Tập dượt cho giáo viên
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, các trường THPT đã hoàn tất việc dạy – học theo kế hoạch năm học và tiếp tục tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12. Toàn thành phố có hơn 80 nghìn thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, trong đó có hơn 74 nghìn thí sinh là học sinh lớp 12, còn lại là thí sinh tự do.
Ông Dũng cho biết: Sở GD&ĐT đã vận dụng Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 vào việc tổ Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây là bước tập dượt cho giáo viên trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Thành phố có kế hoạch phân công cụ thể cho thành viên của Ban Chỉ đạo thi. Đồng thời kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất tại các điểm thi để có kế hoạch sửa chữa, thay thế. "Chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau kỳ thi; kiểm tra cả ban ngày lẫn ban đêm, từ công tác coi thi cho đến bảo quản đề thi, bài thi" – ông Dũng cho hay.
Xác định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên tỉnh Nam Định đã thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT và giao nhiệm vụ cho thành viên trong Ban Chỉ đạo, đồng thời phân công trách nhiệm cho từng ngành, đơn vị. Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho hay: Công tác chuẩn bị được thực hiện theo đúng quy trình và bám sát với Quy chế thi. "Chúng tôi sẽ chuẩn bị chu đáo ở mọi khâu để kỳ thi diễn ra thành công như mong đợi" - ông Hùng khẳng định.
Cũng như nhiều địa phương khác, TP Hải Phòng đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Ông Lê Quốc Tiến – Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương nên dù thích hay không, giáo viên phải nghiêm túc tham gia phục vụ kỳ thi và có trách nhiệm đối với phần việc mình được giao. "Chúng tôi đã có kịch bản về công tác bảo đảm an toàn, bảo mật đối với khâu in sao đề thi, lưu trữ bài thi của thí sinh và quá trình chấm thi. Quan điểm là: Chuẩn bị chu đáo, an toàn đến từng khâu nhỏ nhất" – ông Tiến nói.
Chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh
Tại TP Cần Thơ, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Hồng Thắm cho biết: Sở đã tham mưu với tỉnh ban hành Chỉ thị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó đặc biệt lưu ý đến yếu tố bảo đảm an toàn, trung thực, khách quan và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết (từ nhân lực cho đến vật lực) để kỳ thi diễn ra thành công. Trong quá trình đi khảo sát điểm thi, sở có mời các thành viên trong Ban Chỉ đạo để có cái nhìn tổng thể, từ đó tham mưu đúng và trúng với lãnh đạo thành phố trong công tác tổ chức.
Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát và có thể sẽ phải đối diện với mưa bão, do đó cần có kịch bản ứng phó với những tình huống bất thường có thể xảy ra. Ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn đặt vấn đề: Giả sử trong quá trình thi, thí sinh có biểu hiện mắc Covid-19, khi đó phương án xử lý sẽ như thế nào? Ngoài ra, kỳ thi năm nay diễn ra vào tháng 8, mưa lũ có thể xảy ra nên cần có kịch bản để chủ động ứng phó với những tình huống bất thường. Ông Tuấn nêu lên phương án là: Chuẩn bị các điểm thi dự phòng. Ngoài ra, mỗi điểm thi nên bố trí phòng thi dự phòng. Đồng thời làm tốt công tác y tế, hậu cần tại chỗ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Ninh – Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai khẳng định: Không để bất cứ thí sinh nào phải bỏ thi vì thời tiết hoặc vì đường sá đi lại khó khăn. Do đó, ở những điểm thi xa trung tâm, giao thông không thuận tiện hoặc vùng dự báo mưa lũ có xảy ra, có thể đưa thí sinh đến trường thi sớm hơn và chuẩn bị nơi ăn chốn ở để các em yên tâm bước vào kỳ thi.
Theo ông Ninh, kỳ thi năm nay do địa phương chủ trì và chịu trách nhiệm hoàn toàn. Do vậy, để kỳ thi diễn ra thành công, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đồng thời phân công, phân nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị và từng cá nhân ở các khâu tổ chức. Chúng ta càng chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng bao nhiêu, kết quả kỳ thi càng tốt bấy nhiêu.
Tại tỉnh Cao Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Văn Dương cho biết: Có điểm thi cách thành phố 180km nên công tác vận chuyển đề thi, bài thi của thí sinh sẽ được đặc biệt chú trọng trên tinh thần bảo đảm an toàn tuyệt đối.