Từ xa xưa, nén hương đã đi vào đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng. Ngày nay, khắp 3 miền của đất nước vẫn có những làng làm hương cổ truyền, miệt mài, cần mẫn tiếp tục công việc của mình, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hoá ấy.
Nhưng trong số đó, nổi tiếng và phát triển hơn cả có lẽ là nghề làm tăm hương xuất khẩu ở xã Quảng Phú Cầu thuộc huyện Ứng Hòa cách trung tâm Hà Nội chừng 40km.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề làm tăm hương đã có mặt ở đây trên 100 năm, ban đầu tập trung chủ yếu ở thôn Phú Lương Thượng với mô hình nhỏ lẻ. Nhưng vài chục năm trở lại đây, khi thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản phẩm được xuất khẩu, nghề này đã phát triển mạnh mẽ, nhân ra cả xã. Thế nên cả 6 thôn trong xã với hàng nghìn lao động đều cùng tham gia vào công việc xuất và làm tăm hương này.
Về Quảng Phú Cầu không riêng gì hôm nay, mà ở mọi thời điểm trong năm luôn có ánh vàng rung rinh của nắng, hòa với màu xanh hoa cỏ, quyện lại cùng nét thắm của sắc đỏ chân hương. Chỉ cần một lần ghé qua cũng đủ đế khiến con người ta "phải lòng” rồi mê mẩn với mảnh đất này.
Để có nén hương thơm đạt chất lượng phục vụ việc thờ cúng là cả một quá trình công phu, tỉ mỉ của những người thợ.
Đầu tiên, những cây nứa, cây vầu được chuyển về từ khắp các tỉnh như: Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn… Rồi phải đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho “chín”, sau đó vớt lên, rửa sạch.
Tiếp đó với sự hỗ trợ của máy móc sẽ tạo ra những chiếc tăm hương tròn đều đúng theo kích cỡ mà người làm cần. Làm tăm hương chỉ là công đoạn đầu tiên nhưng lại cực kỳ quan trọng nhất, bởi nó quyết định sự hoàn thiện về cả chất lượng và mẫu mã của cây hương.
Quan sát cách những cây hương trắng được nhúng qua lớp nhuộm màu, bỗng hóa thành màu đỏ rực rỡ một cách kỳ diệu, khách tham quan sẽ cảm thấy mình “yêu” nơi này từ bao giờ chẳng hay.
Hàng trăm hàng nghìn cây tăm hương được người thợ thủ công khéo léo, nào tay nào chân, thoăn thoắt buộc một cách nhanh gọn. Vừa làm, vừa cười nói và điều dễ thấy nhất, là trên gương mặt ai cũng phơi phới, rạng rỡ niềm tin.
Sau khi được nhuộm đỏ, nhuộm hồng người Quảng Phú Cầu mang tăm hương đem phơi khô, đây cũng chính là lúc quảng cảnh cả một vùng đất ven bờ sông Nhuệ trở nên lung linh đến mê mẩn. Những bó tăm hương xòe ra như những bông hoa hồng khiến cho khắp các nẻo đường làng ngõ xóm bỗng đẹp hút hồn, vô cùng sống động.
Những bông hoa ấy nở hai bên đường đi, đua nhau khoe sắc trên những bờ rào đầy nắng, rồi có giây phút lại bất chợt nở bung trên tay các mẹ, các chị theo mỗi đường xòe... Đó là những bông hoa kết tinh từ sự khéo léo của đôi bàn tay và những giọt mồ hôi ướt đầm trên vai áo người Quảng Phú Cầu.
Lúc mặt trời tắt nắng, tất cả người dân túa ra thu gom cất kho, đóng kiện và giao cho thương lái. Làm tăm hương cần có sự tỉ mỉ, khéo léo cũng như kiên nhẫn thì mới có thể theo nghề lâu dài được. Trải qua những biến động, thăm trầm của thời gian, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành sản phẩm đặc trưng của mảnh đất này.
Cũng như 3000 lao động đang làm việc trong xã, chị Hoàng Thị Liên chia sẻ: “Chỉ mong nghề làm tăm hương cứ thế phát triển, để tạo ra việc làm ổn định cũng như nguồn thu nhập lớn hơn để các gia đình chăm lo cho con em học hành”.
Còn đối với anh Nguyễn Hữu Long, chủ của một cơ sở làm tăm hương thì lại chân thành kể: “Những tháng giáp Tết cả làng bận lắm! Với nơi khác thế nào không biết nhưng ở Quảng Phú Cầu, Tết đã bắt đầu từ bây giờ rồi. Dịp này toàn bộ hàng đang làm đều dành tiêu thụ vào khoảng thời gian Tết. Nhà ít thì ngày làm tới 7- 800kg tăm hương, nhà nhiều thì lên đến vài tấn”.
Vừa đóng gói hàng, anh Long cười: “Nhiều năm trở lại đây, khi tăm hương được xuất khẩu sang cả Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ thì người lao động phổ thông cũng có thu nhập 7-8 triệu đồng /tháng. Từ đó mà cuộc sống ổn định hơn, Tết cũng rôm rả và no đủ hơn.”
Rời Quảng Phú Cầu khi đã chiều muộn, thế nhưng chúng tôi vẫn thấy hai bên đường người dân còn đang miệt mài với công việc của mình. Những chiếc xe cải tiến vẫn nối đuôi nhau hối hả trên đường làng. Màu đỏ rực cùng mùi ngai ngái của những bó tăm hương cứ dần dần lùi lại sau lưng.
Chắc chắn với những ai đã có một lần về vùng quê này, thì sẽ đều nhớ mãi và ước hẹn một ngày gần nhất để trở lại, nơi có những con người hồn hậu, với cách sống bình dị và mộc mạc đang ngày đêm lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Dù rằng Tết Nguyên đán vẫn chưa về thế nhưng ước vọng mùa xuân đã nở đỏ trên mảnh đất Quảng Phú Cầu.