Ươm mầm hy vọng nơi 'ốc đảo' Chà Lâng

GD&TĐ - Điểm bản Chà Lâng, Trường Tiểu học Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) nằm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ với 100% học sinh người Mông.

Thầy Của là tấm gương sáng về một học sinh Mông đã biến giấc mơ làm thầy giáo thành hiện thực.
Thầy Của là tấm gương sáng về một học sinh Mông đã biến giấc mơ làm thầy giáo thành hiện thực.

Đường bộ chưa nối liền, đường sông xa xôi vất vả, những đứa trẻ lớn lên giữa ốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài.

Trăn trở của cô giáo người Thái dạy học bản Mông

Thầy cô giáo mất cả ngày đường ngồi thuyền, vượt dốc, thậm chí cả đi bộ mới vào đến bản. Dưới con dốc, mấy phòng học với khoảng sân con nhiều năm nay vẫn đều đặn có thầy có trò, với mong mỏi giản đơn là giúp những đứa trẻ Mông có thể đi xa hơn, bớt nghèo khó, vất vả.

Cô Kha Thị Tý (SN 1974) cầm tay giúp Lầu Y Mò tập viết mẫu từ khó trong bài học, rồi ra ngoài lớp nói nhỏ: “Thương con bé lắm, mất mẹ từ nhỏ, năm ngoái bố cũng mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Y Mò ở với ông bà nội và chú. Trước đây, ông bà muốn Mò ở nhà trông các em con chú và làm giúp việc nhà, nhưng em muốn đi học giống các bạn. Khi cô đến nhà, Mò kéo tay cô nói nửa tiếng Việt, nửa tiếng Mông “em đi học để thành người khôn giống cô giáo, không muốn ở nhà làm người ngu dốt”. Vận động mãi ông bà cũng thay đổi, cho cháu đi học, nên Mò mới kịp vào lớp 1”.

Năm học 2022 - 2023, cô Kha Thị Tý phụ trách lớp 1 của điểm Chà Lâng với vỏn vẹn 7 học sinh, đều có hoàn cảnh gia đình vất vả. Riêng Lầu Y Mò mồ côi cả bố lẫn mẹ. Em có một anh trai đang học Trường Dân tộc nội trú THCS huyện Tương Dương, đóng tại thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương), còn mình ở bản cùng ông bà. Nhưng ông bà cũng khó khăn, không biết nuôi cháu đi học được đến lúc nào. Cô muốn hỏi thủ tục để hướng dẫn gia đình gửi Y Mò xuống làng trẻ SOS, hy vọng việc học của em sẽ bảo đảm hơn.

Một chốn 4 quê nhưng cô Tý vẫn quyết tâm bám bản, chăm lo cho những đứa trẻ Mông.

Một chốn 4 quê nhưng cô Tý vẫn quyết tâm bám bản, chăm lo cho những đứa trẻ Mông.

Bản Chà Lâng (xã Hữu Khuông) trong khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, chưa có đường thẳng từ trung tâm huyện Tương Dương vào. Để lên tới ốc đảo nằm ở độ cao trên 1.200m này, phải mất 3 tiếng ngồi thuyền vào bản Con Phen hoặc bản Xàn. Sau đó đi xe máy từ các bản này lên Chà Lâng.

Nếu thời tiết xấu, trời mưa, thì chỉ còn cách đi bộ trên con đường trơn trượt, nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Địa bàn khó khăn như vậy cho nên đến nay, Chà Lâng có 48 hộ với hơn 300 nhân khẩu nhưng hơn 79% là hộ nghèo. Năm học này là năm thứ 4 cô Kha Thị Tý gắn bó với Trường Tiểu học Hữu Khuông và điểm bản Chà Lâng.

Cô là người dân tộc Thái, cũng ở huyện Tương Dương, nhưng quê “vùng ngoài” tại xã Tam Đình. Sau khi tốt nghiệp sư phạm năm 1993, cô quay về quê hương dạy học và được phân công đến xã biên giới Tam Hợp nhận nhiệm vụ. Sau đó cô lập gia đình, ổn định cuộc sống tại Tam Hợp cho đến khi chuyển tới Trường Tiểu học Hữu Khuông và cắm bản Hữu Khuông cách đây 3 năm.

Chỉ vào chiếc xe Wave được gắn thêm khung sắt phía sau, cô Tý “khoe” đó phương tiện đi dạy của mình. “Gắn thêm khung như vậy để nếu lỡ ngã xe thì còn có giá đỡ. Tôi thường đi thuyền vào trường chính, rồi từ đó chạy xe máy lên Chà Lâng, bị ngã là chuyện bình thường. Mỗi lần vào thì mang theo gạo, muối, thức ăn khô dự trữ vì trong bản không có chợ”, cô kể.

Cô Kha Thị Tý và em Lầu Y Mò mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Cô Kha Thị Tý và em Lầu Y Mò mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Chồng cô Kha Thị Tý quê ở Nam Định, nay đây mai đó kiếm tiền, cùng vợ nuôi con. Vì hoàn cảnh và để có môi trường học tập tốt, hai vợ chồng quyết định gửi con gái về quê nội ở với ông bà. “Con rất cố gắng, là học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) và giờ là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Tôi cứ nghĩ đến con rồi lại cố gắng vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu nuôi con tốt nghiệp đại học”, cô tự hào nói về con gái.

Một chốn bốn quê, gia đình lại mỗi người một ngả, nên phần lớn thời gian cô Tý đều ở lại Chà Lâng. Thỉnh thoảng mới về thăm bố mẹ ở Tam Đình. Tết đến thì ra Nam Định để gia đình đoàn tụ. Cô chia sẻ: “Ở lâu thành quen, tôi coi học sinh ở đây như con mình, vừa dạy học, vừa đến thăm nhà thường xuyên. Học sinh của tôi phần lớn bố mẹ đi làm công nhân ở miền Nam, nên ở cùng ông bà, họ hàng. Mà ông bà thì nhiều cháu không thể chăm sóc xuể. Tôi phải thường xuyên giữ học sinh ở lại tắm rửa, giặt quần áo, rồi xin quần áo cho các em thay đổi…”, cô kể.

Thầy Lỳ Bá Của có 15 năm gắn bó với ốc đảo Chà Lâng.

Thầy Lỳ Bá Của có 15 năm gắn bó với ốc đảo Chà Lâng.

Khơi dậy ước mơ cho trò vùng ốc đảo

Điểm trường Chà Lâng năm học này có 25 học sinh, 7 em lớp 1, lớp 2 có 7 em và lớp 4 có 11 em. Còn lớp 3 và lớp 5 được chuyển ra trường chính để thuận lợi học Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình GDPT mới.

So với Tam Hợp, cô Kha Thị Tý dạy học tại Chà Lâng xa xôi, vất vả hơn rất nhiều, chưa kể chế độ phụ cấp không cao bằng trường cũ do đây không phải là khu vực biên giới. Nhưng sau thời gian cắm bản Mông, cô giáo người Thái dần gắn bó với nơi lòng hồ này, với những đứa trẻ thiếu thốn đủ bề nhưng thích đi học, đến trường.

Phụ trách lớp 1 học Chương trình, SGK mới, nhưng thiết bị dạy học thiếu thốn, mạng Internet hạn chế, cô kết hợp cả phương pháp cũ lẫn mới. “Quan trọng nhất là các em đến lớp đầy đủ. Trẻ lớp 1 ở đây mới biết rất ít tiếng Việt và phát âm không chuẩn do ảnh hưởng âm ngữ tiếng mẹ đẻ. Vậy nên, cách dạy cũng linh hoạt với mục tiêu để các em biết đọc biết viết nhiều nhất”, cô Kha Thị Tý chia sẻ.

Điểm bản Chà Lâng, Trường Tiểu học Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Điểm bản Chà Lâng, Trường Tiểu học Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Thầy Và Bá Tánh, sinh năm 1996 mới vào nghề 3 năm nay, và dạy lớp 2 tại Chà Lâng. Thầy Tánh là người bản địa nên thuận lợi trong giao tiếp, hiểu phong tục tập quán của học sinh. Năm học này, thầy đạt giáo viên giỏi trường và tham gia thi huyện. Tuy chưa đạt giải nhưng thầy giáo trẻ cho biết chặng đường phấn đấu của mình còn rất dài, sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực trau dồi chuyên môn, đem lại nhiều bài học hay cho học trò.

Bản thân từ một học trò vùng cao, quyết tâm theo học để có nghề nghiệp, thầy Tánh có sự đồng cảm với những đứa trẻ Mông và gieo vào học sinh điều mới mẻ, thú vị. “Tôi cố gắng vận dụng phương pháp mới, tổ chức nhiều hoạt động để học sinh chủ động tham gia đóng góp ý kiến. Học sinh Mông khá rụt rè, ngại giao tiếp với người lạ, nhưng thông minh và có trí nhớ tốt. Đặc biệt, các em thích múa hát và chơi trò chơi. Biết cách giúp các em cởi bỏ e ngại, lồng vào hoạt động trải nghiệm, trò chơi vào tiết dạy, học sinh tiếp thu nhanh hơn”, thầy giáo trẻ chia sẻ.

Trong số giáo viên đến Chà Lâng, thầy Lỳ Bá Của có thâm niên nhất, dạy học từ khi điểm trường lẻ này còn tạm bợ, chưa kiên cố hóa. Với 15 năm làm nghề giáo và cũng chừng ấy năm thầy gắn bó với ốc đảo này. Trước đây, con đường học tập của thầy Của vô cùng gian nan. Nhà ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Mỗi ngày, Của phải dậy sớm “chạy” đến trường chính cho kịp giờ, rồi trưa lại cuốc bộ về nhà với chiếc bụng đói.

Nhiều bạn bè trong lớp “rơi rụng” dần, không đủ kiên trì và vượt khó đi học. Chỉ riêng Lỳ Bá Của học hết cấp 1, rồi cấp 2, lên THPT và vào cao đẳng sư phạm; ra trường về quê hương đi dạy. Lý do chọn trở thành giáo viên, cũng vì những ngày đến trường gian khó ấy, Lỳ Bá Của được thầy cô giáo mình giúp đỡ, cho sách vở, dạy phụ đạo miễn phí, đến tận nhà động viên… Thầy vẫn thường chia sẻ với phụ huynh, học sinh, với mong muốn câu chuyện của mình sẽ “truyền cảm hứng”, truyền ước mơ học hành, nên người và cũng là trả nghĩa ân tình với thầy cô ngày xưa của mình.

Thầy Lỳ Bá Của trở thành “người uy tín” ở bản Mông nơi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Biết từng học sinh, nhớ từng ngôi nhà, rõ từng hoàn cảnh, đến thăm từng vạt rẫy của bà con. “Phụ huynh học sinh bây giờ tiến bộ hơn rồi. Nhiều bố mẹ đi làm công nhân vất vả cũng mong có tiền về cho các con đi học. Nhưng đó cũng chính là thiệt thòi của học sinh, khi không có bố mẹ bên cạnh. Vì vậy, làm người thầy, mình phải chăm lo, quan tâm các em hơn, để bù đắp và không để em nào phải nghỉ học. Để đường tương lai sẽ gần hơn với ốc đảo này”, thầy giáo người Mông nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ