Ưu tiên xây dựng văn hóa học đường với quyết tâm lớn

GD&TĐ -  Đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cần được chung tay triển khai thực hiện một cách nghiêm túc với quyết tâm lớn. Đây là nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” chiều 22/8.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị.

Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, văn hóa học đường là bộ phận rất quan trọng của văn hóa quốc gia, quan điểm xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vị trí quan trọng.

Xây dựng, phát triển văn hóa học đường Việt Nam trong thời kỳ mới không chỉ là trách nhiệm trực tiếp của ngành Giáo dục-Đào tạo, mà còn là trách nhiệm của Nhà nước, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp; mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội.

Thực chất văn hóa học đường là hệ giá trị chuẩn mực văn hóa, điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói của người quản lý giáo dục, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong giao tiếp với các thành viên trong nhà trường và xã hội. Văn hóa học đường là môi trường đặc biệt quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam thành những con người phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

PGS.TS Đào Duy Quát phát biểu tại hội nghị.
PGS.TS Đào Duy Quát phát biểu tại hội nghị.

Từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng phát triển văn hóa, con người nói chung và xây dựng phát triển văn hóa học đường nói riêng từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, trọng yếu trong 35 năm đổi mới, PGS.TS Đào Duy Quát kiến nghị Ban Bí thư quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng phát triển văn hóa học đường Trung ương. Ban chỉ đạo có đủ thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ và tăng cường nguồn lực cho xây dựng văn hóa học đường.

Đưa đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả triển khai công tác phối hợp giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và ngành Giáo dục trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hoá học đường, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh trước tiên đến việc các cấp bộ đoàn, hội, đội phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục để triển khai nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong việc triển khai các nội dung gắn với việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hoá trong học đường.

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp để gia tăng số lượng, tần suất tổ chức các cuộc thi, chương trình, diễn đàn cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới; góp phần thường xuyên đưa nội dung thiết thực đến học sinh, chuyển tải thông điệp một cách thường xuyên và liên tục để hình thành thói quen trở thành ý thức và biến thành những hành động cụ thể trong học sinh.

Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội nghị.

Trong công tác phối hợp, cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý về vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hoá ứng xử trong học đường. Cần quan tâm, tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ thầy cô giáo về vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hoá trong học đường.

Ông Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan toả ý nghĩa của diễn đàn; chú trọng sự vào cuộc của ban giám hiệu các trường trên cả nước trong việc quan tâm đến công tác tổ chức các hoạt động, sân chơi cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh công tác xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên phụ trách Đoàn, Hội, Đội; cần có sự tổng kết, đánh giá thường niên về những kết quả trong công tác phối hợp giữa 2 đơn vị về nội dung xây dựng văn hoá học đường.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại hội nghị.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề xuất một số nhiệm vụ trong việc xây dựng văn hóa học đường. Trong đó có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa trong gia đình. Chỉ đạo, tăng cường sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương, cộng đồng dân cư để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của học sinh, sinh viên.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong công tác giáo dục thể chất, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục triển khai Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025. Ứng dụng hiệu quả thành tựu chuyển đổi số trong công tác xây dựng văn hóa học đường đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Để công tác xây dựng văn hoá học đường đạt được những kết quả như kỳ vọng, tại hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng các nội dung đăng tải trên mạng Internet, nhất là các kênh Youtube, TikTok…; cần có chế tài xử lý tình trạng bắt nạt trực tuyến nhằm đảm bảo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho học sinh.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn, định hướng việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường theo giai đoạn hoặc năm học để tạo sự đồng bộ, thống nhất; đồng thời quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục trong trường học như: Cung cấp tài liệu Văn hóa học đường; xây dựng chuyên đề sinh hoạt Đoàn, Đội, giáo dục kỹ năng sống; chuyên đề văn hoá ứng xử trên mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên, giáo dục đạo đức, lối sống. Tổ chức các chương trình, các lớp tập huấn về công tác xây dựng văn hoá học đường cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị.

Nhiệm vụ lớn của không chỉ riêng ngành Giáo dục

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Văn hóa là phạm vi rất rộng lớn và hết sức quan trọng. Đối với ngành GD-ĐT, văn hóa quan trọng đến mức, đã có một thời kỳ người ta đồng nhất trình độ học vấn với trình độ văn hóa. Điều này thể hiện, trong đối tượng, mục tiêu của giáo dục, văn hóa là một phần vô cùng quan trọng; thậm chí yếu tố học vấn và văn hóa là không thể tách rời.

Các ý kiến tại hội nghị cũng bàn đến văn hóa từ nhiều góc độ. Có nhiều ý kiến khẳng định văn hóa là phạm vi vô cùng rộng lớn, và trên thực tế có đến hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Sự rộng lớn ấy dẫn đến khó khăn vì dễ rơi vào mơ hồ, không biết làm từ đâu và cần phải làm gì. Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ đã giải tỏa điều này khi xác định được những điểm rất quan trọng, cụ thể và chỉ rõ những việc cần làm.

Trước đó, tinh thần của Chỉ thị 08 cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới diễn ra gần đây, với ý nói, trong vấn đề mênh mông của văn hóa cần chú ý 2 phương diện: Giáo dục nhằm tạo lập hệ giá trị và giáo dục nhằm rèn luyện thái độ và hành vi ứng xử. Cốt lõi của văn hóa không gì khác là hệ giá trị và cơ chế vận hành của văn hóa không gì khác là các thái độ và hành vi ứng xử. Nên tạo dựng văn hóa học đường không gì khác là nhằm để tạo dựng hệ giá trị và rèn luyện, uốn nắn, bồi đắp cho những thái độ, hành vi và sự ứng xử.

Đối với ngành Giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề văn hóa thực ra còn rộng lớn hơn, với 2 phương diện được xác định, đó là: Giáo dục văn hóa và văn hóa giáo dục. Vấn đề bàn trong hội nghị hôm nay - văn hóa học đường - là một phần giáo dục văn hóa, với tư cách là những gì ngành Giáo dục tác động vào, hướng đến và tạo ra.

Muốn có giáo dục văn hóa tốt, theo Bộ trưởng, văn hóa giáo dục phải được tạo lập trên một cơ sở bao quát và rộng lớn; điều này không chỉ riêng ngành Giáo dục có thể làm được. Từ đó, Bộ trưởng mong muốn thúc đẩy sự hợp tác, để cùng vì mục tiêu rất rộng lớn này.

Cho biết các nhiệm vụ cụ thể để xây dựng, phát triển văn hóa học đường đã được nêu rất rõ trong Chỉ thị 08, tại hội nghị Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các địa phương, cơ sở giáo dục tập trung lưu ý các nội dung sau:

Thứ nhất, triển khai thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những vấn đề thuộc về hệ giá trị đã nêu ra, trong Chương trình mới đều đã có. Đặc biệt lưu ý triển khai tốt những môn học mới và giáo dục về thẩm mĩ, những yếu tố giáo dục mà rất có tác dụng trong việc phát triển con người. Làm thật tốt điều này là một bước quan trọng của gây dựng, phát triển văn hóa học đường từ góc độ nội dung cốt lõi.

Thứ hai, cần rà soát để chuẩn hóa, ban hành các bộ quy tắc ứng xử với những chuẩn mực trong nhà trường. Đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn để việc thực hiện này có hiệu quả nhất.

Thứ ba, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là thư viện và các yếu tố hạ tầng khác.

Thứ tư, tăng cường các yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kĩ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo, đúng với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo". Và văn hóa học đường, người hưởng thụ không chỉ là học sinh mà cả cộng đồng, cả thầy và trò. Có một môi trường văn hóa thật tốt thì chính các thầy cô cũng gắn bó, yên tâm cống hiến. Trong đó phải lấy tinh thần khoa học, dân chủ làm phương diện rất quan trọng để gây dựng yếu tố văn hóa đối với người thầy.

Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”.
Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”.

Để thực hiện điều này, Bộ trưởng cho rằng, không chỉ có nhà trường, mà cả xã hội, phụ huynh, cần tham gia cùng các nhà giáo. Mỗi người lớn cần là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo. Mỗi phụ huynh cần là tấm gương lương thiện cho học sinh noi theo. Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng đẹp cho học sinh noi theo. Không thể phó thác chỉ cho thầy cô làm gương. Nếu trong trường, thầy cô làm gương tốt, nhưng ra khỏi cổng trường gặp đầy những tấm gương xấu thì hiệu quả giáo dục cũng trở nên mong manh

Bộ trưởng mong rằng, trong các quy định, các đòi hỏi của xã hội cần có sự công bằng và yêu cầu các phía cùng vào cuộc trong công cuộc lớn. Các nhiệm vụ này phải được xác định ở những tầm vóc, quy mô rộng lớn hơn.

“Chúng ta cần quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường để đây là môi trường trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất, và đương nhiên là môi trường đậm chất văn hóa nhất. Đồng thời, chính trong môi trường đó cũng cần làm cho các em gia tăng sức đề kháng về văn hóa, có đủ khả năng để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, nhận thức và phản biện. Chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh về văn hóa và sức đề kháng về văn hóa mới có được nhân cách, phẩm chất và năng lực bền vững. Từ đó, việc phát triển văn hóa học đường sẽ có tinh thần lan tỏa và bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.