Các công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19

GD&TĐ - Để sản xuất vắc-xin Covid-19, mỗi hãng sử dụng một loại công nghệ khác nhau, với những ưu điểm và nhược điểm khác nhau.

Các công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19

Các hãng nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19 ở Việt Nam cũng lựa chọn những công nghệ dễ thương mại hóa nhất. 

Công nghệ trên thế giới

Thế giới đang sử dụng 4 công nghệ sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19, gồm sử dụng virus bất hoạt, ARN, virus sống và công nghệ tái tổ hợp. Vắc-xin Sputnik V được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga, vắc-xin

Sputnik V sử dụng 2 loại virus gây cảm cúm phổ biến là các chủng Adeno 5 và Adeno 26 để mô phỏng protein đột biến của virus Corona trong cơ thể người. Dựa trên dữ liệu thu thập được từ các tình nguyện viên sau 28 ngày tiêm liều vắc-xin thứ nhất, và 7 ngày sau khi tiêm liều thứ hai, hiệu quả của Sputnik V đạt tỷ lệ 91,4%.

Trong khi đó, Pfizer và đối tác BioNTech, công ty có trụ sở tại Đức, đã có cách tiếp cận mới trong việc sản xuất vắc-xin. Các nhà nghiên cứu BioNTech điều chế vắc-xin bằng cách sử dụng các đoạn mã RNA thông tin (mRNA) hình thành nên protein đột biến trên bề mặt của virus Corona.

Đối với vắc-xin do Pfizer điều chế, mRNA hướng dẫn các tế bào trong cơ thể tạo ra một đoạn protein đột biến giống của virus Corona. Hệ thống miễn dịch nhờ đó phát hiện đây là thành phần ngoại lai, và đề kháng với chúng trong trường hợp virus Corona xâm nhập vào cơ thể.

Vắc-xin điều chế từ mRNA có một nhược điểm là do được cấu tạo từ các phân tử nanolipit – thành phần có bề mặt rất mỏng và dễ tan chảy ở nhiệt độ thông thường, nên chúng chỉ có thể được bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh, khoảng -75 độ C. Điều này đồng nghĩa với việc phải có một kho chứa đủ lạnh để bảo quản và vận chuyển loại vắc-xin này.

Vắc-xin của AstraZeneca, được điều chế bởi một nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh), sử dụng loại virus cảm cúm thông thường Adeno để mang protein đột biến từ virus Corona vào tế bào cơ thể người.

Loại này giúp cơ thể người “tự sản xuất vắc-xin” bằng cách tạo ra các bản sao protein đột biến của virus Corona. Virus adeno đã được sửa đổi để không thể tự tái tạo, và được biến đổi gene để có protein đột biến giống với virus Corona.

Vắc-xin Covid-19 của công ty Trung Quốc Sinovac sử dụng phương pháp virus bất hoạt, một trong những phương pháp lâu đời nhất để sản xuất vắc-xin tiêm chủng cho con người. Họ sử dụng một số lượng virus Corona để nuôi lớn, “giết chết” và sau đó điều chế thành vắc-xin.

Tương tự, Tập đoàn Dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc cũng sử dụng phương pháp virus bất hoạt để điều chế vắc-xin Covid-19.

Công nghệ ở Việt Nam

Việt Nam áp dụng nhiều công nghệ khác nhau để nghiên cứu vắc-xin Covid-19. Việt Nam đang có 4 đơn vị nghiên cứu và sản xuất vắc-xin Covid-19 là: Công ty TNHH một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.

Ngày 17/12, các tình nguyện viên sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19 đầu tiên. Đây là vắc-xin do Công ty Nanogen nghiên cứu, phối hợp với Học viện Quân y triển khai. TS Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu phát triển, Công ty Nanogen cho biết, vắc-xin của công ty được phát triển gần giống với vắc-xin HPV là sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp, sau đó can thiệp vào bộ gen để sản sinh ra kháng thể.

Điều này khác hoàn toàn với việc dùng kháng thể (tức dùng virus bất hoạt hoặc virus sống). Bằng cách tạo ra gai giả giống y hệt gai trên virus SARS-CoV-2, mỗi liều vắc-xin sẽ gồm nhiều gai giả, đây là công việc đòi hỏi tính khoa học, tỉ mỉ rất cao.

Theo đó, protein của virus được nuôi cấy trên một tế bào chủ. Khi protein phát triển sẽ tự biểu hiện thành hình trông như virus SARS-CoV-2. Nhưng đó không phải là virus thật. Nói chính xác hơn, nó chỉ là vỏ của virus SARS-CoV-2, không chứa vật liệu di truyền bên trong nên nó không có khả năng nhân lên hay gây bệnh cho người. Chính vì vậy, theo lý thuyết, vắc-xin an toàn kể cả đối với những người có khả năng miễn dịch yếu.

Trong khi đó, VABIOTECH, IVAC và POVLYVAC đều sử dụng công nghệ vector virus nhưng lại dựa trên các giá thể virus khác nhau. Vắc-xin Covid-19 thứ 2 của Việt Nam, do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) dự kiến sẽ được thử nghiệm trên người vào tháng 3/2021.

Ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), cho biết IVAC đã sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Quy trình sản xuất tương tự vắc-xin cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm.

Khi nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19, IVAC sử dụng chủng NDV-LaSota-S làm vector biểu hiện protein S của SARS-CoV-2. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vắc-xin. Chủng virus này được đánh giá thích ứng và phát triển tốt trên trứng gà có phôi.

Theo TS Lê Văn Bé - nguyên Viện trưởng Vắc-xin và Sinh phẩm y tế, trở ngại trong hành trình điều chế vắc-xin thì vô vàn, nhưng lớn nhất vẫn là nguyên liệu trứng gà sạch. Bởi vì, nếu sử dụng trứng gà không đảm bảo chất lượng tại các trang trại chăn nuôi gà thì không thể cho ra vắc-xin. Vì thế, cần phải xây dựng cơ sở nuôi gà, sản xuất ra trứng gà sạch riêng. Đây là yêu cầu khắt khe để đảm bảo an ninh sinh học.

TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH cho biết, công nghệ mà VABIOTECH sử dụng trong sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 lần này là công nghệ vector virus, thay vì công nghệ vắc-xin bất hoạt hay vắc-xin sống giảm độc lực như truyền thống.

Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc-xin đại dịch.

“Với VABIOTECH, chúng tôi lựa chọn giá thể Bioreactor virus, đã được tiếp cận từ trước khi có đại dịch Covid-19 với mục đích nghiên cứu và sử dụng cho nhiều loại vắc-xin khác như vắc-xin Ebola, vắc-xin SARS hay vắc-xin MERS” – TS Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ.

PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, sử dụng vắc-xin Covid-19 để phòng dịch, cần phải hiểu đúng về hiệu quả của vắc-xin.

Nhiều người nghĩ rằng, con số 90% đó thường được hiểu là cứ 10 người được tiêm, thì chỉ có 1 người bị nhiễm, hay 94,5% được hiểu là cứ 100 người được tiêm, thì chỉ có 5 hay 6 người bị nhiễm. Hiểu như thế là không đúng. Lý do là vì đơn vị để xác định hiệu quả của vắc-xin không phải là số ca nhiễm (số người bị nhiễm), mà là nguy cơ (tức xác suất) bị nhiễm.

Con số 90% hay 94,5% có nghĩa là vắc-xin khi tiêm giúp giảm nguy cơ 90% hoặc 94,5% so với nhóm chứng. Hoàn toàn không có nghĩa là ngăn ngừa 90% hay 94,5% số ca nhiễm. Tính toán của các nhà nghiên cứu của hãng sản xuất Pfizer, nếu 10.000 người tiêm vắc-xin của hãng này sẽ có khoảng 4 người bị nhiễm, còn nếu không tiêm vắc-xin thì số ca nhiễm sẽ là khoảng 40.

“Do vậy, ngay cả khi có vắc-xin, các biện pháp phòng dịch vẫn phải thực hiện song song”, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ