Nhọc nhằn cô giáo vùng cao

GD&TĐ - Những năm qua có nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp các Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Quy Nhơn, Huế, Vinh... đã tình nguyện vượt thác ghềnh lên vùng biên giới Quảng Bình để làm nghề gõ đầu trẻ. Những cô giáo được đào tạo chính quy chỉ có một ham muốn được “thử sức”, được “cống hiến” sức trẻ của mình, góp phần giúp đỡ các trẻ thơ người đồng bào dân tộc biên thùy có “chữ của Bác Hồ” làm sáng cái bụng...

Giờ tập thể dục của học sinh Trường Sơn
Giờ tập thể dục của học sinh Trường Sơn

Con theo mẹ “đóng đô” biên giới

Một mình ở lại vùng sâu, vùng xa nơi biên cương hẻo lánh dạy học đã là vất vả lắm rồi, đằng này nhiều cô giáo dạy tại xã biên giới Trường Sơn huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) còn “đèo” theo đứa con thơ dại vượt qua bao nhiêu con thác dữ đến với biên cương.

Ngồi trên chiếc đò khách đông đúc từ chợ Hiền Ninh đi Trường Sơn có rất nhiều cô giáo, nhưng ấn tượng nhất đối với chúng tôi là cô Nguyễn Thị Tâm mang theo đứa con 10 tháng tuổi ngồi chen chúc trong khoang đò. Trước khi đò rời bến, cô gửi con cho người ngồi bên cạnh, nhảy ra khỏi đò chạy ù một cái vào chợ mua thêm sữa, bột cho cháu uống thêm dọc đường.

Suốt hành trình ngược dòng Đại Giang, chúng tôi một thân một mình, đi lên xuống thác ở thượng nguồn mà còn sợ phát khiếp. Ấy vậy mà cô Tâm một mình ôm con và bao nhiêu đồ đạc của mẹ, của con mang theo cồng kềnh. Ngồi trên chiếc đò chạy bằng máy cô-le lao vun vút, thằng bé con cô Tâm cứ cười không biết chuyện gì, thi thoảng nó cũng bị nước sông bắn lên ướt như bao hành khách khác.

Cô Tâm xởi lởi: “Em lên bản dạy được 5 năm rồi. Năm trước, về sinh con ở nhà mẹ nghỉ theo chế độ, con được mấy tháng phải mang lên Trường Sơn. Ở xa gia đình không có ai giúp đỡ, chồng công tác tít ở Đồng Hới. Mọi thứ đều dựa vào các cô, các thầy trong trường giúp. Giờ hành chính đi dạy phải mang con vào dân gửi, mỗi tháng hết 700.000 đồng, rồi tiền thuốc... Tất cả đều nằm trong lương của một giáo viên mới ra trường, lâu lâu ông bà nội, ngoại “phụ” thêm”.

Bây giờ con cô Tâm đã biết ăn cháo, nhưng hằng tháng chế độ “bếp tập thể” của trường, chỉ buổi tối và thứ bảy, chủ nhật mới có điều kiện cho con “ăn tươi”.

Nghe cô Tâm kể chuyện, cô giáo Nguyễn Thị Thu ngồi bên cạnh tự nhiên òa khóc. Hỏi ra mới biết, năm ngoái cô Thu cũng mang con từ dưới đồng bằng lên biên giới “cắm chốt” như cô Tâm bây giờ. Tết vừa rồi, cả hai mẹ con xuôi dòng Đại Giang về cai sữa cho con. Sau Tết, mẹ lại ngược lên vùng sơn cước, con ở lại nhà với bố.

Cô Thu ngồi giữa sân trường tiểu học Long Sơn, nhìn xung quanh toàn núi đá vôi bao phủ mà lòng dạ không yên. Vì thương đứa con vừa mới “dứt” dòng sữa ngọt ngào của mẹ, thương ông chồng vụng về cảnh “gà trống nuôi con”, giá như có mẹ ở nhà thì con được miếng cháo ngon.

Nhưng, bao nhiêu đứa trẻ ở vùng biên giới này cũng đang “khát chữ” như con “khát sữa”. Lòng nặng trĩu của người mẹ, người cô giáo phải lo vẹn toàn đôi đường.

Học trò đòi “đầu độc” cô giáo

Cô giáo Nguyễn Ngọc Mai lúc đang ngồi trên ghế giảng đường Trường Đại học Sư phạm Huế, có bao nhiêu ấp ủ, ước mơ và dự định, khi ra trường sẽ được dạy ở thành phố, thị xã. Ở đó có điều kiện tiếp cận được nhiều tiến bộ của khoa học và văn minh đô thị... Nhưng rồi cô đã tình nguyện lên vùng cao, với một lý do đơn giản, “trẻ em vùng biên giới đang đói chữ”.

Ngày đến Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Ninh nhận quyết định lên Trường Sơn, lòng cô luôn lo âu. “Em nghe nói đi Trường Sơn phải vượt qua nhiều con thác dữ, bệnh sốt rét hoành hành... Sợ thật, nhưng em quyết định xông pha thử sức của chính mình!” - Mai tâm sự.

Rồi một buổi sáng nọ, vào lúc 5 giờ, Mai ôm “đồ nghề” theo bà con dân bản tự tìm đến trường. Chiếc đò máy chở Mai vừa mới chuyển sang chế độ chạy thác, Mai bắt đầu khóc nức nở. “Sợ lắm, mỗi khi đò lên thác, chiếc đò cứ nhảy chồm chồm, rồi nghiêng qua nghiêng lại. Thi thoảng đò va vào đá nghe chan chát. Miệng thì khóc, tay phải vịn chặt mạn đò, mắt nhắm kín mít vì sợ.

Qua thác Tam Lu xuống đò đi bộ đường đá lởm chởm hai bàn chân sưng phồng lên. 11 giờ trưa đò đến trường, các thầy, các cô ra đón, em lại khóc. Tối hôm đó chứng kiến cảnh không điện, không ti vi, mỗi phòng chỉ có một cây nến đỏ lèm chèm. Mấy cô ở lâu còn nói: “Vì em mới lên nên “ưu tiên” cho nến đỏ khuya, bằng không đã tắt lâu rồi, chỉ ngồi trong mùng nói chuyện cho đỡ tiền”.

Mai ở lại trường chính dạy được một thời gian để làm quen, sau đó phải vào dạy các lớp độc lập ở bản đồng bào dân tộc xa trung tâm xã. Mai nhớ mãi ngày vào bản:

“Chưa bao giờ tiếp xúc với bà con và học sinh đồng bào dân tộc. Một mình ở có bao nhiêu chuyện bỡ ngỡ. Học sinh tuổi gần bằng cô giáo, mình động viên các em, các em không chịu nghe, thường xuyên bỏ học, mà còn dọa “đầu độc” cô giáo bằng lá rừng. Không chịu thua học trò mà ngồi yên ở lớp, buổi trưa, buổi tối em tranh thủ xuống nhà trưởng bản và vào từng nhà giải thích, vận động bà con quan tâm, cho các em đi học.

Bà con dần hiểu ra tầm quan trọng của cái chữ nên đã khuyên con đi học. Học sinh biết điều, thương cô giáo. Cũng vì chuyện đi vận động các em đi học, em và cô Nam suýt chết đuối khi vượt sông. Thực chất đã bị chìm xuống rồi, sau đó có người chạy đến kéo lên”.

Các cô giáo dạy ở các bản đồng bào dân tộc một mình phải lo toan tất cả. Giờ hành chính phòng làm lớp học, hết giờ phòng chuyển sang nơi ở và sinh hoạt của các cô. Lúc nào có “lệnh” triệu tập thì các cô mới cuốc bộ, trèo núi, vượt sông về “đại bản doanh” họp hội đồng hoặc nghe quán triệt một vài chỉ thị, hướng dẫn mới. Họp xong, các cô cũng nhanh chân đi mua mấy thứ đồ dùng và chút thức ăn tươi cải thiện, rồi phải vào bản trước khi mặt trời xuống núi.

Cô giáo Nguyễn Thị Nam có dáng người nhỏ nhắn kể về những đợt “tiếp tế” từ dưới xuôi lên: “Ở trên này cái gì cũng đắt hơn dưới đồng bằng rất nhiều, tháng nào mẹ cũng chuẩn bị mắm ruốc, thịt chà bông... gửi đò lên cho em. Sống ở đây toàn là hàng “dự trữ”, khi nào ra trường mới dám mua được tí thịt ăn. Bà con thấy tội, thỉnh thoảng cho thêm vài con cá mụn nấu canh cải thiện.

Khổ nhất là chuyện đi gánh nước dùng, hằng ngày em phải đi bộ xa mới tải được 20 lít nước, rồi tự kiếm củi đốt. Ngày thứ bảy, chủ nhật không soạn giáo án, theo bà con lên rẫy giúp với họ”.

Ở vùng biên giới Trường Sơn có rất nhiều lớp học như lớp cô Mai, cô Nam. Hằng ngày các cô “chung sống” với bà con, dạy chữ cho các em, có những bản thuận lợi, vì trước kia thầy giáo biên phòng đã vận động mở lớp, bây giờ các cô vào kế nghiệp mang tính chuyên nghiệp hơn.

Ai có ở trong cuộc mới biết hết cái cực nhọc chuyện dạy chữ vùng cao. Đó là những bản các cô, các thầy còn cố gắng đến được. Còn những bản nằm sát đường biên giới Việt – Lào, núi cao chót vót, vực sâu thăm thẳm, phải đi bộ cả ngày mới vào được bản, ở đó “chữ của Bác Hồ” vẫn chưa vào được. Những người lính biên phòng và thầy giáo Trường Sơn đã nhiều lần họp bàn, tính chuyện đưa chữ vào cho bà con...

Đò vượt thác Tam Lu

Đò vượt thác Tam Lu

Với một điểm trường ở trung tâm xã cùng 5 điểm trường lẻ, Trường tiểu học Long Sơn - Trường Sơn - Quảng Ninh là một trong những ngôi trường thuộc diện khó khăn hàng đầu của huyện. Điểm trường xa nhất, khó khăn nhất là bản Dốc Mây, nằm ở điểm tiếp giáp biên giới Việt - Lào, cách trung tâm gần 10 km và khoảng 6 giờ đồng hồ băng đường rừng. Trong tổng số 269 học sinh của trường thì đã có 204 học sinh là người đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.