Ưu tiên đất cho giáo dục?

GD&TĐ - Đất đang được sử dụng vào mục đích văn hóa, giáo dục thì có cách nào để ưu tiên sử dụng, tránh chuyển đổi vì mục đích lợi nhuận thuần túy hay không?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: Ưu tiên thế nào với đất đang được sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục?
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: Ưu tiên thế nào với đất đang được sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục?

Vẫn còn bất cập

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên đặt vấn đề khi thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Qua thực tế đại biểu nhận thấy, rất nhiều đất, nhất là đất trường học, đất cơ sở văn hóa ở các khu vực trung tâm và được các nhà đầu tư rất quan tâm. Khi chuyển sang mục đích sử dụng khác hoặc đấu giá thì những khu đất này thu hút được sự ưu tiên của các nhà đầu tư.

“Qua thực tế chúng tôi thấy, nhiều cơ sở giáo dục, kể cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi chỉ chuyển đổi vị trí sang vị trí đất khác cách vài cây số thì việc thu hút người vào học hết sức khó khăn” - đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho hay.

Theo đại biểu, trừ những nơi như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đất chật, người đông thì nhiều khu vực ở huyện, thị xã đất đai vẫn còn rất rộng và việc chuyển các cơ sở này ra bên ngoài khá xa như vậy là không cần thiết.

Khi thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư về phát triển giáo dục nghề nghiệp với những chỉ tiêu rất quan trọng để phát triển giáo dục nghề nghiệp, nếu chuyển các cơ sở giáo dục này ra bên ngoài một cách đơn giản như vậy thì sẽ dẫn đến không có người học.

Bởi vì sinh viên còn có nhu cầu làm thêm, nhu cầu kết nối văn hóa và đi lại cho thuận lợi hoặc gắn bó với gia đình để bớt gánh nặng chi phí, chỉ chuyển đổi đi khoảng 5-10 cây số cũng hết sức khó khăn cho các cơ sở này và lãng phí nguồn lực, dù giáo viên, cơ sở vật chất đã được chuẩn bị.

“Trong tuần qua, tôi đã đến Hãng Phim truyện Việt Nam. Chúng tôi đã chứng kiến tận mắt sự đổ nát của một cơ sở hơn 4.000 m2 ở trung tâm thủ đô. Khi tư duy khác nhau về đất sẽ dẫn đến bất động” - đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói.

Đại biểu đoàn Phú Yên chia sẻ, từ năm 2018 đến nay các nghệ sĩ, trong đó có các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú của Hãng Phim truyện Việt Nam không có lương, không có bảo hiểm.

Nhiều nghệ sĩ đến tuổi về hưu sẽ hưởng một mức lương hết sức khiêm tốn. Họ không nói gì về đãi ngộ đối với họ nhưng họ xót xa cho một hãng phim được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập và năm nay là 70 năm kỷ niệm thành lập.

“Tôi biết, Thủ tướng rất quan tâm vấn đề này, đã chỉ đạo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc với các bên để giải quyết dứt điểm. Tôi nghĩ xử lý những hệ quả này, cần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung” - đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói.

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Quan tâm đến cơ sở giáo dục ngoài công lập

Liên quan đến quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đại biểu đoàn Phú Yên nêu ý kiến, trong các đối tượng được miễn giảm có quy định là các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có trường học.

Tuy nhiên, hiện đang thực hiện xã hội hóa giáo dục và chúng ta thấy các trường, kể cả mầm non, giáo dục tiểu học, THCS đều đang thiếu trường. Chúng ta trông vào các nguồn lực đầu tư của xã hội.

TP Hà Nội vừa rồi tổ chức vào lớp 10 các trường THPT công lập rất căng thẳng, vì các trường công lập của Hà Nội chỉ đáp ứng được 60%. Nếu chỉ ưu tiên cho các cơ sở công lập thì chúng ta đang đẩy khó khăn không chỉ cho các nhà đầu tư về giáo dục, mà trực tiếp là ảnh hưởng đến tương lai con em chúng ta.

Rất nhiều trường dân lập, trường tư thục hiện nay chất lượng đào tạo tốt, có uy tín và phụ huynh hoàn toàn có thể gửi gắm, ưu tiên vào đó. Nhiều nhà đầu tư giáo dục không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, mà còn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

“Theo tôi, nếu không tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, không hiểu sâu về giáo dục thì các nhà đầu tư giáo dục nghĩ đến lợi ích thuần túy chắc chắn sẽ thất bại, trong một tư duy hướng đến thế hệ tương lai và đất nước hiếu học như chúng ta” - đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói.

Theo đại biểu, phụ huynh đủ tinh tường để nhận ra những người có tâm huyết với giáo dục và những người thuần túy kinh doanh giáo dục, tìm cách đẩy các nguồn thu lên vì mục đích kinh doanh thông thường và chắc chắn họ sẽ khó tồn tại.

“Điều 157 cần thiết kế thêm đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập” - đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề xuất và cho rằng, sự ưu tiên đó thì không mất mát đi đâu.

Với sự giám sát chung của công luận, cũng như sự quan tâm của phụ huynh và của cả xã hội với giáo dục thì những ưu tiên đó sẽ tạo ra được những thành quả tốt đẹp, phù hợp.

Đồng thời chống lại được tư duy ngắn hạn trong kinh doanh giáo dục, chộp giật trong tăng học phí bằng mọi giá để đẩy gánh nặng về phía người học và ngăn cản cơ hội đến trường của thế hệ tương lai, đặc biệt là những người yếu thế, con em những gia đình nghèo và những người rất có thể trở thành nhân tài để gánh vác sứ mệnh của đất nước trong tương lai.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc kỹ đến những nguồn lực đầu tư cho văn hóa, giáo dục như một sự đầu tư trực tiếp cho tương lai con em chúng ta, chứ không thuần túy nhìn vào đối tượng là nhà đầu tư, những nhà kinh doanh để có những cách áp dụng các quy định cho phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.