"Vá lỗ hổng" cho học sinh trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, nhiều trường THPT ở miền núi Thanh Hóa đang tập trung “vá lỗ hổng” kiến thức, giúp các em vững tin vượt “vũ môn”.

Cô Lê Thị Luyến, Trường THPT Quan Sơn ôn luyện môn Ngữ văn cho học sinh khối 12 của nhà trường.
Cô Lê Thị Luyến, Trường THPT Quan Sơn ôn luyện môn Ngữ văn cho học sinh khối 12 của nhà trường.

Tăng tốc ôn luyện đại trà

Trường THPT Quan Hóa (Thanh Hóa) tập trung ôn luyện cho học sinh từ trung tuần tháng 4. Ban giám hiệu (BGH) đã tiến hành song song 2 nhiệm vụ với khối 12. Đó là, vừa học theo phân phối chương trình đã được sở GD&ĐT xét duyệt, vừa tiến hành ôn luyện.

Thầy Lê Văn Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ ngày 26/5 - 3/7, tất cả học sinh khối 12 phải đến trường để ôn luyện. Nhà trường tổ chức cho HS tự học vào các buổi chiều, phân công giáo viên trực, theo dõi sĩ số và ý thức tự học. Cách làm này đã duy trì ý thức ôn luyện của học sinh, tránh được việc sử dụng điện thoại. Ngoài ra, công tác thi thử được chú trọng nhằm tạo tâm lý phòng thi, thúc đẩy và đánh giá được việc ôn luyện của nhà trường.

“Sau mỗi dịp thi thử, BGH cùng giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 tiến hành hội nghị, gặp gỡ với phụ huynh học sinh có học lực yếu và nguy cơ trượt tốt nghiệp cao. Từ đó, giáo viên phối hợp với phụ huynh động viên các em cố gắng tập trung ôn luyện, đạt hiệu quả cao trong kỳ thi sắp tới”, thầy Thanh chia sẻ.

Tương tự, Trường THPT Quan Hóa, Trường THPT Mường Lát cũng đang tập trung ôn luyện cho học sinh khối 12. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch và giao giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 phối hợp với BGH, các thầy cô giáo ôn thi làm tốt công tác tư vấn, giải đáp thắc mắc của học sinh về thi cử. Bên cạnh đó, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên bộ môn xây dựng kế hoạch nội dung ôn luyện, bám sát vào cấu trúc đề thi năm 2022, để ôn trước cho học sinh. Kiên trì hướng dẫn các em luyện đề, rèn luyện kỹ năng làm bài thi.

Theo thầy Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, thời gian ôn luyện đợt 2 thực hiện từ ngày 30/5 - 2/7 vào các buổi sáng. Nhà trường yêu cầu học sinh đi học đầy đủ, chuyên cần theo đúng lịch và thời gian biểu đã lập. “Để thực hiện tốt việc ôn luyện cho học sinh, chúng tôi yêu cầu giáo viên bộ môn phải lên lớp đúng giờ, dạy đúng theo kế hoạch khung kiến thức của chương trình ôn tập. Tận tình giải đáp các ý kiến thắc mắc, các câu hỏi và bài tập cho các em. Đối với giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi, quán xuyến lớp theo đúng quy định của Ban nề nếp. Thăm nom, động viên và lắng nghe ý kiến của học sinh để đề xuất lên BGH có phương án kịp thời”, thầy Văn nói.

Trường THPT Quan Sơn đang tập trung ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
Trường THPT Quan Sơn đang tập trung ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.

Đảo lớp theo trình độ

Tại Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa), thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng cho hay: Sau khi thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 lần 2 do Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức và ra đề, nhà trường bắt đầu triển khai kế hoạch ôn tập cho các em. Qua kết quả kiểm tra, đánh giá học kỳ II của lớp 12 và từ thực tế giảng dạy của giáo viên, các tổ chuyên môn họp và phân chia lại lớp để thực hiện ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh.

Theo đó, nhà trường phân chia các lớp như sau: Lớp 12A1 cho HS có nguyện vọng xét đại học, cao đẳng khối tự nhiên và có thành tích cao trong học tập. Lớp 12A2 ưu tiên học sinh có nguyện vọng xét đại học, cao đẳng khối xã hội và có thành tích cao trong học tập.  Lớp 12A6 (có khoảng 30 em) thuộc diện học yếu, có nguy cơ trượt tốt nghiệp cao, sẽ được bố trí các thầy cô có kinh nghiệm, nhiệt tình và chỉ tập trung ôn thi những phần dễ, phần nhận biết có trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT. Các lớp 12A3, 12A4 và 12A5 thì thực hiện chia đều những học sinh còn lại, để nâng cao điểm bình quân thi tốt nghiệp. Sau đó, nhà trường tập trung ôn thi vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi buổi học 4 tiết.

Cũng theo thầy Đạo, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp 12 phối hợp với phụ huynh trong việc quản lý học sinh thật tốt, có nhóm Zalo riêng của lớp (trong nhóm có cả học sinh và phụ huynh). Khi học sinh nghỉ học phải có thông tin từ phía giáo viên và phụ huynh, tránh tình trạng các em trốn học, bỏ tiết.

Sau mỗi tuần ôn thi, tổ chuyên môn nhà trường lại họp giáo viên chủ nhiệm và giáo viên ôn thi tốt nghiệp THPT để nắm bắt tình hình học sinh. Từ đó, các giáo viên trao đổi, chia sẻ, tìm ra những điểm mạnh để phát huy và những hạn chế để khắc phục. Những học sinh có thành tích tốt, đã làm được các câu phần nhận biết có thể điều chuyển lên các lớp để làm những câu khó hơn nhằm cải thiện điểm trong bài thi.

Đối với những học sinh các lớp trên, trong khi dạy mà phát hiện học sinh còn yếu, làm đề điểm còn thấp thì có sự điều động ngược lại, đảm bảo học sinh ngồi đúng lớp, làm đúng dạng để các em có thể học, hiểu và đạt được điểm cao nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Với cách làm như hiện nay, học sinh của nhà trường sẽ được các thầy, cô vá lỗ hổng kiến thức một cách tối ưu nhất, để giúp các em vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, thầy Đạo tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ