Ươm tương lai từ những căn nhà “chờ đổ”

GD&TĐ - Hàng chục năm bám bản dạy học, nơi ở của nhiều giáo viên vùng cao Nghệ An là mấy gian nhà tạm. Có những căn nhà gỗ đã “tạm” 20 năm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng quà cho gia đình cô giáo công tác tại điểm trường Buộc Mú (Trường Tiểu học Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An).
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng quà cho gia đình cô giáo công tác tại điểm trường Buộc Mú (Trường Tiểu học Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An).

Hè nóng, đông lạnh, mưa vào tận phòng

Cô giáo trẻ Ngân Thị Thanh Nhàn cắm bản đi dạy tại Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương, Nghệ An).
Cô giáo trẻ Ngân Thị Thanh Nhàn cắm bản đi dạy tại Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương,
Nghệ An).

Phía sau Trường Tiểu học Bình Chuẩn (huyện Con Cuông, Nghệ An) có dãy nhà 5 phòng liền kề dựng bằng gỗ tạm. Đó chính là “nhà công vụ” của gần 10 thầy, cô giáo nhà xa vào đây dạy học. Với tuổi thọ gần 20 năm, dãy nhà vốn dựng tạm nay càng xuống cấp.

Phía trong, mối mọt đã ăn mòn cửa và các cột gỗ. Dù mỗi năm, các thầy cô đã gia cố, tu sửa, lợp lại mái, nhưng mùa hè nóng nực, mùa đông gió luồn vào rét buốt, còn mùa mưa thì dột. 

Cô Vi Thị Lịch dạy học ở Bình Chuẩn hơn 10 năm, và cũng từng ấy thời gian gắn bó với nơi ở tạm này. “Sợ nhất là giông lốc, gian nhà có thể bị tốc mái, sập xuống bất cứ lúc nào. Đợt này đang vào mùa mưa bão, nên giáo viên ở đây càng vất vả.

Chúng tôi quây bạt che chắn xung quanh và bên dưới mái ngói để đỡ lạnh và mưa tạt nước vào. Nhưng nếu mưa to, gió lớn, chúng tôi phải sơ tán hết đồ đạc và chạy lên phòng học để trú cho an toàn”, cô Lịch nói. 

Bình Chuẩn là xã xa xôi nhất, cách trung tâm huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) hơn 40km, nơi sinh sống của bà con dân tộc Thái. Vì vậy, không chỉ giáo viên miền xuôi, khác huyện, mà ngay cả thầy cô, người huyện Con Cuông cũng phải “cắm bản” vì đường sá xa xôi.

Thầy Đào Xuân Toàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Chuẩn cho hay: “Hàng năm, trường đều huy động mọi nguồn lực tu sửa, đảo ngói... để khu giáo viên dạy điểm lẻ vững chãi hơn. Tuy nhiên, đời sống bà con nơi đây đang vất vả, thiếu thốn nên khó vận động xã hội hóa. Chúng tôi cũng chỉ biết động viên anh em trong trường. Vì thực tế ai cũng xác định đã vào vùng khó công tác thì phải chịu khổ hơn vùng thuận lợi”.

Tương tự, Trường Mầm non Bình Chuẩn cũng có 7 cô giáo nhà xa ở lại trường. Gửi con cái cho ông bà nội ngoại 2 bên, các cô chỉ biết dồn tình yêu thương, chăm sóc cho những đứa trẻ nơi đây. Không có nhà công vụ, nhà trường tạo điều kiện cho 2 giáo viên ở tạm trong phòng y tế, nhưng không có nơi sinh hoạt, nấu ăn. Số giáo viên còn lại phải thuê trọ trong nhà dân ở. 

“Chúng tôi chỉ mong muốn được hỗ trợ xây dựng nhà công vụ. Với một trường vùng khó, giáo viên ở trường nhiều hơn ở nhà, nhưng lại đang chịu cảnh “ăn nhờ ở đậu”. Có thể xây dựng một khu nhà chung cho cả giáo viên tiểu học và mầm non để tiết kiệm chi phí và diện tích đất, để các thầy cô yên tâm cắm bản”, thầy Đào Xuân Toàn nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn cho biết, chính quyền địa phương cũng nắm được tình hình khó khăn và nguyện vọng của các nhà trường về nhà công vụ.

Tuy nhiên, ngân sách địa phương hạn hẹp, huy động xã hội hóa ở vùng sâu, vùng xa khó khăn nên vẫn phải chờ nguồn hỗ trợ. Kể cả UBND xã cũng chưa có nhà công vụ cho cán bộ, phải tận dụng nhà để xe, cải tạo 6 căn phòng tạm cho 13 người ở. 

Nhà công vụ giáo viên Trường Tiểu học Mường Ải từng bị lũ quét đánh sập năm 2018.
Nhà công vụ giáo viên Trường Tiểu học Mường Ải từng bị lũ quét đánh sập năm 2018.

Chỗ ở an toàn là mong ước xa xỉ!

Mùa mưa năm 2018, lũ quét liên tiếp đã cuốn trôi toàn bộ dãy nhà công vụ và gây thiệt hại cho một số nhà của giáo viên tự dựng quanh Trường Tiểu học Mường Ải (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

Rất may, thời điểm xảy ra lũ trùng vào dịp hè. Ngày trả phép quay lại trường, giáo viên đứng trước dãy nhà ở chỉ còn lại đống gạch đổ nát, ngổn ngang lo lắng. 

Thời điểm đó, con đường duy nhất từ Mường Ải ra thị trấn cũng bị cuốn trôi nhiều đoạn xuống sông Nậm Mộ. Giáo viên tuyến biên giới Mường Típ – Mường Ải bị cô lập hàng tháng trời.

Để kịp thời hỗ trợ các thầy trò Trường Tiểu học Mường Ải, Công đoàn GD Việt Nam phát động và hỗ trợ xây dựng nhà công vụ với 3 phòng và công trình phụ trợ với tổng trị giá 700 triệu đồng. 

“Mường Ải là đặc thù, địa hình độ dốc cao, trường học lại nằm bên sông Nậm Típ, hay xảy ra lũ quét, lũ ống. Có chỗ ở an toàn là mong mỏi và niềm vui lớn của thầy cô nơi đây”, thầy Nguyễn Ngọc Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Ải nói. 

Dù vậy, với đa số giáo viên ở lại trường dạy học, thì 3 phòng công vụ chỉ đáp ứng được phần nhỏ. Những giáo viên nhà ở huyện Kỳ Sơn, hoặc lấy vợ lấy chồng công tác ở Mường Ải nhường suất nhà công vụ cho đồng nghiệp và đi thuê trọ hoặc dựng nhà ở gần trường.

Nhà công vụ giáo viên Trường Tiểu học Bình Chuẩn (huyện Con Cuông, Nghệ An) bị mối mọt cửa, cột gỗ.
Nhà công vụ giáo viên Trường Tiểu học Bình Chuẩn (huyện Con Cuông, Nghệ An) bị mối mọt cửa, cột gỗ.

Trường Tiểu học Tam Hợp cũng đóng ở vùng biên giới khó khăn, huyện Tương Dương, Nghệ An. Theo thầy Nguyễn Đình Mận – Hiệu trưởng nhà trường, có 60% giáo viên đang phải ở ký túc xá, tập trung tại 2 điểm bản Mông là Phà Lõm và Huồi Sơn. 

Nhiều năm trước, do giao thông hiểm trở, chí phí vận chuyển mua nguyên vật liệu đắt đỏ, trường không có điều kiện xây nhà công vụ. Thay vào đó, giáo viên cắm bản được bố trí ở tạm trong phòng học, ghép bàn ghế học sinh lại làm chỗ ngủ. Buổi sáng dậy sớm, dọn dẹp, “trả lại” không gian dạy học. 

Nhưng việc sắp xếp này chỉ giải quyết được nơi ở, còn chỗ ăn uống, sinh hoạt tạm bợ, muôn vàn khó khăn. Sau đó, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Tam Hợp xin ý kiến chính quyền địa phương và vận động bà con hỗ trợ dựng nhà ở cho giáo viên.  

“UBND xã hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại người dân góp gỗ, tre nứa, ngày công để hoàn thành dãy nhà 4 phòng ở và nhà bếp cho giáo viên ở bản Phà Lõm. Nhiều năm các thầy cô tâm huyết, chăm lo cho học sinh, nhìn thấy rõ sự tiến bộ của con em, nên dân bản cũng rất ủng hộ.

Đặc biệt già Lầu Bá Dềnh là người uy tín, trưởng bản Phà Lõm đã hỗ trợ nhà trường rất nhiều. Còn bản Huồi Sơn sau khi được đầu tư xây dựng mới, thì phòng học cũ được cải tạo lại làm ký túc xá. Nhờ đó, giáo viên dạy điểm lẻ của trường cũng yên tâm ở lại công tác”, thầy Mận chia sẻ.

Ông Nguyễn Tử Phương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho biết: Nhà công vụ vừa là nhu cầu bức thiết, lâu dài vừa mang ý nghĩa nhân văn, trực tiếp tác động đến tinh thần đời sống của giáo viên vùng cao. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng mong muốn, với sự quan tâm kịp thời của tổ chức công đoàn và chính quyền địa phương, sẽ có nhiều hơn nhà công vụ được xây dựng.

Để hỗ trợ cho giáo viên vùng khó yên tâm công tác, những năm qua, Công đoàn GD Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn GD Nghệ An đã hỗ trợ xây dựng nhiều mái ấm công đoàn và nhà công vụ cho giáo viên như ở Trường THPT Tương Dương 2, Trường Mầm non Nhôn Mai (huyện Tương Dương), Trường Tiểu học Mường Ải (huyện Kỳ Sơn), Trường Mầm non Thông Thụ (huyện Quế Phong)…

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.