V-League 'ngủ quên' trên đường đua

GD&TĐ - Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) chính thức nâng cấp các giải đấu dành cho các câu lạc bộ từ mùa tới (2024 - 2025),

Thể Công - Viettel lọt vào bán kết cúp quốc gia mùa giải 2023 - 2024 nhưng không được cấp phép tham dự giải đấu châu lục năm 2024 - 2025. Ảnh: VPF.
Thể Công - Viettel lọt vào bán kết cúp quốc gia mùa giải 2023 - 2024 nhưng không được cấp phép tham dự giải đấu châu lục năm 2024 - 2025. Ảnh: VPF.

Khi giải đấu châu lục áp dụng tiêu chí theo hướng chặt chẽ và chất lượng đã khiến cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế một cách rõ ràng hơn.

“Miếng bánh” béo bở

Bóng đá châu Á nói chung, cấp câu lạc bộ nói riêng đang đứng trước nấc thang mới. Theo đó, trong lộ trình đặt ra gần 5 năm trước, hệ thống giải đấu dành cho các câu lạc bộ với nhiều cải tổ mang tính “cách mạng” sẽ đi vào thực tế từ mùa giải 2024 - 2025.

Hai giải đấu quen thuộc là AFC Champions League và AFC Cup không còn. Thay vào đó, sân chơi của các câu lạc bộ được cơ cấu lại theo 3 cấp độ. Cấp độ 1 tương ứng AFC Champions League mang tên AFC Champions League Elite; cấp độ 2 tương ứng với AFC Cup mang tên AFC Champions League Two và cấp độ 3, giải đấu lần đầu xuất hiện mang tên AFC Challenge League.

Đáng chú ý, AFC cũng lần đầu tổ chức giải đấu dành cho các câu lạc bộ bóng đá nữ, với tên gọi AFC Women Champions League.

Sự thay đổi này của AFC dựa trên hệ thống, cũng như tiến trình mà Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đang áp dụng cho các giải đấu dành cho câu lạc bộ. Đơn cử, AFC Challenge League có thể hiểu giống như Europa Conference League, sân chơi hạng 3 dành cho các đội yếu và được UEFA tổ chức từ mùa giải 2021 - 2022.

Cuộc cải tổ của AFC không chạy theo hình thức, mà chú trọng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp. Cụ thể, AFC Champions League Elite là sân chơi dành cho 24 câu lạc bộ, thay vì 40 như khi còn mang tên AFC Champions League. Điều này hứa hẹn mang đến những cuộc đọ sức đỉnh cao khi trình độ, năng lực các đội tham dự được thu gọn theo tiêu chí chất lượng cao. AFC Champions League Two với sự tham dự của 32 đội, thay vì 36 như trước.

Bên cạnh đó, thay đổi đáng kể tiếp theo phải kể đến việc AFC loại bỏ giới hạn ngoại binh cho các câu lạc bộ. Những đội bóng dự 3 cúp châu Á sẽ được sử dụng ngoại binh với số lượng không hạn chế.

Và đặc biệt, tiền thưởng dành cho các câu lạc bộ có bước tiến kỷ lục. Mỗi câu lạc bộ giành quyền tham dự vòng bảng AFC Champions League Elite nhận ngay 800 nghìn USD. Tiền thưởng cho đội vô địch lên đến 12 triệu USD, cao gấp 3 lần so với trước.

Với AFC Champions League Two, mỗi đội bóng tham dự sẽ nhận 300 nghìn USD, khoảng 7 tỷ đồng trong khi đội bóng vô địch V-League 1 chỉ nhận 5 tỷ đồng. Đội vô địch AFC Champions League Two có 4 triệu USD tiền thưởng. Ở AFC Challenge League, mỗi đội tham dự nhận 100 nghìn USD và tiền thưởng cho đội vô địch là 1,3 triệu USD.

Như vậy, nhìn tổng thể việc cơ cấu lại các giải đấu cấp câu lạc bộ của AFC sẽ mở rộng số lượng tham gia đấu trường châu lục lên 76 đội bóng, thuộc các cấp độ khác nhau. Điều này giúp bóng đá châu Á vừa có cơ hội nâng cao chất lượng 2 giải đấu hàng đầu cấp câu lạc bộ, AFC Champions League Elite và AFC Champions League Two, đồng thời AFC không để đội bóng nào “bị bỏ lại phía sau” khi khai sinh AFC Challenge League, giải đấu tạo cơ hội và động lực phát triển cho các câu lạc bộ thuộc các quốc gia có nền bóng đá đang phát triển.

V-League ngu quen tren duong dua (2).jpg
AFC đổi mới giải đấu cấp câu lạc bộ từ mùa giải 2024 - 2025. Ảnh: AFC.

AFC đặt ra những tiêu chí cụ thể của một đội bóng chuyên nghiệp giống như tấm vé thông hành cho các câu lạc bộ, chứ không đơn thuần dựa trên thành tích chuyên môn.

Trước kia, nếu đội giành chức vô địch quốc gia nghiễm nhiên giành quyền tham dự AFC Champions League, hoặc AFC Cup, tùy theo thứ hạng của từng giải, thì nay các câu lạc bộ phải được cấp phép thi đấu qua nhóm các quy định mà một đội bóng chuyên nghiệp phải có. Nếu đội giành chức vô địch quốc gia, hoặc cúp quốc gia nhưng lại không bảo đảm các tiêu chí chuyên nghiệp theo AFC thì phải nhường suất cho đội đủ điều kiện.

AFC cũng đòi hỏi giải bóng đá chuyên nghiệp của mỗi quốc gia phải có ba giải theo thứ tự 1, 2, 3. Theo tiêu chí này, bóng đá Việt Nam sau hơn 20 năm lên chuyên nghiệp mới có V-League 1 (giải vô địch quốc gia) và V-League 2 (hạng Nhất).

Bên cạnh đó, việc phân hạng thi đấu cho các câu lạc bộ được AFC căn cứ vào thành tích các giải vô địch quốc gia tại sân chơi châu lục.

Giải vô địch quốc gia Việt Nam (V-League 1) xếp hạng 7 của khu vực Đông Á nên Việt Nam sẽ không có suất tham dự giải đấu danh giá AFC Champions League Elite.

Đông Nam Á chỉ có đại diện đến từ Thái Lan và Malaysia tại sân chơi số 1 này. Mỗi nước có 1 suất vào thẳng và 1 suất play-off. Bóng đá Việt Nam chỉ có 1 suất vào thẳng và 1 suất play-off ở AFC Champions League Two. T

heo thông tin đến ngày 3/7, AFC Challenge League 2024 - 2025 chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia cử đội bóng tham dự, gồm: Indonesia, Myanmar, Campuchia và Lào. Mỗi quốc gia này được 1 suất vào thẳng và 1 suất play-off. Việt Nam không có đại diện.

V-League ngu quen tren duong dua (3).jpg
Câu lạc bộ Thép xanh Nam Định vô địch V-League mùa giải 2023 - 2024. Ảnh: VPF.

Thay đổi trước khi quá muộn

Việc bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam “đứng ngoài” AFC Champions League Elite cũng đồng nghĩa không đội bóng nào của Việt Nam được hưởng nhiều nguồn thu béo bở như bán vé, truyền hình và quảng cáo.

Rõ ràng, sân chơi này sau cải tổ của AFC hứa hẹn quy tụ những đội mạnh, quyết tâm cao nhất và sản sinh ra những trận đấu đỉnh cao. Đơn cử như Ả-rập Xê-út, với 3 đại diện là Al Hilal, Al Nassr và Al Ahli. Đội bóng nào cũng sở hữu nhiều cầu thủ ngôi sao tầm thế giới. Al Nassr với Ronaldo, Sadio Mane… Al Ahli có dàn cầu thủ từ châu Âu gồm Roberto Firmino, Riyad Mahrez, Edouard Mendy, Allan Saint-Maximin… Neymar, Mitrovic, Ruben Neves, Sergej Milincovik-Savic... khoác áo Al Hilah.

Đặt khả năng Việt Nam có đại diện tranh tài tại AFC Champions League Elite, biết đâu chúng ta nằm bảng với Al Nassr. Như thế, khán giả Việt Nam sẽ được tận mắt thấy siêu sao Ronaldo, hoặc Neymar với Al Hilah. Ngay cả nằm chung bảng với Kawasaki Frontale, Yokohama F. Marinos (Nhật Bản); Ulsan HD FC, FC Pohang Steelers (Hàn Quốc)... cũng là cơ hội bằng vàng cho đại diện V-League 1.

Những cuộc đọ sức đỉnh cao sẽ được truyền hình đến nhiều quốc gia giàu có, đặc biệt khối dầu mỏ, nhiều thành phố lớn của châu Á… tạo ra hiệu ứng cực tốt. Dòng tiền từ bán vé, quảng cáo trên sân và truyền hình dành cho các đội chủ nhà sẽ rất lớn, nhất là với các đội bóng Việt Nam. Chỉ có điều, chúng ta chưa có cơ hội tham dự giải đấu số 1 châu lục này và đến bao giờ thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Bên cạnh bộ tiêu chí, bảo đảm để được cấp phép thi đấu, thì năng lực chuyên môn cũng là bài toán vô cùng khó cho các câu lạc bộ Việt Nam. Sau 21 năm bước ra đấu trường AFC Champions League, chưa bao giờ, đại diện V-League 1 có thể đi xa hơn ngoài việc góp mặt ở vòng đấu bảng.

Việc không thể vượt qua vòng bảng cộng thêm vị thế của V-League thất thường so với các giải vô địch quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, khiến việc góp mặt ở AFC Champions League bị giới hạn. Trong đó, giai đoạn 2015 và 2016 chứng kiến chỉ một đội bóng dự vòng bảng và đội còn lại phải tham dự vòng sơ loại, hoặc từ năm 2017 đến 2020, V-League chỉ còn 1 câu lạc bộ tham dự từ vòng sơ loại.

Trong 3 năm trở lại đây, thành tích của các câu lạc bộ Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc tại AFC Champions League.

Năm 2022, lần đầu tiên trở lại Champions League sau 17 năm vắng bóng, Hoàng Anh Gia Lai đã giành 1 chiến thắng, 2 trận hòa để kết thúc vòng bảng với 5 điểm. Một năm trước đó, Viettel có đến 2 chiến thắng trước đại diện của Philippines là Kaya FC ở vòng đấu bảng.

Mới đây, vòng bảng AFC Champions League 2023 - 2024, Hà Nội FC đầu tư rất lớn nhưng cũng chỉ thắng 1, hòa 1 và thua đến 4 trận. Nhưng chừng đó là quá ít để bóng đá Việt Nam tạo dựng được vị thế ở AFC Champions League. Muốn có chỗ đứng ổn định và vững chắc sẽ là câu chuyện rất dài từ cấp quản lý cho đến các câu lạc bộ của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Muốn vậy, bóng đá Việt Nam cần phát triển căn cơ và hãy bắt đầu từ AFC Champions League Two, trước kia với tên gọi AFC Cup. Giải đấu hạng 2 này được cho là bàn đạp tốt để bóng đá Việt Nam từng bước tiệm cận sân chơi đỉnh cao cấp câu lạc bộ. Thứ nhất, nó phù hợp với năng lực của các đội bóng Việt Nam. Câu lạc bộ Bình Dương vào đến bán kết AFC Cup năm 2009. Hà Nội FC lọt vào trận chung kết liên khu vực năm 2019. Thứ hai, tiền thưởng AFC Champions League Two bằng với giải đấu số 1 châu lục khi còn mang tên AFC Champions League. Đó chính là những động lực mạnh mẽ mang tính thúc đẩy các đội bóng Việt Nam trên đường đua ở sân chơi châu lục.

Và cũng cần phải nhấn mạnh, song hành với chuyên môn chính là bài toán cấp phép. Có lẽ chỉ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam với giải đấu cao nhất (V-League 1), 8/14 câu lạc bộ không được cấp phép tham dự giải đấu châu lục mùa giải 2024 - 2025, trong đó nhiều đội bóng lớn như Thể Công - Viettel, Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Định. Trong số 5 đội bóng được cấp phép kèm biện pháp phạt có Thép xanh Nam Định, đội bóng vừa giành chức vô địch V-League 2023 - 2024.

Đội tuyển Việt Nam đã văng khỏi top 100 theo bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá thế giới. V-League chỉ đứng hạng 4 về “chỉ số sức mạnh” tại khu vực Đông Nam Á, trong khi theo “điểm số năng lực” AFC thì bóng đá Việt Nam chỉ đứng hạng 14 và hậu quả trước mắt không có đại diện ở AFC Champions League Elite mùa đầu.

Và cũng phải nhắc thêm, hiện không còn cầu thủ Việt Nam chơi bóng chính thức ở nước ngoài, ngoài trừ Công Phượng đang mòn mỏi tại J-League 2 (Nhật Bản). Các chỉ số cạnh tranh của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đều yếu và sa sút. Vậy nên, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Với bóng đá nữ, trước khi ra đời AFC Women Champions League 2024 - 2025, AFC đã tiến hành 2 giải thử nghiệm vào năm ngoái và 2022, đá tập trung lần lượt tại Jordan và Thái Lan. Điều đáng nói là bóng đá nữ Việt Nam nằm ở top 5 hoặc 6 châu Á, nhưng qua hai giải “chạy thử” của AFC thì các câu lạc bộ Việt Nam không tham dự. AFC Women Champions League 2024 - 2025 sẽ bước vào mùa giải đầu tiên với 12 đội tham dự, trong đó đại diện của Việt Nam là câu lạc bộ TPHCM. Mỗi đội bóng tham dự vòng bảng sẽ nhận 100 nghìn USD và đội vô địch nhận 1,3 triệu USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ