Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam – thông tin: Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 26,5% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam có 1 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Nữ giới đóng góp tới 40% của cải của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế phụ nữ Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, thách thức trong phát triển bản thân, nhưng lại rất có lợi thế trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Phụ nữ có năng lực đặc biệt trong việc phát hiện vấn đề, tinh tế, mềm mỏng trong giao tiếp, tỷ mỉ, chỉn chu trong từng việc nhỏ và linh hoạt, nhạy bén trong giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, với bản tính ân cần, chu đáo, phụ nữ cũng quan tâm hơn tới các vấn đề xã hội, phụ nữ thường đóng vai trò vừa đổi mới sáng tạo xã hội, vừa cân bằng các yếu tố nhân văn, giải quyết các thách thức xã hội...
“Ở khía cạnh khác, chúng ta nhìn nhận vai trò của các lãnh đạo nữ trong chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình đương đầu với đại dịch, duy trì đà tăng trưởng hoặc khởi nghiệp trong giai đoạn thách thức này. Không chỉ kinh doanh thành công, các doanh nghiệp và start-up do phụ nữ lãnh đạo còn rất quan tâm đến việc chung tay giải quyết các thách thức xã hội do Covid-19 gây ra”- PGS.TS Trần Quang Tiến bày tỏ.
Theo lãnh đạo Học viện Phụ nữ Việt Nam, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thể hiện nhiều ưu điểm hơn như: sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn và có rất nhiều tấm gương tiêu biểu thực hiện trách nhiệm xã hội, cùng cộng đồng vượt qua đại dịch.
Phụ nữ lãnh đạo có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt nên đã có nhiều cơ hội biến "nguy" thành "cơ" với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh bình thường mới.
“Các chuyên gia cho rằng, còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội để thúc đẩy phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp trong bối cảnh bình thường mới. Các doanh nghiệp nữ đều cần tự tin vào bản thân mình, khẳng định quyền được lựa chọn, theo đuổi ước mơ, sáng tạo và đóng góp vào tiến trình phát triển xã hội. Phụ nữ thành công và hạnh phúc sẽ tạo dựng nên xã hội hạnh phúc và phát triển bền vững” - PGS.TS Trần Quang Tiến nhấn mạnh.
Theo bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bất chấp những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là với những doanh nghiệp khởi nghiệp, nhiều chị em phụ nữ khởi nghiệp đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong giải quyết thách thức xã hội trong thời kỳ đại dịch.
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, phụ nữ lãnh đạo có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt hơn nên đã có nhiều cơ hội biến "nguy" thành "cơ" với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh thích ứng mới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lại thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn.
“Có thể thấy tầm quan trọng và đóng góp to lớn của doanh nghiệp do nữ làm chủ trong nền kinh tế. Cùng với đó, phụ nữ thành công và hạnh phúc cũng thúc đẩy xã hội phát triển bền vững và hạnh phúc” – bà Thảo chia sẻ.