Ươm mầm doanh nhân trên ghế giảng đường

GD&TĐ - Thời gian gần đây, việc đưa nội dung về khởi nghiệp vào hoạt động đào tạo và rèn luyện sinh viên là chủ trương của nhiều trường đại học...

Sinh viên Trường Đại học Văn Lang tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do trường tổ chức. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường Đại học Văn Lang tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do trường tổ chức. Ảnh: NTCC

Ươm mầm doanh nhân

Sáng 15/10, Trường Đại học Công Thương TPHCM có buổi làm việc với các nhà đầu tư liên quan đến việc chuyển giao dự án “Lotusleep - Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam”. Đây là dự án khởi nghiệp do 5 sinh viên của trường thực hiện. Trước đó, tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND TP Cần Thơ tổ chức, dự án đã đoạt giải Nhì. Sau khi đoạt giải, dự án được Trường Đại học Công Thương TPHCM hỗ trợ để tiếp tục triển khai giai đoạn tiền ươm tạo thử nghiệm thị trường. Đến nay, dự án Lotusleep nhận được các phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng.

Tại Trường Đại học Văn Lang (TPHCM), một trong những hoạt động nổi bật là sự ra đời của Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp vào năm 2022, với mục tiêu hỗ trợ trên 100 ý tưởng khởi nghiệp mỗi năm. Trung tâm không chỉ cung cấp không gian làm việc, mà còn tổ chức các hội thảo, chương trình đào tạo kỹ năng và kết nối sinh viên với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà trường tích cực xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Trường đã hợp tác với nhiều đối tác lớn như Google, Kambria & OhmniLabs, ELSA Speak... để cung cấp nguồn lực tốt nhất cho sinh viên.

Đặc biệt, sự hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Co Vietnam - tổ chức đồng sáng lập bởi UNDP và Quỹ Citi thông qua chương trình “Springboard Amplifier Vietnam 2024” cũng là ví dụ điển hình. Chương trình không chỉ nâng cao năng lực khởi nghiệp trong cộng đồng Văn Lang, mà còn phát triển các kỹ năng quản lý và lãnh đạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ngoài ra, cuộc thi khởi nghiệp “Ra khơi” do Trường Đại học Văn Lang kết hợp cùng Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao phát động từ năm 2020, đến nay trở thành sự kiện thường niên được nhiều “nhà khởi nghiệp trẻ” quan tâm. Trong năm 2023, Trường Đại học Văn Lang ghi nhận hơn 200 dự án tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, với nhiều dự án được hỗ trợ tài chính từ quỹ đầu tư.

Ở nhiều trường đại học khác, công tác “ươm mầm” doanh nhân được chú trọng triển khai từ những ngày đầu tiên sinh viên bước chân vào giảng đường. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), sứ mệnh ươm mầm và tạo môi trường thuận lợi để sinh viên được thử sức khởi nghiệp ngay từ giảng đường đại học được nhà trường triển khai từ lâu.

Đầu tiên là những sân chơi khởi nghiệp chuyên nghiệp từ quy mô cấp khoa như “Ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh”, “Ý tưởng khởi nghiệp - sáng tạo sinh viên” của Khoa Tài chính - Thương mại, “Wake up your talent” của Khoa Marketing - Kinh doanh quốc tế, “STARTUP WITH HIE” của Viện Kỹ thuật… đến quy mô cấp trường là đấu trường khởi nghiệp được tổ chức thường niên HUTECH Startup Wings.

uom-mam-doanh-nhan-tren-ghe-giang-duong-1-2797.jpg
Quy trình hoạt động ươm mầm doanh nhân tại Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: NTCC

Bước ra từ sân chơi khởi nghiệp

ThS Hoàng Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho hay, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học giúp khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sinh viên, đồng thời thúc đẩy động lực học tập, tư duy sáng tạo và khả năng tự đổi mới. “Đây là nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học, cần được thực hiện đều đặn, đồng bộ và khoa học, góp phần tích cực cho cộng đồng và sự phát triển kinh tế quốc gia”, bà Thoa nhận định.

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) thông tin, trong thời gian tham gia các cuộc thi startup (khởi nghiệp), sinh viên được đào tạo liên tục với mentor (người hướng dẫn) là những doanh nhân, chuyên gia khởi nghiệp thành công thông qua các hội thảo, thảo luận...

Sinh viên được nắm bắt cụ thể quy trình thực hiện một dự án khởi nghiệp - từ phác thảo ý tưởng, xây dựng kế hoạch kinh doanh sơ bộ, mô hình kinh doanh chi tiết, quản lý tài chính và quản trị rủi ro hiệu quả, trình bày dự án và gọi vốn đầu tư, cách thức quảng bá thương hiệu…

Bên cạnh đó, các em còn được tham gia triển lãm để đem sản phẩm startup ra giới thiệu, khảo sát thị trường nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án, đáp ứng thực tiễn thị trường hay thị hiếu người tiêu dùng và có dịp kết nối với nhiều bạn trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp hay các doanh nhân.

“Bước ra từ sân chơi khởi nghiệp cấp trường, nhiều dự án của sinh viên HUTECH tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Chẳng hạn, cựu sinh viên Lê Ngọc Biết từng tham gia cuộc thi với dự án “Tranh vảy cá VaVa” nay đã thành CEO Hoa vảy cá VAVA; dự án TUYENDUNGVN.COM - Quán quân HUTECH Startup Wings 2023 đến nay có hơn 150 đối tác đồng hành.

Hay gần đây nhất, dự án khởi nghiệp Bộ khớp đa năng - Hỗ trợ người khuyết tật vận động chi trên của Nguyễn Ngọc Nhứt - Quán quân HUTECH Startup Wings 2024 được đánh giá giàu tiềm năng thương mại hóa trong tương lai…”, bà Dung thông tin.

Tại Trường Đại học Văn Lang, các quỹ đầu tư, điển hình như Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Microsoft đã đầu tư 150.000 USD vào các dự án tiềm năng của sinh viên. Bên cạnh đó, Quỹ Dariu Foundation đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ý tưởng khởi nghiệp từ giai đoạn tiền ươm tạo. Zone Startup Vietnam đã trở thành đối tác lớn, cung cấp nguồn lực và cố vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trường Đại học Văn Lang.

“Để thực hiện mục tiêu ươm mầm doanh nhân trẻ, Trường Đại học Văn Lang đầu tư vào các chương trình giáo dục đổi mới sáng tạo, tích hợp kiến thức thực tiễn vào giảng dạy. Sinh viên không chỉ học lý thuyết, mà còn tham gia các dự án thực tế, phát triển ý tưởng khởi nghiệp ngay từ những năm đầu.

Nhà trường tổ chức hội thảo, seminar và giao lưu với các doanh nhân thành đạt, giúp sinh viên mở rộng mạng lưới quan hệ và tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, trường chú trọng phát triển kỹ năng mềm như lãnh đạo, đàm phán và quản lý thời gian, giúp sinh viên tự tin khi bước vào thị trường lao động”, TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

“Tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, cả bắt buộc lẫn tự chọn, tăng từ 30% vào năm 2020 lên 48% vào năm 2022. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp và 100% cơ sở đào tạo xây dựng chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên”, theo báo cáo từ Bộ GD&ĐT tại Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.