ĐBQH kiến nghị tăng lương cơ sở càng sớm, càng tốt

GD&TĐ - Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị nếu quyết định tăng lương, nên áp dụng càng sớm càng tốt, thời điểm có thể từ 1/1/2023. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị nếu quyết định tăng lương, nên áp dụng càng sớm càng tốt, thời điểm có thể từ 1/1/2023. Bởi từ nay đến 1/7/2023 còn rất lâu, trượt giá tăng cao.

Tại Kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV, Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 12,5%. Bên cạnh đó, hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. Thêm nữa là tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Nếu được thông qua, việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Đồng thời, từ ngày 1/1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30.12.2021 của Bộ Chính trị.

Liên quan tới vấn đề trên, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tổng hợp ý kiến từ 19 tổ thảo luận về ngân sách, nhiều ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.

Một số ý kiến cho rằng, thời điểm tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 thì như vậy 4 năm mới được tăng lương. Vì thời điểm tăng lương gần nhất là năm 2019. Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, ngành y tế cán bộ, công chức kể cả cấp xã.

"Do vậy, hiện nay mong muốn của người hưởng lương là kiến nghị Chính phủ cần cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương sớm hơn từ ngày 1.1.2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương", Tổng thư ký Quốc hội nêu ý kiến của 11 vị đại biểu đề nghị.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công cần bảo đảm cao hơn chuẩn nghèo đô thị.

Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện tăng lương cơ sở năm 2023 là cần thiết. Nhưng cũng cần điều chỉnh trợ cấp bảo trợ xã hội ở mức cao hơn do hiện tại, mức hỗ trợ (360.000 đồng/người/ tháng) còn khá thấp so với mức chuẩn nghèo ở thành thị và nông thôn và cũng điều chỉnh từ ngày 1/7/2023 để bảo đảm tính thống nhất.

Có ý kiến nhất trí tăng lương tối thiểu. Tuy nhiên đề nghị không tăng đồng đều, chỉ tăng cho bộ phận lương thấp, đồng thời phải có đánh giá lại mức sống cơ bản, mức sống tối thiểu theo vùng miền, khu vực. Đề nghị xem xét không tăng lương cơ sở đối với những đơn vị, địa phương có cơ chế đặc thù.

Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, có ý kiến đề nghị tăng phụ cấp của cán bộ không chuyên trách cấp xã do mức hỗ trợ hiện tại chưa tạo được sự động viên cho người thực hiện nhiệm vụ. Có đại biểu đề nghị làm rõ các cơ quan thanh tra nhà nước có được điều chỉnh tăng lương cơ sở hay không.

Một số đại biểu khác thì cho rằng cần xác định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024 trong Nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng trì hoãn, kéo dài việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương.

Bên cạnh đó, đại biểu khác lưu ý, trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương theo quy định tại Nghị quyết số 27 của Trung ương, cần có quy định cụ thể trong việc quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng, bảo đảm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

GD&TĐ - Khoảng 16h30 ngày 19/9, xưởng in có diện tích khoảng 300m2 ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra cháy lớn.