn nữa về nó”.
Bà Wardle, Giám đốc Điều hành của tổ chức phi lợi nhuận First Draft chuyên vạch trần các thông tin sai trái bổ sung: “Thiếu thông tin đã dẫn đến việc những kẻ tôn sùng thuyết âm mưu tìm cách lấp đầy lỗ hổng bằng những thông tin sai lệch dẫn đến mất lòng tin của công chúng vào vắc-xin mới”.
Tiến sĩ Penny Ward, Giáo sư dược tại King’s College London (Anh) cho rằng: “Giống như tất cả các vắc-xin đang lưu hành, kể cả vắc-xin cúm mùa, vắc-xin Covid-19 cũng gây ra phản ứng phụ trong ngắn hạn, kể cả đau chỗ tiêm, sốt, đau nhức cơ bắp, nhức đầu và mệt mỏi. Nhưng chúng sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày hoặc sau khi dùng paracetamol và ibuprofen”.