Một trong những lợi thế lớn nhất của Israel trong cuộc đối đầu quân sự với Iran không chỉ là sự bảo vệ hạt nhân trực tiếp của Hoa Kỳ mà còn là sự hiện diện của vũ khí hạt nhân của riêng mình, điều mà chính quyền Tel Aviv chưa bao giờ thừa nhận, nhưng ai cũng biết.
Theo giới phân tích, trong tình huống như vậy, Tel Aviv có thể tăng mức cược vô thời hạn trong cuộc đối đầu quân sự với Tehran.
Theo giới chuyên gia quân sự, Israel đã nhận được quả bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1966, với sự giúp đỡ đáng kể từ Pháp, cũng như sự hỗ trợ trực tiếp của nhiều nhóm khác nhau ở quốc gia Na Uy.
Tel Aviv đã bước vào câu lạc bộ hạt nhân khi công nghệ hạt nhân nhập khẩu có sẵn kết hợp với việc vào thời điểm đó, không có chế tài quốc tế nào về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Định dạng chế tài quốc tế đầu tiên về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt chỉ xuất hiện vào cuối những năm 1960, cùng với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và dĩ nhiên là Tel Aviv đã từ chối ký kết, vì không có chữ ký có nghĩa là họ không có nghĩa vụ tuân thủ nó.
Trong quá khứ, Tel Aviv đã sử dụng hiệu quả mối đe dọa hạt nhân để gây áp lực không chỉ lên kẻ thù của mình là Ai Cập trong Chiến tranh Yom Kippur tháng 10 năm 1973, mà còn lên cả đồng minh của mình.
Tel Aviv đã yêu cầu Washington ngay lập tức bắt đầu hỗ trợ quân sự quy mô lớn, nếu không họ sẽ phải “tiến hành chiến tranh bằng các biện pháp khác” và dĩ nhiên là Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã phải nhanh chóng nhượng bộ trước một “đồng minh cứng đầu” như Israel.
Israel cũng thiết lập một hình ảnh hư hư thực thực với phong cách điển hình là “tôi không có vũ khí hạt nhân, tất cả đều là những tuyên bố không có căn cứ, nhưng tốt hơn hết là bạn không nên kiểm tra xem chúng có thực sự tồn tại hay không và liệu chúng tôi có dám sử dụng chúng hay không”.
Điều quan trọng hơn là Israel đã không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ pháp lý nào hạn chế quyền tự do hành động của mình.
Không giống như Iran, quốc gia đã ký NPT với tư cách là một cường quốc phi hạt nhân và đưa ra lời lẽ về tội lỗi của vũ khí hạt nhân thậm chí là một phần trong tuyên truyền của mình.
Và bây giờ, Iran chợt thấy mình đang lâm vào một tình huống khá khó khăn, ngay cả khi họ có công nghệ và có khả năng nhanh chóng sản xuất uranium cấp độ vũ khí và tạo ra một vụ nổ hạt nhân.
Tình hình đã không còn nằm trong phạm trù quân sự, mà còn là chính trị, ý thức hệ và các tuyên truyền, khi Israel và phương Tây đang nắm trong tay một con bài có vẻ “chính trực”.
Khi khai chiến với Iran, Israel không chỉ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phương Tây mà cũng không vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế (trừ một số đồng minh của Tehran), ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng chỉ có “những tuyên bố quan ngại về tình hình chiến sự leo thang” và yêu cầu “các bên cùng kiềm chế”.
Tóm lại, khi Iran không có kho vũ khí hạt nhân, những tuyên bố của Tehran về việc “Tôi sẽ không làm điều này với bạn nếu bạn không làm điều này với tôi” là không đủ để nước này có thể chống lại tình hình khó khăn trong cuộc đối đầu quân sự với Israel.