Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình - sách giáo khoa phổ thông

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình - sách giáo khoa phổ thông
(GD&TĐ) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, chiều 15/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 
11
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chiều 15/8). Ảnh: gdtd.vn
Bức tranh tổng thể 
Báo cáo giám sát do Đoàn giám sát của UBTVQH thực hiện cho thấy: Quy mô giáo dục phổ thông (GDPT) và mạng lưới các cơ sở GDPT đã từng bước được củng cố và phát triển; phân bố hợp lý, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của HS trong cả nước. Tuy nhiên, công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới cơ sở GDPT vẫn còn chậm, thiếu tính dự báo và chưa sát với yêu cầu của thực tiễn.
Các mô hình GD đặc biệt phát triển khá đa dạng, phù hợp với xu thế và đòi hỏi của thực tiễn, nhưng chưa bám sát mục tiêu đề ra, còn bất cập về cơ chế hoạt động, quản lý.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình GDPT, kết quả giám sát cho thấy: Việc tổ chức biên soạn chương trình – sách giáo khoa (CT - SGK) GDPT đã được triển khai nghiêm túc, nhưng quy trình biên soạn vẫn còn thiếu tính khoa học, chưa đảm bảo tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học. Việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai CT - SGK mới còn thiếu tính đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu dạy học.
Nguyên nhân chủ yếu được cho là hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên còn chưa đầy đủ và thiếu tính đồng bộ.
Đánh giá về CT - SGK GDPT, Đoàn giám sát cho rằng: Về cơ bản đã thể thiện được quan điểm, đường lối đổi mới GD của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt CT - SGK biên soạn đã kế thừa và phát huy được những ưu điểm cơ bản của các CT - SGK trước đây, phù hợp với xu hướng quốc tế về phát triển CT GDPT ở các thành tố cơ bản là: Mục tiêu GD; chuẩn kiến thức; phạm vi và cấu trúc nội dung GD; định hướng phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động GD; đánh giá kết quả GD.
Tuy vậy, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ công tác biên soạn vẫn thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và nhân cách HS. Một số môn học còn có nội dung thiếu tính khả thi, nhất là đối với HS dân tộc thiểu số và HS ở các địa bàn có điều kiện KT - XH khó khăn. 
Cũng theo kết quả giám sát, dù còn một số hạn chế nhất định nhưng tính liên thông và quan điểm dạy học phân hóa, tích hợp bước đầu đã được thể hiện trong CT - SGK GDPT. SGK GDPT có nhiều tiến bộ về nội dung và hình thức trình bày so với trước đây…
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cho rằng: Báo cáo giám sát đã cho thấy bức tranh khá đầy đủ, toàn diện về giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay, nhất là những bất cập, hạn chế trong chương trình sách giáo khoa. Hầu hết các  ý kiến đưa ra đều thống nhất nhận định: Mặc dù đã có những đổi mới, song CT - SGK hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự như kỳ vọng đặt ra. 
Cần thiết phải có các giải pháp cụ thể
Cho rằng CT - SGK còn nặng nề, chưa cân đối giữa dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kiến nghị: Sau kết quả giám sát, cần phải có được các giải pháp, trong đó đặc biệt là hướng giảm tải cả trong chương trình và các môn học.
Đánh giá về mô hình thí điểm chương trình THPT phân ban, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đa số đại biểu đều thống nhất với đánh giá của đoàn giám sát, với nhận định: Trên thực tế, việc tổ chức chương trình THPT hiện nay gần như không còn phân ban theo đúng ý nghĩa của nó, mà thực chất là việc dạy học phân hóa theo các khối thi đại học. 
Bên cạnh đó, nội dung SGK còn những điểm bất cập như báo cáo đã chỉ ra hầu hết các trường THPT, kể cả nhiều trường THPT chuyên chỉ tổ chức dạy học theo ban Cơ bản kết hợp với dạy nâng cao một số môn thi đại học theo lựa chọn của học sinh.
Để khắc phục những hạn chế, báo cáo đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo tiền đề và giám sát Chính phủ thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng GDPT.
Thảo luận về nội dung báo cáo, nhiều đại biểu đưa ra kiến nghị để hoàn chỉnh Báo cáo giám sát, từ đó xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đảm bảo chất lượng chương trình SGK và chất lượng GDPT, Báo cáo cần đưa ra những mục tiêu, định hướng cũng như giải pháp cụ thể hơn.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, những giải pháp rút ra từ kết quả giám sát chưa thấy trong Báo cáo để từ đó giúp các cơ quan, bộ, ngành thời gian tới đây đổi mới chương trình SGK phổ thông.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị: Nếu báo cáo không đưa ra giải pháp thì phần giải pháp trong Nghị quyết của UBTVQH phải chỉ rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, cơ chế chính sách, chủ thể chịu trách nhiệm, cơ quan tổ chức thực hiện, thời hạn hoàn thành. Bởi theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu không có các giải pháp cụ thể thì Nghị quyết sẽ làm khó Bộ GD&ĐT, vì đề ra quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ nhưng lại không đề xuất được giải pháp nào.
Đồng thuận với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Đã là Nghị quyết của Quốc hội ban hành thì phải có cơ chế chính sách cụ thể.  Theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chất lượng GDPT và CT - SGK là cần thiết. Tuy nhiên trong Nghị quyết cần giao nhiệm vụ  rõ ràng. Cần làm rõ yêu cầu UBTVQH phối hợp với Chính phủ, Văn phòng Quốc hội đề nghị trình QH xem xét ban hành chương trình SGK mới sau năm 2015 theo lộ trình; đặc biệt cần chú ý tới giải pháp tài chính cụ thể để hỗ trợ nâng cao chất lượng GDPT. 
Với quan điểm chỉ đạo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh Báo cáo giám sát, trình UBTVQH xem xét trước khi ra Nghị quyết thông qua.
Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ