Uống nhầm nước lá ngón, 2 vợ chồng ngộ độc nặng

GD&TĐ - Đi chăn trâu trên rừng, vợ chồng bệnh nhân hái lá ngón về đun nước uống vì đinh ninh đó là lá cây beo. Sau khi uống cả hai người đều bị co giật, nôn mửa, đau đầu.

Lá ngón hai vợ chồng hái đun nước uống, được người nhà mang đến bệnh viện. Ảnh: BV.
Lá ngón hai vợ chồng hái đun nước uống, được người nhà mang đến bệnh viện. Ảnh: BV.

Ngày 11/5, theo chia sẻ của TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, gần đây nhất là trường hợp 1 gia đình trong lúc đi chăn trâu trên rừng, hái nhầm lá ngón về đun nước uống do nghĩ đó là lá cây beo (lá loại cây này rất giống với lá ngón, người dân thường hái về ăn hoặc nấu nước uống).

Sau khi uống nước, 2 vợ chồng xuất hiện tình trạng đau đầu, choáng váng, nôn, co giật, được người thân vận chuyển đến Trung tâm Y tế huyện để cấp cứu. Người vợ uống ít hơn nên mức độ ngộ độc nhẹ, được điều trị ở tuyến y tế cơ sở.

Không may mắn, người chồng do uống nhiều hơn nên rơi vào tình trạng nguy kịch: Co giật, suy hô hấp, hôn mê, được y tế cơ sở đặt ống nội khí quản hô hấp nhân tạo, sơ cứu ban đầu rồi chuyển đến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Khi nhập viện, bệnh nhân hôn mê sâu, thở hoàn toàn theo bóng bóp qua ống nội khí quản, rối loạn nhịp tim, co giật từng cơn, đồng tử giãn. Tình trạng bệnh nhân tiên lượng rất xấu. Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị tích cực: Thở máy, cắt cơn co giật, điều chỉnh rối loạn nhịp tim, thải độc, truyền dịch.

Hiện tại, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, tự thở được, đang tiếp tục được điều trị, theo dõi tích cực.

Cũng theo bác sĩ, cây lá ngón (còn gọi cây rút ruột) thuộc dòng họ cây mã tiền, có chất cực độc ở rễ - lá - hoa - thân cây, tác động trực tiếp đến dẫn truyền thần kinh gây co giật, liệt cơ, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, có thể gây chết người trong trong thời gian ngắn nếu không được cấp cứu kịp thời. Cây lá ngón thuộc họ cây leo, lá nhỏ (hình như lá trầu không nhưng mỏng), hoa màu vàng.

Khi ngộ độc lá ngón, cần sơ cứu ban đầu (gây nôn, bơm rửa dạ dày) và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế. Tại các cơ sở y tế, cần nhanh chóng đào thải chất độc ra khỏi đường tiêu hóa (gây nôn, bơm rửa dạ dày, dùng thuốc thải độc, thở máy, lọc máu, điều chỉnh rối loạn nhịp tim - rối loạn nước, điện giải).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.