Một loại vắn-xin có tên Hasumi được quảng cáo trên mạng có khả năng phòng tránh được hơn 30 bệnh ung thư, với mức giá khoảng 350 triệu/năm, đang gây nhiều chú ý.
GS Phạm Gia Khải - nguyên Phó trưởng Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, cảnh báo người dân không nên chạy theo những lời đồn thổi thiếu căn cứ.
Vị GS cho biết, ông đã nghe quảng cáo về loại vắc-xin này xong với kinh nghiệm nhiều năm trong nghiên cứu và khám chữa bệnh, ông khẳng định "không tin loại vắc-xin này có thể tiêu diệt và chống lại được tới 30 loại ung thư khác nhau".
Vị GS giải thích, ung thư hiện vẫn là căn bệnh phức tạp, là nỗi trăn trở của rất nhiều chuyên gia, bác sĩ chuyên ngành.
Ngay việc để chuẩn đoán, xác định một người bệnh mắc ung thư cũng đòi hỏi cả một quá trình khó khăn, phức tạp chưa nói tới quá trình điều trị căn bệnh này.
Tuy nhiên, trên Website của World Medical đưa ra thông tin, "loại vắc-xin này có thể phòng hơn 30 loại ung thư, trừ ung thư máu", GS Phạm Gia Khải nói thẳng, đây là thông tin thiếu căn cứ.
"Mỗi loại ung thư đều có đặc tính khác nhau, qua đó phương pháp điều trị cũng khác nhau, không thể áp dụng một loại vắc-xin mà chữa được cho cả 30 loại ung thư. Thế giới chưa từng thấy loại vắc-xin nào làm được như vậy", GS Phạm Gia Khải nói.
Cũng theo vị chuyên gia, điều trị ung thư là cả một quá trình rất phức tạp bắt đầu từ khi xác nhận dấu hiệu lâm sàng, cho tới các thử nghiệm về khả năng thích ứng thuốc trên cơ thể rồi sau đó mới lựa chọn phương pháp điều trị cho phù hợp.
Mỗi bệnh nhân sẽ có một khả năng thích ứng với phương pháp điều trị khác nhau, cùng một phương pháp có thể khỏi với bệnh nhân này nhưng chưa chắc đã giúp được bệnh nhân khác, vì thế, nói vắc xin Hasumi phòng và điều trị ung thư, đối với ung thư giai đoạn 1, 2, 3 là hoàn thiện 100%, với ung thư giai đoạn 4 tỷ lệ thành công cao 70-80% là quá chủ quan, không có cơ sở.
GS Phạm Gia Khải cho biết thêm, sau khi nhận được những thông tin về loại vắc-xin này, ông cũng có trao đổi và được biết đây là loại vắc-xin chưa được cấp phép tại Việt Nam.
Vị GS đưa ra lời khuyên, người bệnh nên tỉnh táo, tìm tới các bệnh viện uy tín để được tư vấn, điều trị theo một phương pháp thích hợp không nên chạy theo những lời quảng cáo thiếu căn cứ khoa học để cuối cùng "tiền mất tật vẫn mang".
Về phía Bộ Y tế, GS Phạm Gia Khải nêu lên cái khó trong công tác quản lý, theo đó, ông cho rằng để ngăn chặn loại vắc-xin này vào thị trường Việt Nam hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.
Bởi muốn làm được như vậy, Bộ Y tế cần có những kiểm nghiệm lâm sàng chứng minh tác dụng của loại vắc xin này không đúng như quảng cáo, muốn làm được như vậy sẽ mất rất nhiều chi phí để kiểm nghiệm, phân tích, đánh giá, thậm chí thử nghiệm loại vắc xin này.
Khi chưa chứng minh được tác dụng của vắc xin Hasumi, Bộ Y tế chỉ có thể đưa ra những lời khuyến cáo, tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông cũng như các trang web của bộ để người bệnh có nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn trong lựa chọn phương pháp điều trị căn bệnh ung thư.
Trên báo chí, TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư City of Hope (Mỹ)cũng khẳng định, chưa có báo cáo khoa học nào về vắc-xin Hasumi có thể sử dụng thành công trên người với tỷ lệ cao như vậy.
Vắc-xin này cũng chưa từng được công nhận bởi các tổ chức y tế của chính phủ (như FDA của Mỹ) để sử dụng như một phương pháp điều trị chính thống cho bệnh ung thư.