Phát triển văn hóa vẫn còn hạn chế
Về thực hiện chỉ tiêu tăng năng suất lao động, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, sớm khắc phục tình trạng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn như hiện nay.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) ghi nhận năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cả nước đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, chất lượng năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Thu ngân sách chưa cao, thiếu bền vững, nợ đọng thuế có xu hướng tăng. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, an ninh trật tự an toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp.
Cho ý kiến về phát triển văn hóa, đại biểu Phan Viết Lượng cho biết trong 10 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, cũng như Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Theo đại biểu, phát triển văn hóa chưa tương xứng ngang hàng với phát triển kinh tế, một số bất cập, hạn chế chưa được tháo gỡ. Đại biểu cho biết, những khó khăn vì nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Để phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình đã ban hành.
Trong đó, cần ưu tiên các chính sách, giải pháp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa văn học nghệ thuật, xây dựng môi trường con người, văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. |
Về thực hiện cơ chế tự chủ cho đơn vị sự nghiệp, đại biểu Phan Viết Lượng đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong các quy định hiện hành ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động các đơn vị cũng như chất lượng cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực y tế giáo dục.
Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tổ chức đánh giá, làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; có giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ khả thi. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện nghiêm trách nhiệm ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy định.
Cần bám sát thực tế
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận), để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 như đã đề ra, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Về phương hướng cho năm 2023, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) đề nghị, cần thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 với các biến thể mới và các bệnh dịch khác nhằm đảm bảo an toàn xã hội, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh. |
Bên cạnh đó, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Công khai, minh bạch các thông tin về điều hành giá, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng đề nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quản lý để đẩy nhanh tốc độ đầu tư công. Các địa phương cần chủ động tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả công tác này.
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, trong thời gian tới cần phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò của kinh tế đối ngoại để giữ vững sự phát triển ổn định của kinh tế trong nước, cần bám sát thực tế để chủ động có sự thích ứng linh hoạt để đảm bảo nền kinh tế nước ta độc lập tự chủ trong giai đoạn hội nhập tới. Tập trung khai thác các hiệp định thương mại. Quan tâm đến vấn đề xuất nhập khẩu; nâng cao tính sáng tạo, chủ động linh hoạt trong công tác quản lý nhà nước.