Ươm tạo tinh thần khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ươm tạo tinh thần khởi nghiệp cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường THPT là việc làm cần thiết, thể hiện trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và toàn xã hội. Qua đó nhằm hun đúc ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Ươm tạo tinh thần khởi nghiệp cho học sinh. Ảnh minh hoạ: TG
Ươm tạo tinh thần khởi nghiệp cho học sinh. Ảnh minh hoạ: TG

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Với ý tưởng khởi nghiệp “Sản xuất rèm che tích năng lượng mặt trời”; Nguyễn Đăng Phương và Đoàn Phương Thảo – học sinh lớp 11A1, Trường THPT Ngô Quyền (Quảng Ninh) đã giành giải nhất Cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp VNUA 2022” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Chia sẻ lý do để có ý tưởng này, Nguyễn Đăng Phương cho hay: em muốn sản xuất ra sản phẩm tích hợp che nắng để bảo vệ sức khoẻ và các thiết bị trong gia đình khi trời nắng; đồng thời muốn sử dụng nguồn năng lượng bền vững, không gây ô nhiễm môi trường.

“Hiện nay nhu cầu sử dụng thiết bị trong gia đình ngày càng tăng, trong khi diện tích phòng lại hạn chế nên cần đến một thiết bị tích hợp giữa đèn ngủ và rèm cửa tự động. Đây cũng là lý do để em có ý tưởng khởi nghiệp trên” – Đăng Phương chia sẻ, đồng thời cho biết ý tưởng của em là sự kết nối tối ưu giữa việc sử dụng ánh sáng và tự động hoá, bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Phương mong muốn ý tưởng được sản xuất và sử dụng rộng rãi đến mọi gia đình để bảo vệ sức khoẻ, đồ dùng trong gia đình; đồng thời bảo vệ môi trường bằng việc sử dụng nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường.

Nguyễn Đăng Phương và Đoàn Phương Thảo được trường THPT Ngô Quyền, Quảng Ninh vinh danh khen thưởng. Ảnh: NVCC

Nguyễn Đăng Phương và Đoàn Phương Thảo được trường THPT Ngô Quyền, Quảng Ninh vinh danh khen thưởng. Ảnh: NVCC

Chia sẻ tính năng của thiết bị trên, Đăng Phương cho hay: Rèm che dùng để che nắng; chuyển hoá quang năng thành điện năng; Tích điện, sử dụng điện năng tích để chiếu sáng vào buổi tói qua hệ thống đèn led tích hợp trên rèm.

Từ thực tế nghiên cứu của mình, Đăng Phương nhận thấy, việc ươm tạo tinh thần khởi nghiệp cho học sinh THPT là cần thiết. Qua đó không chỉ giúp học sinh phát triển kỹ năng làm việc nhóm, phương pháp học tập, làm việc khoa học, mà còn giúp các em có được nhãn quan về thị trường, năng lực của bản thân; từ đó định hướng, hun đúc tinh thần lập thân, lập nghiệp sau này.

Theo cô Nguyễn Phương Lan – Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang), khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên có vai trò quan trọng, quyết định không nhỏ trong sự phát triển của một quốc gia.

Đặc biệt, công tác ươm tạo tinh thần khởi nghiệp cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế trường THPT là hoạt động cần thiết, thể hiện trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và toàn xã hội trong việc thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của phong trào khởi nghiệp.

Bằng chứng là, thời gian qua, rất nhiều học sinh, sinh viên đã khởi nghiệp thành công, trở thành những doanh nhân trẻ, thành đạt, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác.

Hỗ trợ và hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên là việc làm cần thiết. Ảnh minh hoạ/internet

Hỗ trợ và hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên là việc làm cần thiết. Ảnh minh hoạ/internet

Túi rỗng so với đầu rỗng, cái nào quan trọng hơn?

Có ý tưởng khởi nghiệp từ khi còn là học sinh, sinh viên, nay trở thành Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, ông Vũ Quang Hội – đưa ra lời khuyên: Nếu chọn được con đường đúng và tự tin, bạn sẽ khởi nghiệp thành công. Muốn vậy, các bạn phải học và tích luỹ kinh nghiệm.

“Cần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, kinh nghiệm là đáng quý nhưng nếu biết kết hợp với kiến thức, học thuật sẽ cho bạn thành công hơn” – ông Hội tư vấn, đồng thời cho rằng, các bạn không nên so sánh hơn – kém; quan trọng là có thích hay không và sản phẩm đó có ích cho xã hội như thế nào. Nếu đủ đam mê thì cơ hội thành công sẽ đến với các bạn.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội), khởi nghiệp là việc mà những người sáng tạo, ham học hỏi và đầy khát vọng chọn để làm. Khởi nghiệp không nhất thiết là bắt đầu ngay với những điều lớn lao, mà nhiều khi là từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Điều gì khiến chúng ta mong muốn nhất, trăn trở nhất sẽ khuyến khích chúng ta tìm tòi, sáng tạo.

“Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên vô bờ của thế hệ trẻ. Tinh thần khởi nghiệp không chỉ cần có ở những người trẻ tuổi, mà ngay cả khi đã là một doanh nhân thành đạt thì vẫn cần có tinh thần khởi nghiệp để tiếp tục sáng tạo và tạo ra những công ty mới, những của cải mới cho xã hội” - đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong một buổi nói chuyện, truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong một buổi nói chuyện, truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Nói chuyện truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp, miễn là có đủ đam mê, sáng tạo.

Cho rằng, khởi nghiệp không phân biệt tuổi tác; Bộ trưởng viện dẫn: TS Nguyễn Thanh Mỹ là một ví dụ. Ông từng là một cậu bé nghèo ở tỉnh Trà Vinh. Ngày bé, ông mưu sinh bằng cách rong ruổi khắp các nẻo đường để bán kem và bánh mì. Sau này, ông làm tiến sĩ ở Canada và nay trở thành Chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan.

Từ câu chuyện của TS Lê Thanh Mỹ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi, khởi nghiệp cần có ý tưởng, bởi ý tưởng tốt sẽ tạo ra nguồn lực. Nếu nghĩ đồng tiền trước bạn sẽ thất bại. “Túi rỗng so với đầu rỗng thì cái nào quan trọng hơn?” – Bộ trưởng đặt vấn đề.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mọi sự khởi đầu từ câu hỏi nên khởi nghiệp cũng bắt đầu từ những câu hỏi và thực tế sẽ cho các em những câu hỏi thiết thực, với những vấn đề cần giải quyết. Ngoài ra, các em hãy tìm sách để đọc nhằm kích hoạt ý tưởng và bổ sung tri thức cho mình.

TS Dương Thành Huân - Phó Trưởng Ban Công tác Chính trị và Công tác Sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - nhìn nhận, mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý sống để khẳng định mình. Quan trọng hơn, các em được thử thách, kiểm nghiệm năng lực bản thân. Với các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đây chính là quãng thời gian “vàng” quan trọng nhất để chuẩn bị cho mình về kiến thức và kỹ năng, cũng như bản lĩnh và tinh thần để khởi nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ