Gần đây, trên TikTok và các nền tảng truyền thông xã hội khác, một số người đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc uống cà phê hoặc bất kỳ loại đồ uống có chứa caffein nào trước bữa sáng, trong khi đối với những người khác, đó là một phần không thể thiếu trong thói quen của họ.
Cà phê ảnh hưởng đến mỗi người theo cách khác nhau. Các chuyên gia cho biết, đối với những người nhạy cảm, uống cà phê khi bụng đói có thể dẫn đến chứng khó tiêu hoặc những khó chịu nhỏ khác.
Nhưng nói chung, ý nghĩ “uống cà phê trước bữa sáng là nguy hiểm” là sai lầm, Bonnie Jortberg, Tiến sĩ, nhà khoa học dinh dưỡng và phó giáo sư y học gia đình tại Đại học Colorado Anschutz Medical Campus (Hoa Kỳ) cho biết:
“Hầu hết mọi người sẽ không gặp vấn đề gì với việc uống cà phê khi bụng đói ngoại trừ có thể có thêm một chút axit dạ dày”.
Một số người có thể cảm thấy khó chịu, nhưng giới khoa học chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy uống cà phê khi bụng đói sẽ dẫn đến đau dạ dày.
Những cách cà phê ảnh hưởng đến cơ thể
Cà phê có thể gây ra một số cơn đau nhẹ hoặc khó chịu ở đường tiêu hóa đối với một số người. (Ảnh: ITN) |
Mặc dù cà phê ảnh hưởng đến mỗi người theo những cách khác nhau, nhưng đồ uống này có thể có một số tác động lên hệ tiêu hóa và toàn bộ cơ thể.
Chất caffeine trong cà phê là điểm thu hút chính đối với những người có thói quen uống vào buổi sáng, đặc biệt là khi caffeine có thể dẫn đến chứng khó tiêu hoặc trào ngược axit ở một số người.
Harmony Allison, trợ lý giáo sư về tiêu hóa tại Trung tâm Y tế Tufts (Hoa Kỳ), nói với Health: “Bản thân caffeine có thể làm lỏng thực quản dưới hoặc làm giãn cơ thắt thực quản dưới, là cửa nối giữa thực quản và dạ dày”.
Jortberg cho biết thêm, caffeine không chỉ làm suy yếu rào cản giữa thực quản và dạ dày mà còn kích thích sản xuất axit dạ dày.
Sự kết hợp này dẫn đến trào ngược axit hoặc các chất trong dạ dày di chuyển ngược vào thực quản. Kết quả là mọi người thường bị ợ nóng.
Tuy nhiên, những vấn đề khác có thể xảy ra khi uống cà phê lúc đói. Thứ nhất, độ axit của cà phê có thể là một vấn đề đối với một số người. Allison cho biết: “Cà phê có độ pH khoảng 5 và dạ dày có độ pH là 4”.
Allison giải thích: “Nếu bạn uống cà phê khi bụng đói, dạ dày của bạn có thể có tính axit cao hơn, dẫn đến cảm giác khó chịu, đặc biệt đối với những người bị viêm thực quản.”
Do đó, việc nạp một ít thức ăn vào dạ dày trước khi uống cà phê sẽ loại bỏ mọi vấn đề về axit hoặc pH.
Cà phê cũng có tác dụng khác đối với cơ thể, chẳng hạn như tăng khả năng đi tiểu hoặc kích thích ruột.
Allison cho biết: “Đối với một số người, cà phê gây ra một số kích thích đối với cơ trơn. Họ có thể thấy phân lỏng sau khi uống cà phê hoặc uống quá nhiều cà phê, điều này gây bất tiện hoặc khó chịu.”
Ngoài những ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, một số người nhận thấy rằng uống cà phê khi bụng đói sẽ dẫn đến cảm giác bồn chồn.
Cà phê có thể gây ra một số cơn đau nhẹ hoặc khó chịu ở đường tiêu hóa đối với một số người, nhưng nhìn chung, việc uống một tách cà phê vào buổi sáng không nguy hiểm.
Một phân tích tổng hợp năm 2014 không tìm thấy mối liên hệ đáng kể nào giữa việc tiêu thụ cà phê và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), gây ra chứng trào ngược axit mãn tính hoặc kéo dài.
Các chuyên gia cũng đồng ý rằng cà phê không thể gây loét dạ dày hoặc làm tổn thương hệ tiêu hóa theo bất kỳ cách nào khác.
Jortberg nói: “Đối với 99% số người ngoài kia, quan niệm uống cà phê khi bụng đói sẽ không tốt là chuyện hoang đường”.
Kiểm soát chứng kích ứng dạ dày liên quan đến cà phê
Nếu bạn cho rằng mình là người có đường ruột nhạy cảm, bạn có thể muốn gắn bó với cà phê rang đậm. (Ảnh: ITN) |
Các chuyên gia cho rằng nếu bạn bị trào ngược axit, đau dạ dày hoặc các triệu chứng khác khi uống cà phê lúc bụng đói thì việc ăn trước chắc chắn không gây hại gì.
Nhưng nếu bạn không có thời gian ăn sáng trước khi thưởng thức tách cà phê, thì những điều chỉnh nhỏ khác có thể giúp giảm nguy cơ mắc bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào.
Jortberg khuyến nghị mọi người có thể cho sữa hoặc kem vào cà phê để giảm độ axit. Allison cho biết thêm, đối với những người không dung nạp lactose, điều quan trọng là họ phải sử dụng sữa có nguồn gốc thực vật, nếu không họ có thể có nguy cơ làm cho bất kỳ cơn đau dạ dày nào liên quan đến cà phê trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, loại cà phê mà bạn uống cũng đóng một vai trò nào đó. Jortberg giải thích: “Có vẻ như cà phê rang đậm thực sự ít có tác dụng kích thích axit dạ dày hơn so với cà phê rang nhạt. Nếu bạn cho rằng mình là người có đường ruột nhạy cảm, bạn có thể muốn gắn bó với cà phê rang đậm.”
Allison cho biết thêm, nếu bạn cảm thấy bồn chồn, trào ngược axit hoặc các vấn đề khác có thể do caffeine, bạn cũng nên thử giảm lượng cà phê nạp vào hoặc chọn loại không chứa caffein.
“Nói chung, uống cà phê khi bụng đói sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề gì. Vì vậy, nếu sau khi điều chỉnh mà bạn vẫn cảm thấy khó chịu về đường tiêu hóa, tốt nhất bạn nên tránh hoàn toàn cà phê”, Jortberg và Allison cho biết.
Điều quan trọng là bạn nên uống cà phê một cách an toàn, có nghĩa là tiêu thụ không quá 400 miligam caffeine mỗi ngày.