Ưu tiên củng cố, phát triển cơ sở giáo dục khu vực Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 24/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Đắc Lắk.

Học sinh và giáo viên tỉnh Gia Lai trong giờ học.
Học sinh và giáo viên tỉnh Gia Lai trong giờ học.

Ưu tiên củng cố trường nội trú, bán trú và cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm phát triển giáo dục Tây Nguyên là một trong số mục tiêu Bộ GD&ĐT hướng đến trong Hội nghị này.

Thay đổi tích cực

Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Đắk Nông. Trong những năm qua, hệ thống mạng lưới trường lớp học được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.

Về cơ bản, không còn xã trắng về giáo dục mầm non, mọi thôn bản đều có lớp mầm non. Các xã đều có trường tiểu học và điểm trường, lớp ghép được mở ở hầu hết thôn, bản, buôn, vùng sâu, vùng cao, đặc biệt khó khăn. Từ đó tạo cơ hội cho trẻ dân tộc thiểu số trong độ tuổi đều được đi học. Bên cạnh đó, phần lớn số xã đã có trường trung học cơ sở (THCS), các huyện đều có trường trung học phổ thông (THPT). Ngoài ra, nhiều địa phương đã xây dựng các trường THCS, THPT liên xã.

Không còn xã trắng về giáo dục mầm non, mọi thôn bản ở 5 tỉnh Tây Nguyên đều có lớp mầm non.

Không còn xã trắng về giáo dục mầm non, mọi thôn bản ở 5 tỉnh Tây Nguyên đều có lớp mầm non.

Theo số liệu thống kê, năm học 2021 - 2022, toàn vùng Tây nguyên có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 494 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên so với năm học 2010 - 2011).

Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện quy hoạch mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo nhân lực người dân tộc thiểu số. Năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 59 trường phổ thông dân tộc nội trú (chiếm 18,5% tổng số trường phổ thông dân tộc nội trú trong toàn quốc), với khoảng 13.533 học sinh. 49 trường phổ thông dân tộc nội trú (chiếm tỷ lệ 83,05%) được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó có 68 trường phổ thông dân tộc bán trú (chiếm 5,9% tổng số trường phổ thông dân tộc bán trú trong toàn quốc), với khoảng 12.494 học sinh.

Thời gian vừa qua, đào tạo đại học vùng Tây Nguyên đã gắn kết và phù hợp hơn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chất lượng nguồn nhân lực dần được cải thiện. Chính sách cử tuyển để đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số được mở rộng; mạng lưới đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề tiếp tục được củng cố.

Trong năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%, còn THPT là 98,7%. Chất lượng giáo dục các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98,9%; học sinh bán trú cấp THCS hoàn thành cấp học đạt 92%.

Với những kết quả trên, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú đã và đang làm thay đổi chất lượng giáo dục ở vùng Tây Nguyên. Sự phát triển ổn định về quy mô, số lượng và chất lượng đã khẳng định vai trò to lớn của hệ thống trường này trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đến nay, về cơ bản toàn vùng đã đạt mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Bên cạnh đó, 40% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và 74,2% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 cùng với 94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Cơ sở vật chất các trường tại Kon Tum được đầu tư, sửa chữa...
Cơ sở vật chất các trường tại Kon Tum được đầu tư, sửa chữa...

Đẩy mạnh kiên cố hoá trường lớp

Trong những năm qua, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại khu vực Tây Nguyên tăng dần. Riêng năm 2021, con số này là 12.812 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2011.

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học những năm qua khu vực Tây Nguyên tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Năm học 2020-2021, tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu vùng Tây Nguyên đạt 61% (cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, và cao hơn 6,6% so với bình quân cả nước).

Không những thế, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong năm 2022, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 – 2026. Riêng khu vực Tây Nguyên, năm học 2022 - 2023, được bổ sung 2.037 biên chế giáo viên các cấp.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục vùng Tây Nguyên cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Theo đó còn trường có quy mô nhỏ, cấp tiểu học, mầm non còn nhiều điểm trường lẻ. Không ít cơ sở giáo dục trên địa bàn thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp và quá tải nên học sinh phải học 2 ca, học nhờ, học tạm. Ngoài ra, số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập.

Đồng thời, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên được điều động, tăng cường, luân chuyển từ vùng có điều kiện thuận lợi lên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gặp một số vướng mắc. Không những thế, giáo viên công tác ở các xã khu vực III - đạt chuẩn Nông thôn mới, thôi hưởng hỗ trợ làm ảnh hưởng đến mức sống, điều kiện sinh hoạt và tâm lý gắn bó với nghề.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (Đắk Lắk) ngày 23/3.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (Đắk Lắk) ngày 23/3.

Nhằm phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập. Từ đó giảm điểm trường lẻ để đảm bảo cho trẻ em, học sinh được chăm sóc, giáo dục ở điểm trường trung tâm. Bên cạnh đó đa dạng hóa mô hình giáo dục và phương thức học tập để phù hợp với mọi người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Trong đó ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên sẽ thực hiện việc tuyển dụng số biên chế được giao bảo đảm về số lượng và chất lượng. Đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên theo lộ trình.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời hợp tác, kết nối và liên kết vùng, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.

Sáng 24/3, tại Đắk Lắk, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT sẽ dự Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.