Đó hẳn là những chữ ký, việc làm chẳng đặng đừng khi ứng xử với những người tiền nhiệm có chức danh như mình, hoặc tương đương. Lại càng khó khăn hơn, khi đã là lần thứ hai, thứ ba, Bộ Xây dựng buộc phải ký công văn đòi nhà gửi các cựu quan chức lớn này…
Nhà công vụ là gì mà khó trả, khó đòi đến thế?
Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định rõ: “Nhà ở công vụ là nhà ở được dùng để cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định của Luật này thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác”. Đơn giản chỉ có thế, với sự khu biệt rất cụ thể, rõ ràng về phạm vi không gian, thời gian của đối tượng thuộc diện được ở, được thuê là các quan chức, viên chức của Nhà nước, Chính phủ, cơ quan doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội… Xin nhắc lại để nhấn mạnh rằng, chỉ “trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác”!
Tất nhiên, tùy từng đối tượng cụ thể mà chế độ nhà ở công vụ có sự khác nhau, tương xứng với nhiệm vụ được giao. Việc quan chức cỡ thứ trưởng hoặc tương đương thì diện tích nhà ở công vụ lớn, nếu ở với gia đình thì lại lớn hơn; nội thất các căn hộ cũng được trang bị đầy đủ, đàng hoàng hơn (định mức khoảng 160 triệu đồng/căn)… là điều không viên chức nào so bì, tị nạnh. Người dân cũng không bày tỏ ý kiến gì phản đối về chế độ nhà ở công vụ cho quan chức, nhất là với những người phải xa gia đình, quê hương chịu nhiều thiệt thòi…
Có thể nhà ở công vụ ấy, định mức nội thất căn hộ ấy không đáng là bao so với những đóng góp của các cựu quan chức lớn cho đơn vị, cho xã hội. Nhưng ấy là chuyện khác, bởi quy định là quy định, pháp luật cần được tôn trọng, thực hiện nghiêm minh. Nói ngắn gọn, giản đơn là: Khi đã nghỉ hưu, cũng là lúc hết chế độ nhà ở công vụ, phải trả lại cho Nhà nước. Đơn giản thế thôi! Ấy vậy mà 2 - 3 lần Bộ Xây dựng gửi công văn rồi mà vẫn “án binh bất động”. Thế thì nó đã vượt quá câu chuyện nhà ở công vụ và chế độ khi đương chức rồi…
Nhiều chuyên gia tính chắc rằng, với mức lương hiện nay, để mua được căn hộ chung cư trị giá vài tỷ đồng là không hề dễ dàng, dù có là thứ trưởng và cả đời tích cóp. Nhưng ở đây, không bàn đến chuyện giàu - nghèo, đến thu nhập, tích lũy… mà chỉ giản đơn rằng, khi không được hưởng chế độ, nghĩa là những gì không còn thuộc về mình, thì không nên cố níu kéo.
Đó không chỉ là chỗ ở đơn thuần hay căn hộ chung cư công vụ nữa, mà còn là phẩm giá, danh dự, liêm sỉ của các cựu quan chức lãnh đạo cấp cao. Khi ấy, nó còn là tấm gương để nhân dân soi vào, nghĩ suy về những cựu cán bộ cấp chiến lược được nêu đích danh nơi ở, nơi công tác… Và như thế, tác động không tích cực còn rộng lớn hơn nhiều…