Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nhiều nội dung lớn về đổi mới chương trình, SGK

GD&TĐ - Sáng 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nhiều nội dung lớn về đổi mới chương trình, SGK

Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận…

Triển khai áp dụng chương trình mới từ năm học 2018 - 2019

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trình bày tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong đó, nêu rõ sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; mục tiêu cũng như những nội dung cơ bản của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Theo Bộ trưởng, Đề án lần này sẽ đổi mới nhiều vấn đề của chương trình, sách giáo khoa phổ thông, từ chuyển hướng dạy và học sang phát triển năng lực học sinh; đổi mới thi cử đến việc biên soạn sách giáo khoa.

Đề án cũng nêu rõ: Thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa; trong đó chỉ có chương trình là mang tính pháp lý, sách giáo khoa là một tài liệu quan trọng nhưng không có tính pháp lý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận lắng nghe ý kiến các đại biểu 

Chủ trương trên được thực hiện theo phương án: Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác.

Đề xuất với Quốc hội cho triển khai theo phương án này, nhưng tại Tờ trình Chính phủ cũng cho biết trong quá trình thảo luận ở các hội nghị, hội thảo còn có 2 ý kiến về biên soạn sách giáo khoa.

Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn. Thứ hai, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định chọn lấy một bộ sách giáo khoa tốt nhất.

Về khái toán kinh phí thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: Sau khi bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn được Hội đồng Quốc gia thẩm định đủ điều kiện sử dụng, sẽ tổ chức bán đấu giá bản quyền cho các nhà xuất bản để phát hành bộ sách giáo khoa này, kinh phí thu được từ bán bản quyền sẽ nộp Ngân sách nhà nước. Tổng kinh phí dự kiến 462 tỷ đồng.

Kinh phí này để thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa); xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 4 bộ);

Nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới;

Đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kĩ thuật tổ chức tập huấn qua Internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Về lộ trình thực hiện: Giai đoạn 1 (tháng 1/2015 đến tháng 6/2017) sẽ chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới; giai đoạn 2 (tháng 7/2017 đến tháng 6/2018) sẽ xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, bán đấu giá bản quyền bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT thực hiện; giai đoạn 3 (tháng 7/2018 đến tháng 12/2021) sẽ triển khai áp dụng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019.

Các đại biểu dự phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội sáng nay (27/9)
Các đại biểu dự phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội  sáng nay (27/9)

Đề án nhiều tính khả thi

Trình bày một số ý kiến thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi nhất trí về cơ bản với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thay cho Nghị quyết số 40/QH10 năm 2000 cũng như cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ xác định mục tiêu của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Về chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, Ủy ban đề nghị ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, nói chung phải phù hợp với điều kiện bảo đảm thực tế của nhà trường, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như với khả năng tiếp thu của học sinh...

Ủy ban cũng nhất trí với định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ phải thực hiện tích hợp mạnh theo lĩnh vực, liên môn ở các cấp học dưới và phân hóa sâu ở cấp trung học phổ thông theo hướng tăng cường các môn học, chuyên đề tự chọn và áp dụng phương thức tích lũy tín chỉ.

Về việc xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa phổ thông, Ủy ban nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện. 

Về đối tượng tham gia biên soạn sách giáo khoa, Ủy ban cũng tán thành phương án do Chính phủ đề nghị.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định công khai quy trình thẩm định sách giáo khoa khách quan, độc lập; quy định quy trình cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở bàn bạc dân chủ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh của nhà trường.

Liên quan đến kinh phí, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cho rằng: Đề án của Chính phủ đã liệt kê khá chi tiết các nội dung, hạng mục thuộc các khâu trong quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông và tách riêng nguồn tài chính chi qua Ngân sách trung ương với nguồn tài chính chi qua ngân sách địa phương và nguồn tài chính xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức khác. 

Khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ ở trung ương tương đối cụ thể, hợp lý và có tính khả thi.

Về lộ trình triển khai thực hiện, Ủy ban nhất trí về cơ bản các bước tiến hành nêu trong lộ trình thực hiện như Tờ trình của Chính phủ đề xuất nhưng đề nghị: Cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình mới....

Thống nhất cao với nhiều nội dung lớn

Tại phiên làm việc, các đại biểu đều thể hiện sự thống nhất cao với nội dung Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trình bày và báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp 

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội , Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh việc Chính phủ tiếp thu nghiêm túc các nội dung góp ý kiến và hoàn thiện để có Tờ trình cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng khẳng định: Tại phiên họp này, thống nhất sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cũng như nhất trí với các mục tiêu đổi mới đã được đề cập trong Đề án.

Một số nội dung khác được Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định Ủy Ban thường vụ Quốc hội thống nhất như: Nhất trí về mục tiêu đổi mới sách giáo khoa để thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương; nhất trí cơ cấu giáo dục phổ thông có chương trình giáo dục cơ bản 9 năm và chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp 3 năm (giáo dục THPT); nhất trí về định hướng dạy học tích hợp và dạy học phân hóa…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý: Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Quốc hội có một ý đề nghị Chính phủ cân nhắc, tiếp thu, đó là nói rõ thêm các giải pháp khắc phục sự đổi mới trong cơ cấu môn học, nâng cao trình độ đội ngũ giáo vên và cán bộ quản lý như thế nào để kịp thời đáp ứng những đổi mới…

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc thực hiện xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đồng thời cho rằng, đây là chủ trương mới, tác động sâu sắc trong công tác quản lý.

Nhưng về vấn đề này, Thường vụ cũng đề nghị Nghị quyết cần xác định rõ hơn trách nhiệm và vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT trong quá trình thẩm định, quyết định cho phép thực hiện các bộ sách giáo khoa được phê duyệt.

Về đội ngũ giáo viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trong Nghị quyết cần ghi rõ trách nhiệm của các cơ quan trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục và cả trách nhiệm các nhà giáo, bảo đảm phát huy trí tuệ đội ngũ giáo viên, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu.

Về kinh phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về yêu cầu, lộ trình, đặc biệt là về mục tiêu sử dụng kinh phí cho biên soạn và đổi mới sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong Nghị quyết cần ghi rõ việc quan tâm hơn đến các vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay cơ bản nhất trí với lộ trình triển khai Chính phủ trình và báo cáo trước Quốc hội, tuy nhiên, lưu ý thận trọng trong thực hiện chương trình đổi mới. 

Do đó, áp dụng đại trà với tiểu học, còn THCS thực hiện cuốn chiếu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Xem Dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện tranh là một thể loại văn học mạnh mẽ và hữu ích để phát triển khả năng hiểu cũng như phân tích văn học của học sinh. (Ảnh: ITN).

Trẻ đọc truyện tranh có tốt không?

GD&TĐ - Truyện tranh có một sức hấp dẫn khó cưỡng đối với trẻ em lẫn người lớn. Ngoài việc mang lại tiếng cười sảng khoái, giải tỏa căng thẳng...